Dồn điền, đổi thửa - "Tiếng nói" từ ruộng đồng- Bài cuối: Tăng trách nhiệm, tạo đồng thuận ở cơ sở

15/07/2015 08:13

(Baonghean) - Bên cạnh những địa phương làm tốt thì có không ít địa phương chậm triển khai, chưa quan tâm công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc cơ sở thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT). Từ nay đến cuối năm (kết thúc nhiệm kỳ 2010 - 2015) thời gian không còn nhiều, nên các địa phương phải triển khai các giải pháp đồng bộ, cụ thể để đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch đã được giao.

Thiếu quan tâm, ngại thay đổi

Tân Kỳ là địa phương chậm nhất cả tỉnh trong thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Đến nay, mới chỉ có 1/18 xã hoàn thành việc chỉnh trang đồng ruộng và đào đắp giao thông nội đồng; 10 xã mới triển khai một phần diện tích và còn 7 xã chưa hề triển khai ngoài thực địa. Theo ông Nguyễn Văn Thanh (Trưởng phòng TN&MT huyện), nguyên nhân chậm là do nhận thức của cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở chưa đầy đủ, chưa thấy được lợi ích của DĐĐT; bên cạnh đó là tâm lý ngại xới xáo, thay đổi, ngại khó khăn, va chạm. Ví dụ như ở xã Nghĩa Thái, mới triển khai thực hiện DDĐT ở 3/6 xóm, với diện tích đã thực hiện chưa đầy 16 ha trong tổng số gần 306 ha; nguyên nhân đầu tiên không nằm ở những lý do khách quan như địa hình khó khăn, thửa ruộng manh mún… mà lại thuộc về nhận thức của cả chính quyền và người dân.

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thái - ông Phan Kim Vân thừa nhận: “Không phải là không làm được, mà sau khi chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 02 chúng tôi thấy như vậy cũng đã ổn, không có ý định làm tiếp”... Hay như tại xã Kỳ Tân, cá biệt có hộ ở xóm 1 Tân Xuân có tới 16 thửa ruộng. Ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân cho biết: “Trước đây, cấp trên cũng chưa chỉ đạo sát sao, hơn nữa xã đang tập trung vào những nội dung khác, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng trường học, GTNT… nên chưa quan tâm nhiều đến vấn đề DĐĐT”.

Cán bộ xã Phúc Thành (Yên Thành) kiểm tra công trình   kênh mương nội đồng. Ảnh: P.B
Cán bộ xã Phúc Thành (Yên Thành) kiểm tra công trình kênh mương nội đồng. Ảnh: P.B

Nhìn lại ở một số xã của huyện Tân Kỳ như Nghĩa Đồng, Giai Xuân, khi cấp ủy và chính quyền tập trung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, những kết quả đạt được rất khả quan. Đến năm 2014, Nghĩa Đồng là địa phương duy nhất ở Tân Kỳ hoàn thành DĐĐT gắn với quy hoạch cải tạo lại ruộng đồng, nâng cấp giao thông, thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bình quân mỗi hộ chỉ 1 thửa đất. Hay xã Giai Xuân, dù điều kiện địa hình không thuận lợi như ở Nghĩa Đồng, ruộng chủ yếu bậc thang, hóc chọ, nằm xen kẽ trong khu dân cư, 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập bình quân đầu người còn thấp nhưng chủ trương này đã được đại đa số nhân dân đồng tình ủng hộ, đóng góp sức người cũng sự tham gia của các khối đoàn thể thực hiện.

Từ 2 xã trên cho thấy, công tác chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã ở Tân Kỳ chưa quyết liệt, thiếu tập trung, chưa có sự thống nhất đồng bộ để tuyên truyền, vận động, chỉ đạo thực hiện. BCĐ huyện chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các xã chưa bám sát hướng dẫn của ngành cấp trên, nên còn lúng túng, các bước tiến hành chồng chéo, chưa khoa học dẫn đến kết quả sau 3 năm thực hiện còn đạt rất thấp.

Cũng là một trong những địa phương có kết quả DĐĐT chậm nhất nhì trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm này, huyện Hưng Nguyên mới chỉ có 11/22 xã hoàn thành công tác DĐĐT tại thực địa như Hưng Xá, Hưng Tân, Hưng Thông, Hưng Đạo, Hưng Mỹ, Hưng Tiến.... Còn 11 xã khác thì mới chỉ làm được những bước đầu tiên là xây dựng phương án của xã, thành lập BCĐ, cắm mốc đường giao thông, thủy lợi tại thực địa như ở Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam, Hưng Lợi, Hưng Nhân, Hưng Châu... So với các địa phương khác thì những điều kiện thuận lợi của Hưng Nguyên là khá nhiều, khi đồng đất tương đối bằng phẳng, kết quả DĐĐT theo Chỉ thị 02 là tương đối tốt, đất đai phân bổ tập trung... Song, do hệ thống cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể vào cuộc chưa quyết liệt, đôi lúc còn thờ ơ, e ngại dẫn đến việc công tác chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân còn hạn chế. Trong 11 xã triển khai chậm của Hưng Nguyên thì Hưng Yên Nam ở vị trí “đội sổ”. Xã có 14 xóm thì chưa có xóm nào xây dựng được phương án chuyển đổi và được người dân đồng thuận.

Ông Hoàng Đức Quý, Xóm trưởng xóm 3 cho biết: Ban cán sự xóm có tổ chức họp dân và trình phương án chuyển đổi, nhưng do người dân không đồng ý nên thôi. Hỏi vì sao dân không đồng ý, thì ông Quý cho hay rằng, do đồng đất của xóm là ruộng bậc thang, nơi tốt, nơi xấu. Người dân thấy sản xuất nông nghiệp không hiệu quả nên đã không còn mặn mà, đến mùa thì về làm còn ngày bình thường thì đi làm cửu vạn trong TP. Vinh cho thu nhập cao hơn. Đến năm 2014, xã mới hoàn thành phương án DĐĐT gửi lên huyện để phê duyệt. Từ đó đến nay thì xã chưa làm được nội dung gì khác. Nguyên nhân là do bộ máy cán bộ không ổn định nên các thành viên trong BCĐ của xã chưa bám cơ sở để đôn đốc, chỉ đạo. Nhận thức của cán bộ trong cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể còn hạn chế nên phương án đưa ra nhưng không thực hiện, chưa tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân nên đa phần người dân chưa có nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục đích của DĐĐT.

Tập trung nguồn lực hoàn thành kế hoạch

Theo kế hoạch mà UBND tỉnh đề ra, từ nay đến hết năm 2015, tất cả các địa phương phải hoàn thành DĐĐT tại thực địa. Theo ông Hoàng Văn Phi, Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên, thì ngay sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch mới, huyện đã kiện toàn lại BCĐ và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Huyện giao kế hoạch cụ thể cho các xã.

Cụ thể, từ nay đến hết tháng 7 phải thống nhất được phương án DĐĐT và cắm mốc thực địa đường giao thông, hệ thống thủy lợi; hoàn thành các nội dung liên quan để tổ chức bốc thăm và giao đất cho các hộ trên bản đồ. Từ tháng 8 đến tháng 12, tập trung chỉ đạo các xã tiến hành cắm mốc thực địa và giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sau chuyển đổi, từng bước hoàn thiện giao thông, thủy lợi và phối hợp với các ngành liên quan để hoàn thiện hồ sơ cấp giấy. Huyện cũng yêu cầu đối với các xã đã thực hiện DĐĐT nhưng chưa theo đúng yêu cầu của Chỉ thị 08 thì phải thực hiện lại. Để giúp các xã, huyện cử cán bộ về hướng dẫn trực tiếp và tháo gỡ khó khăn, đồng thời tập huấn cho 11 cán bộ địa chính của 11 xã làm chậm về các thủ tục hồ sơ cũng như phương pháp thực hiện.

Làm đất gieo cấy vụ hè thu ở xã Nghi Hoa (Nghi Lộc).Ảnh: P.H
Làm đất gieo cấy vụ hè thu ở xã Nghi Hoa (Nghi Lộc). Ảnh: P.H

Đến thời điểm này, mới chỉ có 12/20 xã trên toàn huyện Nghi Lộc hoàn thành công tác giao đất thực địa cho nhân dân. Khó khăn, vướng mắc của Nghi Lộc là do có 10 xã thuộc KKT Đông Nam và có 4 xã thuộc vùng quy hoạch mở rộng TP. Vinh. Do nằm trong vùng phải thu hồi đất và GPMB đất nông nghiệp để triển khai các dự án, nên công tác DĐĐT gặp nhiều khó khăn do tâm lý chờ đền bù, không muốn chuyển đổi của người dân. Song, bên cạnh đó thì một nguyên nhân khác là công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện trong thời gian qua chưa thực sự quyết liệt. Nhiều xã mới xây dựng kế hoạch, thành lập BCĐ và tổ nghiệp vụ nhưng mang tính hình thức, chưa tạo được phong trào trong toàn dân, có địa phương còn ngại khó trong thực hiện.

Theo ông Trương Xuân Liễu, Trưởng phòng TN&MT huyện Nghi Lộc, huyện phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ hoàn thành cơ bản dồn điền, đổi thửa tại các xã. “Sau khi Đại hội Đảng bộ, các xã đã kiện toàn lại BCĐ và đôn đốc nhằm đẩy nhanh công tác DĐĐT. Huyện đã phân công cán bộ về trực tiếp các xã để hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật cho các cán bộ địa chính cũng như bán cán sự các xóm. Đối với các xóm đã hoàn thành phương án và được người dân đồng thuận thì sau khi thu hoạch lúa hè thu sẽ giao đất thực địa cho người dân”, ông Liễu cho biết.

Qua nắm bắt tình hình ở các địa phương DĐĐT chậm thấy rằng, đa phần đã có những chuyển biến nhất định trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như đưa ra các giải pháp cụ thể để hoàn thành DĐĐT trong năm 2015 theo kế hoạch của UBND tỉnh. Ông Võ Văn Ngọc, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Từ nay đến cuối năm, thời gian còn lại là không nhiều, trong khi khối lượng công việc cần phải làm là tương đối lớn; đây lại là một công tác quan trọng, khó khăn trong thực hiện, nếu làm vội vàng thì khó tránh khỏi những sai sót, dẫn đến đơn thư kiện cáo gây mất an ninh trật tự và ổn định ở địa phương. Vì vậy, việc đảm bảo tiến độ kế hoạch đã đề ra là cần thiết, nhưng các địa phương cần phải làm kỹ càng, chắc chắn và giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh từ cơ sở. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền thì cần công khai, minh bạch, cán bộ, đảng viên phải đi đầu, gương mẫu và phát huy tinh thần dân chủ trong nhân dân. Ban chỉ đạo và các thành viên cần bám sát cơ sở để kiểm tra, đánh giá thường xuyên nhằm đôn đốc cơ sở và kịp thời giải quyết những vướng mắc cho cơ sở. Thực hiện những giải pháp đồng bộ, cụ thể trên thì công tác DĐĐT sẽ hoàn thành theo kế hoạch và mở ra cho người nông dân những cơ hội mới nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện đời sống.

Phạm Bằng - Phú Hương

TIN LIÊN QUAN