Chạy chợ, làm thơ

04/07/2015 07:37

(Baonghean) - Đến xóm Tiên Tiến 1, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, đang loay hoay hỏi nhà bà Lê Thị Tuyến, chúng tôi nghe có giọng rất thanh cất lên từ phía sau: “Nhà em ở dưới ni chị ơi”. Ngoảnh lại, nhìn ngôi nhà nhỏ khiêm nhường, khung cửa sổ cũ kỹ, cài nẹp cẩn thận mà ngỡ đã thân thuộc tự thuở nào.

Bà Tuyến từ ngoài vườn trở vào nhà, vồn vã chào khách. Dáng người cao ráo, nước da trắng hồng, trông bà chẳng có chút tất bật, lam lũ thường thấy của người dân lao động. Nụ cười hồn hậu thường trực trên môi. Nói về cuộc đời mình, bà bảo: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Dù khó khăn đến mấy thì trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ là phải lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Cũng may ông trời cho sức khỏe, 5 đứa con đều chăm ngoan, vậy là tui mừng rồi”. Bà sinh năm 1960, lớn lên ở vùng biển này. 20 tuổi bà theo chồng, ông Nguyễn Văn Mẫn về làm dâu, làm vợ, rồi làm mẹ. Ông Mẫn quanh năm suốt tháng đênh đênh trên biển, một mình bà xoay xở việc nhà, nuôi dạy con cái. Nghề đi biển cũng gập ghềnh như con sóng ngoài khơi, thu nhập chẳng đáng là bao. Dù đã lên tuổi ông, tuổi bà nhưng ông Mẫn vẫn lặn lội vào tận miền Nam đi đánh cá thuê cho các chủ thuyền. 5 đứa con lần lượt bước chân vào các trường đại học, nỗi lo của bà Tuyến cứ nhân lên, chồng chất.

Bà Tuyến chuẩn bị hàng đi bán.
Bà Tuyến chuẩn bị hàng đi bán.

Gần 20 năm làm giáo viên mầm non, với đồng lương ít ỏi, ngoài giờ đứng lớp, bà tranh thủ trồng thêm dăm ba sào dưa, sào vừng. Các con lớn lên, chi tiêu trong gia đình cũng trở nên chật vật hơn, bà quyết định nghỉ dạy để chạy chợ, buôn hết hàng này sang thứ khác. Bất kể ngày mưa hay ngày nắng, bà vẫn rong ruổi trên những chặng đường. Bà đi hầu hết các huyện của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để bán các loại hải sản khô như cá, moi, sò... làm thức ăn cho gia súc. Những chuyến hàng nặng đến vài ba tạ nhưng bà vẫn nai nịt một cách gọn tơm. Giao hàng cho khách xong, bà quay về thu mua hải sản trong làng. Gặp hôm trời nắng, bà tranh thủ phơi phong để những con tép, con cá không bị ẩm mốc. Lúc nào bà cũng làm việc luôn chân luôn tay. Những hôm đi “đổ hàng” về sớm và lại “tạt” vào ruộng để cuốc đất, nhặt cỏ. Có hôm đi về mệt, không ăn uống được gì, nghĩ bụng, sớm mai sẽ nghỉ ở nhà, nhưng đến lúc ngủ dậy, bà lại toan lấy xe, lấy hàng, nai nịt rồi đi. Mỗi chuyến hàng bà kiếm được 300 - 400 nghìn đồng.

Chứng kiến công việc của mẹ, Hằng, cô con gái thứ 3, tỏ ra lo lắng: “Nhiều hôm thấy mẹ đi về muộn, mưa ướt lót ngót mà rơi nước mắt. Nhưng mẹ em chẳng lúc nào kêu ca, phàn nàn gì cả”. “Thân gái dặm trường”, khó để nói hết nỗi nhọc nhằn nhưng ngay cả lúc ngồi chuyện trò cùng chúng tôi, bà Tuyến cũng chẳng may may nhắc đến. Dường như, với bà, mọi thứ thật nhẹ tênh. Bà bảo: “Dạo ni, em Hằng ra trường, đi dạy gần nhà nên sớm tối có mẹ có con chuyện trò vui lắm”. 5 người con của bà Tuyến nay đã 4 người tốt nghiệp đại học, còn cô con gái út đang theo học Trường Đại học Thương Mại. Mỗi người công tác một nơi nhưng mỗi lúc có chuyện vui buồn họ đều hướng về mẹ để được yêu thương, che chở và động viên.

Mỗi lúc rảnh rỗi, bà Tuyến lại làm thơ để chuyện trò, động viên chồng, con. Những vần thơ được viết trên đường đi, viết vào những hôm trời mưa gió... Lời thơ mộc mạc, dung dị mà ngồn ngộn nhựa sống, chất chứa tình yêu thương. Bà bảo: “Đó chỉ là góp nhặt những yêu thương bà dành cho chồng, cho con”.

Bà nhớ, lần đầu tiên làm thơ là để tặng chồng, động viên chồng đi bộ đội.

“Quyển sổ này tự tay em làm lấy

Gói trọn tình đời mộc mạc đơn sơ

Trong lúc xa anh em mãi đợi chờ

Chữ chung thủy có phải mờ đâu anh nhỉ”.

Sau này, khi mỗi đứa con vào đại học, bà lại làm thơ tặng con. Những vần thơ cứ tự trào dâng như từng đợt sóng xô bờ. Nó dường như là kết quả tất yếu của tình yêu thương vô cùng mãnh liệt.

Những bài thơ của bà được chọn in trong các ấn phẩm của CLB thơ Đường huyện Diễn Châu, Hội UNESCO thơ Đường Việt Nam. Cầm trên tay cuốn “Gương mặt thơ Việt Nam đương đại”, tôi không thể ngờ, người phụ nữ bình dị ấy lại là một “gương mặt thơ” tiêu biểu của văn học nước nhà.

Bài, ảnh: Nguyễn Lê