Dấu ấn trong công tác tham mưu, điều hành tài chính - ngân sách
(Baonghean) - Ngay từ những ngày đầu giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 73/SL-CTN ngày 18/9/1945 trao quyền quyết định mức thu thuế Nhà nước cho các Khu và cho phép chính quyền các Khu sử dụng nguồn thu thuế để đảm bảo chi cho bộ máy, cùng đó đóng góp cho Trung ương để nuôi quân đánh giặc.
Sau đó, Hội đồng Chính phủ đã có các Nghị quyết, Nghị định quan trọng để triển khai Điều lệ phân cấp quản lý tài chính - ngân sách cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy định trách nhiệm, quyền hạn của chính quyền Nhà nước cấp tỉnh và cấp huyện về quản lý tài chính và quản lý ngân sách. Để quản lý thống nhất nền tài chính quốc gia, nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, ngày 20/3/1996 Quốc hội khoá IX, Kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Ngân sách nhà nước đầu tiên của Việt Nam và được bổ sung, sửa đổi tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá X (năm 1998). Ngày 16/12/2002, Luật Ngân sách nhà nước đã được Quốc hội khoá XI, Kỳ họp thứ 2 thông qua, có hiệu lực thi hành từ năm 2004 cho đến nay.
Xử lý hồ sơ tại Sở Tài chính. Ảnh: châu lan |
Đồng hành cùng với sự phát triển của ngành Tài chính nói chung, ngành Tài chính tỉnh Nghệ An đã bám sát các chủ trương, định hướng và các quy định của Trung ương trong điều hành ngân sách địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ tại địa phương.
Ngày nay, với chính sách mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, ngành Tài chính nói chung và ngành Tài chính Nghệ An nói riêng đã tiến hành đổi mới, tham gia tích cực vào quá trình cải cách kinh tế, thiết lập nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tài chính đã góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, huy động và tập trung tối đa nguồn lực, kiểm soát bội chi NSNN, ổn định và lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc về xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh. Theo đó, ngành Tài chính Nghệ An đã đạt được một số kết quả như sau:
Thứ nhất, công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, thu ngân sách luôn hoàn thành vượt mức dự toán HĐND tỉnh giao, góp phần đảm bảo nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, thu ngân sách trên địa bàn (thu cân đối) trong những năm qua mới chỉ đáp ứng được gần 50% nhu cầu chi thường xuyên, trong khi đó thất thu thuế vẫn còn xảy ra trên một số lĩnh vực, đặc biệt là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh... Vì vậy, để khắc phục những tồn tại trong công tác thu ngân sách, tìm các giải pháp để tăng thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và có chính sách khuyến khích khai thác, thu hút nguồn thu, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 2219/QĐ-UBND ngày 18/6/2012 về việc phê duyệt Đề án “Tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2015” và Quyết định số 5181/2014/QĐ-UBND ngày 10/10/2014 về việc thực hiện Đề án “Tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý chi ngân sách được cải cách theo hướng đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch chi hợp lý, hiệu quả và đảm bảo cân bằng thu, chi ngân sách.
Thứ hai, cải thiện môi trường đầu tư: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An tại Quyết định số 3373/QĐ-UBND.ĐT ngày 21/7/2014 về việc phê duyệt Đề án "Tập trung thu hút đầu tư có hiệu quả vào tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh", ngành Tài chính đã thực hiện nghiêm túc các vấn đề cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư của tỉnh: Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ các nhà đầu tư, theo chỉ đạo của UBND tỉnh tập trung nguồn lực để lựa chọn đầu tư các hạ tầng thiết yếu tại Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp tập trung theo hướng đầu tư phục vụ thu hút đầu tư, không đầu tư dàn trải và gắn với hiệu quả đầu tư; đồng thời, trình UBND tỉnh phương án cân đối dành vốn hàng năm để giải phóng mặt bằng. Tiếp tục rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh giá đất phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế thị trường; khắc phục có hiệu quả những nguyên nhân gây trở ngại làm ảnh hưởng môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh bằng việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức.
Thứ ba, cải thiện cơ chế quản lý tài chính, đặc biệt là chính sách tài chính doanh nghiệp theo hướng tăng cường công khai, minh bạch tình hình tài chính các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động tiếp cận và tìm nguồn vốn đầu tư.
Thứ tư, đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ngành Tài chính có năng lực, trình độ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ. Bên cạnh đó, ngành Tài chính Nghệ An đã triển khai và ứng dụng hiệu quả Hệ thống Thông tin Quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS) phục vụ công tác quản lý và điều hành ngân sách nhà nước.
Phát huy những thành tựu quan trọng nêu trên, ngành Tài chính Nghệ An tiếp tục nỗ lực, không ngừng học hỏi, phấn đấu để thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên tinh thần đó, ngành Tài chính Nghệ An nói chung và Sở Tài chính cần chú trọng triển khai thực hiện tốt 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp về tài chính và ngân sách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu ngân sách.
Thứ hai, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về điều hành bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ thu, chi theo dự toán đã được HĐND, UBND tỉnh phê duyệt. Phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi; trong đó: tập trung làm tốt hơn công tác quản lý và điều hành thu, đẩy mạnh công tác chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế.
Thứ ba, tăng cường các biện pháp vận động tài trợ và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA; đẩy mạnh thu hút và nâng cao chất lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thứ tư, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; trọng tâm là các thủ tục hành chính về thuế, hải quan; đẩy mạnh áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông nhằm cắt giảm thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
Nguyễn Xuân Hải
(Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An)