Đào tạo lao động làng nghề phải sát mục tiêu, yêu cầu

17/07/2015 09:24

(Baonghean) - Sau 7 năm thực hiện Đề án 5727 về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, phục vụ phát triển tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề trên địa bàn tỉnh, bên cạnh kết quả đạt được, còn nhiều khó khăn, bất cập. Tại Hội nghị tổng kết 7 năm thực hiện Đề án diễn ra vào ngày 16/7 tại Tp. Vinh đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại và bàn nhiều giải pháp thiết thực cho thời gian tới.

Đi trước đón đầu

Một điều rất đánh ghi nhận là Đề án 5727 về đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động phục vụ phát triển tiểu thủ công nghiệp - làng nghề của tỉnh ta được bắt đầu triển khai từ cuối năm 2008, trước 2 năm so với Đề án 1956 về đào tạo nghề lao động nông thôn của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy không những Nghệ An đã “đi tắt đón đầu” mà còn tranh thủ được mọi nguồn vốn của Đề án 1956 giúp cho công tác đào tạo nghề có hiệu quả.

Đánh giá về thực hiện Đề án 5727 của tỉnh nhà, tại hội nghị tổng kết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Viết Đường cũng cho rằng: Thông qua công tác đào tạo nghề đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực lao động, củng cố xây dựng làng nghề, làng có nghề, nâng quy mô làng nghề toàn tỉnh lên 133 làng nghề và 400 làng có nghề. Chất lượng hoạt động của làng nghề có nhiều tiến bộ, hiệu quả hoạt động ngày một tốt hơn và góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Làng nghề mây tre đan ở xã Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu). Ảnh: Trần Cảnh Yên
Làng nghề mây tre đan ở xã Quỳnh Diễn (Quỳnh Lưu). Ảnh: Trần Cảnh Yên

Đề án 5727 được chính thức phê duyệt vào năm 2008 cũng là trong thời điểm tỷ lệ đào tạo nghề trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp (TTCN) ở nông thôn của tỉnh ta chỉ mới chiếm từ 20 - 25%. Cơ cấu ngành nghề đào tạo TTCN, xây dựng làng nghề cho khu vực nông thôn cả về quy hoạch lẫn kết quả chưa đồng bộ, nhiều ngành nghề chưa được đào tạo, nhất là nghề mới và khôi phục nghề truyền thống. Với những thiếu hụt như vậy, ngay khi Đề án 5727 được triển khai bằng việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa về đào tạo nghề, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, quản lý và đào tạo nghề, khuyến khích huy động các nguồn lực cho đào tạo nghề ở nông thôn... đã đem lại nhiều kết quả.

Tổng kết sau 7 năm thực hiện, toàn tỉnh đã có 50.797/58.180 người được đào tạo có việc làm sau học nghề (đạt 87,3%) với thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, nhờ vào số lượng lao động có nghề tăng cao nên tỷ lệ làng nghề, làng có nghề của tỉnh cũng tăng vượt bậc. Từ chỗ đến năm 2008, tỉnh mới công nhận được 65 làng nghề, sau 7 năm đã xây dựng thêm 68 làng nghề và trên 300 làng có nghề, nhiều ngành nghề truyền thống được bảo tồn và phát huy.

Nói về hiệu quả của công tác đào tạo nghề và phát triển làng nghề, chị Sầm Thị Bình, Chủ nhiệm HTX Hoa Tiến (Quỳ Châu) cho biết: HTX hiện có 60 hội viên, hàng năm HTX nhận được nhiều đơn đặt hàng trong nước và quốc tế. Từ khi thành lập đến nay HTX cũng đã mở được các lớp đào tạo nghề cho gần 300 lao động, trong đó có khoảng 60% có việc làm thường xuyên, từng bước đưa nghề phát triển, đảm bảo tỷ lệ người lao động biết nghề để năm 2010 nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến được tỉnh công nhận làng nghề...”.

Thực tế cho thấy ở đâu có làng nghề, có nghề phụ thì đời sống của người dân nông thôn ở đó ổn định và từng bước phát triển. Tại xã Diễn Ngọc (Diễn Châu), từ năm 2008 đến nay, với việc mở 13 lớp học nghề, trong đó có nhiều lớp được mở tập trung với số lượng đông như lớp máy trưởng, lớp thuyền trưởng, lớp kỹ thuật chế biến nước mắm... thì nhận thức của người lao động về nghề được nâng lên rõ rệt. Sau đào tạo nghề đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi có việc làm ổn định, nhiều lao động đã trở thành các chủ cơ sở uy tín, có thu nhập cao. Bên cạnh đó, đã góp phần phát triển nhiều ngành nghề mới như đông lạnh xuất khẩu các mặt hàng hải sản, nghề thu mua đông lạnh, nghề đóng tàu thuyền.

Những thách thức

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng công tác đào tạo nghề phục vụ phát triển tiểu thủ công nghiệp và xây dựng làng nghề ở tỉnh ta vẫn còn những hạn chế, bất cập. Nói về vấn đề này, ông Thái Đại Phong, Công ty TNHH Đức Phong cho rằng: “Hiện tỉnh có rất nhiều làng nghề và làng có nghề nhưng khó đánh giá về hiệu quả. Đơn cử làng nghề mây tre đan, có 39 làng nghề, nhưng lao động làm nghề hiện rất ít. Có những thời điểm chúng tôi có rất nhiều đơn hàng nhưng không tìm đâu ra đủ lao động làm. Nói Nghệ An cái gì cũng có nhưng để tôn các sản phẩm lên làm hàng hóa thì thật khó. Chúng tôi đã đi tham gia nhiều hội chợ xúc tiến thương mại quốc tế, nhưng không dám giới thiệu một mặt hàng nào. Ngay như thổ cẩm, muốn gom cho đủ một công-te-nơ cũng phải mất từ 8 tháng đến 1 năm. Năng suất lao động của chúng ta quá thấp, làm một sản phẩm mất từ 10 - 15 ngày thì hiệu quả kinh tế không thể cao được”.

Ý kiến một số đại biểu cũng cho rằng: Nhiều ngành nghề chúng ta đào tạo chưa hợp lý, gây lãng phí. Ví dụ, đào tạo nghề nuôi vịt, nuôi bò cho bà con nông dân thì có thể không cần kéo dài đến 3 tháng. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng chỉ mới dành cho những lao động là phụ nữ, quá tuổi lao động, lao động nhàn rỗi. Còn dạy nghề cho thanh niên, cho những người trong độ tuổi lao động thì quá ít và có những ngành nghề 5 - 7 năm nữa sẽ thiếu hụt lao động vì không có lớp trẻ kế cận.

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) cũng lấy ví dụ: Bà con làm nghề chế biến thủy sản rất cần nhiều kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng một lớp học chỉ dạy vài buổi thì không đủ cung cấp kiến thức. Nhiều lớp học mở không đúng với nhu cầu của người dân địa phương, không sát với thực tế. Ông Nguyễn Xuân Phượng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề - Tiểu thủ công nghiệp thì thừa nhận rằng: Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp thiếu tính hấp dẫn, thu nhập sau khi tốt nghiệp không cao như một số ngành nghề kinh tế hay kỹ thuật khác nên không hấp dẫn. Lao động nông thôn sau khi học nghề khó tiếp cận vốn vay nên đầu tư phát triển nghề còn hạn chế.

Báo cáo 7 năm thực hiện Đề án 5727 cũng chỉ ra 5 tồn tại trong quá trình thực hiện, đó là có nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, nhiều nghề khó tìm được học sinh theo học hoặc không mở được lớp như nghề sản xuất vật liệu xây dựng, gốm, sứ, thủy tinh, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ. Chủ yếu chỉ đào tạo ngắn hạn, số lao động đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng nghề chỉ đạt 64% kế hoạch. Chất lượng đào tạo nghề và hiệu quả làm việc sau đào tạo nghề chưa cao. Chỉ có 11,3% làm việc tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, còn lại chiếm gần 60% là làm việc tại các làng nghề, làng có nghề (trước khi đào tạo đã có nghề)... Vẫn còn tình trạng một số lao động nông thôn sau học nghề không tạo được việc làm hoặc việc làm chưa thật bền vững, đặc biệt là các huyện miền núi như Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn. Một số sản phẩm của các làng nghề gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, đa số các đơn vị vẫn phải “tự bơi” mà chưa có sự hỗ trợ, liên kết giữa các địa phương, các doanh nghiệp.

Trước thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, trong giai đoạn tới, chúng ta không nên đào tạo dàn trải mà cần tập trung vào những ngành, nghề, những làng nghề thực sự có hiệu quả. Đồng thời phải rà soát lại hơn 500 làng nghề và làng có nghề hiện nay. Nếu làng nào không còn, không có khả năng phát triển thì không cần đầu tư nhiều. Những làng nào phát triển tốt thì ưu tiên, tạo điều kiện để mở rộng. Những làng nào có dấu hiệu “chững lại” thì phải có định hướng, đôn đốc phát triển. Những làng nghề nào muốn làm mới thì phải có sự hỗ trợ, hợp tác và cam kết của địa phương trong quá trình xây dựng.

Hội nghị cũng thống nhất chỉ đạo của UBND tỉnh: Thời gian tới, công tác lựa chọn ngành nghề đào tạo phải có trọng tâm, trọng điểm và gắn với nhu cầu của thị trường. Việc xây dựng đề án cho giai đoạn 2016 - 2020 phải căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thực hiện tốt việc lồng ghép các chương trình, mục tiêu quốc gia, sự nghiệp đào tạo dạy nghề ngân sách tỉnh, chính sách hỗ trợ dạy nghề cho các đối tượng đặc thù. Xã hội hóa đào tạo nghề, huy động các nguồn lực địa phương, nhà tài trợ, liên doanh liên kết, nguồn lực của doanh nghiệp, của người lao động và người học nghề nhằm tăng cường quy mô và chất lượng đào tạo cho lĩnh vực TTCN – làng nghề. Bên cạnh đó, phải quan tâm và có chính sách đối với công tác đào tạo nghề, tăng cường công tác tuyên truyền, phân luồng học sinh, khuyến khích học sinh học nghề... Các trường, các nghệ nhân, thợ giỏi trong quá trình truyền nghề phải đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng dạy nghề, coi trọng việc cung ứng cho thị trường nguồn lao động có tay nghề cao đáp ứng được yêu cầu của tỉnh và hội nhập quốc tế.

Mỹ Hà