Thành phố âm nhạc New Orleans và sự hồi sinh thần kỳ sau siêu bão
(Baonghean) - 10 năm sau siêu bão Katrina, nền kinh tế của New Orleans đã vươn lên từ đống đổ nát và đang chứng kiến một sự hồi sinh ngoạn mục. Không chỉ riêng kinh tế, nơi sản sinh ra rất nhiều nhạc công nổi tiếng này còn khôi phục lại nền âm nhạc, thứ vốn được xem như là linh hồn nơi đây.
Đã tròn 1 thập kỷ kể từ khi siêu bão Katrina càn quét nước Mỹ khiến hơn 1800 người thiệt mạng và tổng thiệt hại vật chất ước tính đến hơn 108 tỷ USD. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là thành phố New Orleans bang Lousiana khi 80% diện tích thành phố chìm trong ngập lụt với thiệt hại lên đến 75 tỷ USD.
Ảnh Internet |
10 năm đã qua đi, đến nay, những ngôi nhà mới, đầy màu sắc đã được xây dựng trên nền đổ nát xưa. New Orleans đang thay đổi từng ngày. 40.000 việc làm mới đã được tạo nên và tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp tại đây nay cao hơn 64% so với mức trung bình của cả nước Mỹ.
Tại New Orleans, siêu bão Katrina đã cướp đi sinh mạng của hơn 700 người và đẩy hàng chục nghìn người khác vào cảnh mất hết nhà cửa và tài sản. Phần lớn các nhạc sỹ và người dân địa phương đã phải rời thành phố này vì không còn nơi ở và âm nhạc - trái tim thành phố khi đó đã như ngừng đập.
Đứng dậy từ đống hoang tàn, dự án “Nơi ở cho người dân” khi đó đã ra đời bằng việc xây dựng những ngôi nhà cho những gia đình thu nhập thấp và một ngôi làng dành riêng cho các nhạc sỹ, nhạc công đã được hình thành. Ngôi làng nhạc sỹ, nhạc công chính thức được thành lập vào tháng Tư năm 2006 với sự tham gia của 40.000 tình nguyện viên và 72 ngôi nhà đã được xây dựng nên. Điều đáng nói là giá thuê nhà cho các nhạc sỹ, nhạc công chỉ bằng một nửa giá tiền thuê nhà thông thường ở nơi đây. Điều này thực sự đã tạo ra sự an tâm cho các nghệ sỹ trong việc sáng tác và hoạt động âm nhạc nói riêng, làm sống lại linh hồn đã mất của New Orleans nói chung.
Giờ đây, có thể nói trái tim thành phố đã đập trở lại, với những giai điệu truyền thống vang khắp thành phố. Du khách bây giờ có thể thưởng thức tiếng trống, tiếng đàn và cả nhạc jazz ở khắp các con phố của New Orleans. Chia sẻ về sự hồi sinh thần kỳ này, ông Jim Pate, giám đốc dự án “Nơi ở cho người dân” cho biết: "Đánh mất đi nét đẹp di sản văn hóa cũng chính là đánh mất trái tim thành phố, và thành phố sẽ bị hủy hoại vĩnh viễn. Đó là lí do vì sao chúng tôi triển khai lại dự án này, để bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng nơi đây".
“Thành phố chết” năm nào giờ đây đã hồi sinh một cách thần kỳ. Thế nhưng có lẽ thảm họa kinh hoàng Katrina sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí những người dân New Orleans như một lời cảnh tỉnh về sức mạnh đáng sợ của thiên nhiên. Không chỉ riêng New Orleans mà rất nhiều thành phố cũng đã hồi sinh thần kỳ sau thảm họa tự nhiên, mới nhất có thể kể đến thành phố Fukushima ở Nhật Bản với thảm họa động đất sóng thần kinh hoàng năm 2011. Những thiên tai đó cũng như những sóng gió khó khăn ập đến trong cuộc đời ta, có thể sau đó ta chỉ còn lại đống hoang tàn, nhưng mọi thứ sẽ chỉ kết thúc nếu ta đánh mấy hy vọng và cố gắng. Hãy đặt niềm tin vào ngày mai tươi sáng, bởi nó chỉ đến với những ai còn hy vọng, còn cố gắng.
NHẬT MINH (Theo NY TIMES)