Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ: Hậu quả đối với Việt Nam và thế giới

21/08/2015 11:01

(Baonghean) - Ngày 11/8/2015, Ngân hàng T.W Trung Quốc tuyên bố giảm 1,9% trị giá đồng nhân dân tệ so với đồng dola. Ngày 12/8/2015, Trung Quốc giảm tiếp 1,6% giá trị đồng tiền nhân dân tệ và ngày 13/8/2015, tiếp tục giảm 1,1%. Ba ngày liên tiếp (11, 12, 13/8/2015), giá trị đồng nhân dân tệ giảm 4,6% so với đồng dola.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trung Quốc tránh dùng động từ “phá giá” mà dùng từ “giảm giá” đồng nhân dân tệ. Về khoa học, dùng từ “phá giá” đúng hơn là “giảm giá”. Ba ngày, giá trị đồng nhân dân tệ mất 4,6%, việc hơn 20 năm mới xảy ra một lần, đây là một việc lớn, đúng hơn là cực lớn.

Đồng nhân dân tệ là đồng tiền chưa được quốc tế hóa. Do đó, việc phá giá 4,6% trong ba ngày dù là vấn đề cực lớn cũng chưa có thể làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu, nhưng buộc nhiều quốc gia phải điều chỉnh tỷ giá của mình so với đồng dola.

Trên lĩnh vực kinh tế thế giới, có lẽ việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (3 ngày 4,6%) là sự kiện nổi bật nhất trong năm 2015, các nhà kinh tế, các chính khách khắp nơi trên thế giới đang quan tâm lý giải nhiều vấn đề liên quan đến việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.

1. Tại sao Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ vào lúc này, mục đích thực sự là gì?

Cho đến nay, có ba cách lý giải vấn đề này:

- Một là, từ năm 2014, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu chững lại, tụt dốc và có dấu hiệu suy thoái. Sau một phần tư thế kỷ, kinh tế Trung Quốc liên tục đạt tốc độ tăng trưởng trên dưới 10%/năm, năm 2014 chỉ đạt sát trên 7%, năm 2015 có khả năng xuống dưới 7%. Xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2015 giảm 8,3% so cùng kỳ 2014 (giảm 195,1 tỷ USD).

Để khôi phục tăng trưởng xuất khẩu, Trung Quốc buộc phải phá giá đồng nhân dân tệ. Khi phá giá đồng nhân dân tệ, hàng hóa Trung Quốc sẽ có giá rẻ và có khả năng xâm nhập vào thị trường các nước; ngược lại hàng hóa của các nước xuất khẩu vào Trung Quốc sẽ gặp khó khăn.

Cách lý giải trên là đúng và được mọi người đồng tình, nhưng liệu đây có phải là lí do chủ yếu thúc đẩy Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ hay không thì còn nhiều ý kiến khác nhau.

- Hai là, để giải quyết nền kinh tế trên đà trượt dốc, năm 2014 và tháng 6 đầu năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã tung ra nhiều biện pháp mạnh tay như giảm lãi suất, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và bỏ ra hàng ngàn tỷ nhân dân tệ để cứu thị trường chứng khoán khỏi sụp đổ (tháng 6/2015).

Nhưng tất cả các biện pháp trên đã không ngăn chặn được tốc độ suy giảm của nền kinh tế và giảm sụt thảm hại của xuất khẩu. Do đó, phá giá đồng nhân dân tệ là lựa chọn duy nhất để cứu nền kinh tế sau khi hàng loạt biện pháp nới lỏng trước đó không đem lại kết quả.

Cách lý giải này sâu sắc, toàn diện hơn và được nhiều học giả, nhà kinh tế châu Âu và Bắc Mỹ, châu Á ủng hộ.

- Ba là, một số học giả cho rằng, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ là một phần trong một chiến lược rộng lớn nhằm đưa đồng nhân dân tệ vào hệ thống tài sản dự trữ của quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), còn gọi là đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ có quyền rút vốn đặc biệt của IMF.

Lý giải này có lý bởi lẽ: ngày 10/8/2015, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do Mỹ chi phối đã từ chối đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền dự trữ của quốc tế, lập tức, ngày 11/8/2015 Trung Quốc tuyên bố phá giá đồng nội tệ (ngày 10/8/2015 về trước 1 USD đổi được 3,1162 nhân dân tệ thì từ 11/8/2015 1 USD đổi được 6,1162 nhân dân tệ, đến ngày 12 và 13/8/2015 giá trị đồng nhân dân tệ còn xuống thấp hơn nhiều). Một số chuyên gia ngân hàng (người Trung Quốc) cho rằng việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ là sự phản ứng của Trung Quốc đối với quyết định của IMF (từ chối đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền dự trữ của IMF) chứ không liên quan đến sự sa sút của nền kinh tế Trung Quốc.

Cách lý giải này, về khoa học, chỉ đúng một phần đó là sự phản ứng của Trung Quốc trước việc IMF (cho Mỹ chi phối) từ chối đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ có quyền rút đặc biệt của IMF. Nếu cho rằng việc phá giá đồng nhân dân tệ không liên quan đến sự sa sút của nền kinh tế Trung Quốc thì không đúng.

Tóm lại, trong tất cả các cách lý giải về nguyên nhân Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ có một điểm chung là xuất phát từ sự sa sút của nền kinh tế.

2. Hậu quả của việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đối với Việt Nam và thế giới.

Mặc dù đồng nhân dân tệ chưa được quốc tế hóa, chưa thuộc giỏ các đồng tiền có quyền rút đặc biệt của IMF (chưa thuộc giỏ tiền tệ dự trữ của quốc tế trong IMF), nhưng nền kinh tế của Trung Quốc có quy mô (tổng GDP) lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ), cho nên việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ chắc chắn tác động đến kinh tế các nước.

Tùy theo tính chất và quy mô của mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, mà hậu quả do việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ là rất khác nhau đối với các nước.

Nguyên lý chung là: khi phá giá đồng nhân dân tệ hàng hóa Trung Quốc có giá rẻ hơn, làm cho xuất khẩu của Trung Quốc tăng vọt. Ngược lại, hàng hóa các nước xuất vào thị trường Trung Quốc sẽ có giá trị cao hơn, nghĩa là lối vào cho hàng hóa nước ngoài vào Trung Quốc bị thu hẹp và gặp khó khăn.

Về cơ bản, có hai nhóm nước khác nhau, về tính chất và quy mô quan hệ kinh tế với Trung Quốc: 1 Mỹ, Nhật, EU và 2. Các nước đang phát triển thuộc ASEAN, Mỹ Latinh, Nga, châu Phi – Trung Đông. Mỹ và khu vực đồng euro (eurozone) ít bị thiệt hại từ việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ vì giá trị xuất khẩu vào Trung Quốc chỉ chiếm 0,7% GDP của Mỹ và 1,5% GDP của eurozone.

Các nước châu Phi phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về kinh tế rất dễ bị tổn thương khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Nam Phi, nền kinh tế lớn thứ hai châu Phi, là quốc gia phát triển nhất châu Phi và là thành viên của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, cũng đã chịu đau đớn khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ: tỷ giá của đồng rand Nam Phi đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 14 năm và thị trường chứng khoán bị tổn thất nặng nề.

Các nước xuất khẩu nguyên liệu thô vào Trung Quốc (Trung Quốc là thị trường chính) như Brazil, Australia, Nga, các nước vùng Vịnh... sẽ phải chịu thiệt hại lớn, nhất là khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN với kim ngạch hai chiều năm 2014 đạt 350 tỷ USD (Mỹ tụt xuống thứ 4 với kim ngạch hai hai chiều ASEAN – Mỹ năm 2014 chỉ đạt 206 tỷ USD). Do đó, các nước ASEAN sẽ phải chịu rủi ro, tổn thất lớn do Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Đồng dola Singapone (SGD), đồng ringgit của Malaysia, Việt Nam đồng và các đồng tiền Thái Lan, Indonesia... đồng loạt mất giá trị từ 1 đến 2% so với đồng dola ngay sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ.

Trong các nước ASEAN (không kể Lào và Campuchia), nền kinh tế Việt Nam có ba điểm yếu chí tử (gót Achin):

Một là: năng lực sản xuất và năng lực xuất khẩu của Việt Nam kém xa các nước phát triển trung bình trong khu vực (Malaysia, Thái Lan). Năm 2013 và 2014, các doanh nghiệp FDI (nước ngoài) chiếm 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu, 11 tập đoàn kinh tế và gần 90 tổng công ty kinh tế nhà nước – trụ cột của nền kinh tế - và hàng trăm ngàn doanh nghiệp dân doanh của Việt Nam xuất khẩu chưa được 30%. Năng suất lao động của Việt Nam chỉ đạt 1/15 Singapore, 1/5 Malaysia, 1/3 Thái Lan. Nghĩa là sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, của hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam rất thấp so với Trung Quốc và khu vực.

Hai là, Việt Nam nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc, nhập siêu từ Trung Quốc luôn chiếm 70 – 80% tổng nhập siêu của Việt Nam. Bảy tháng đầu năm 2015, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 17 tỷ USD, cả năm 2015 sẽ vượt 30 tỷ USD. Sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc như một cơn lũ tràn vào Việt Nam và sẽ nhấn chìm nhiều ngành sản xuất, nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, yếu kém trong cuộc đấu tranh chống buôn lậu qua biên giới, nhất là biên giới Việt – Trung, vô tình tiếp tay cho hàng hóa, thực phẩm Trung Quốc với giá rẻ, độc hại tràn vào Việt Nam làm điêu đứng nền kinh tế ốm yếu, gây hậu quả rất xấu đến sức khỏe người dân và sự phát triển nòi giống hiện nay và trong tương lai.

Ba là, nợ công của Việt Nam rất lớn, khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ buộc Việt Nam phải điều chỉnh tỷ giá của Việt Nam đồng (thực chất là phá giá đồng tiền), mức điều chỉnh có thể nâng đến 3-4% thậm chí là 5%. Đồng tiền phá giá thì nợ công tăng theo tỷ lệ thuận: phá giá đồng tiền 1% thì nợ công tăng 1%, phá giá 5% thì nợ công tăng 5%.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo nợ công của Việt Nam tới 110 tỷ USD (không kể nợ công của các doanh nghiệp, tập đoàn, công ty nhà nước), riêng khoản chi lãi vay chiếm 7,2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm.

Với ba điểm yếu cơ bản trên, nền kinh tế Việt Nam như một ngôi nhà cấp 4 đã 30 tuổi. Việc phá giá đồng nhân dân tệ (3 ngày 11, 12, 13/8/2015 là 4,6%) mới chỉ là một “chiêu” mang tính khai hỏa, mở đầu. Liệu nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ đứng vững, chịu đựng nổi trước các “chiêu” nặng nề hơn, hiểm độc hơn của Bắc Kinh trong thời gian tới?

3. Trung Quốc khơi mào “cuộc chiến tiền tệ”? Việt Nam và các nước được gì?

Có phải Trung Quốc khơi mào một cuộc chiến tiền tệ không thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Trung Quốc (ngân hàng T.W) phủ định việc họ khơi mào cho cuộc chiến tiền tệ.

Một số học giả cho rằng, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ là họ đã chủ động tạo ra một cuộc chiến tranh tiền tệ. Số khác lại cho rằng chưa có chiến tranh tiền tệ, việc phá giá đồng nhân dân tệ chỉ là biện pháp bắt buộc để chặn đứng đà suy thoái của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đã tác động mạnh đến thị trường tài chính thế giới và buộc hầu hết quốc gia, nhất là các nước châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh phải điều chỉnh đồng nội tệ của mình với đồng dola để giảm bớt thiệt hại.

Cho đến nay (19/8/2015), có lẽ, thị trường tài chính thế giới mới bước vào “báo động đỏ” chứ chưa thực sự bước vào một cuộc chiến tranh tiền tệ trên phạm vi toàn cầu.

Nhưng cuộc chơi chưa dừng lại ở đây!

Không ai có thể biết được Trung Quốc sẽ còn tung ra “chiêu” gì sắp tới. Chỉ có kẻ ngớ ngẩn hoặc trí tuệ thiểu năng mới tin những lời cam kết, hứa hẹn đường mật của lãnh đạo Trung Quốc!

Tất nhiên, trò chơi trên lĩnh vực tiền tệ tài chính rất nguy hiểm. Có hai điều mà Trung Quốc phải cân nhắc: 1. Nền kinh tế Trung Quốc chưa đủ mạnh để có thể muốn làm gì thì làm, bản thân nền kinh tế thứ hai thế giới cũng bao chứa trong nó nhiều lỗ hổng, nhiều bong bóng (nợ công, bất động sản). 2. Việc phá giá đồng nhân dân tệ đi đôi với mối lợi tăng xuất khẩu là nhiều rủi ro không nhỏ đối với nền kinh tế Trung Quốc. Chính họ đã khơi mào cho một làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc. Chỉ một tuần sau khi phá giá đồng nhân dân tệ đã có gần 200 tỷ USD ra khỏi Trung Quốc.

Liệu cái lợi thu được có bù đắp được thiệt hại?

Dừng lại ở đây hay “chơi” tiếp: tiếp tục phá giá đồng nhân dân tệ?

Chớ chủ quan, khi cần bảo vệ lợi ích “chính đáng” của mình, Trung Quốc sẵn sàng phá giá đồng nhân dân tệ đến 10%, thậm chí lớn hơn. Tất nhiên kinh tế Trung Quốc sẽ bị nhấn chìm trong cơn thác lũ đó!

Việc Trung Quốc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ làm cho kinh tế các nước, nhất là Việt Nam, phải chịu thách thức và tổn thất nặng nề.

Điều đó thì đã rõ. Nhưng lẽ nào thế giới chỉ phải chịu thua thiệt chứ không được lợi gì?

Có chứ!

Cái lợi nhất đối với các nước và cộng đồng quốc tế qua “vụ này” là thấy rõ hơn bộ mặt thật của Trung Quốc, hiểu đầy đủ hơn, đúng đắn hơn những thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế - tài chính toàn cầu.

Các mối lợi mà Việt Nam thu được từ việc phá giá đồng nhân dân tệ lớn hơn các nước. Đó là:

Một là, hiểu rõ hơn những mặt yếu kém cơ bản của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Hai là, nhận thức đầy đủ hơn những tai họa khi phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Ba là, tỉnh táo hơn khi hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

Việt Nam - Trung Quốc: láng giềng là vĩnh viễn, bất biến.

Nhưng phụ thuộc vào Trung Quốc (về chính trị, kinh tế, văn hóa) không phải là điều tất yếu.

Hợp tác với Trung Quốc là cần thiết, nếu để nền kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc là đẩy cả dân tộc Việt Nam vào cảnh lầm than, tủi nhục!

PGS - TS, Thiếu tướng

Lê Văn Cương

(Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an)