Xả súng hàng loạt tại Mỹ: Do lỗ hổng pháp lý?
(Baonghean) - Mặc dù những vụ xả súng hàng loạt chỉ chiếm một phần nhỏ trong bạo lực súng ống nói chung, nhưng chúng dường như đang diễn ra ngày càng phổ biến hơn tại Mỹ. Thực trạng đó phơi bày vấn đề mà đất nước này đang gặp phải: những lỗ hổng trong kiểm soát quyền sở hữu súng đạn.
Tối 23/7 theo giờ Mỹ, một tay súng đã nã đạn tại một rạp chiếu phim ở thành phố Lafayette, bang Louisiana, Mỹ, giết chết 2 người và làm bị thương 7 người khác trước khi tự kết liễu đời mình. Kẻ tấn công được cho là một người đàn ông da trắng 58 tuổi, trang bị súng ngắn và theo các nhân chứng của vụ việc, y đã khai hỏa tầm 20 phút ngay tại buổi chiếu phim. Cảnh sát đã xác định được danh tính của y nhưng chưa đưa ra tiết lộ gì thêm, chỉ cho biết kẻ thủ ác từng có tiền án trước đây. Thống đốc bang Lousiana phát biểu trước báo giới: “Đây là một đêm tồi tệ đối với Lafayette, đối với Louisiana và với toàn nước Mỹ”.
Vụ việc nói trên xảy ra chỉ 3 ngày sau lễ tưởng niệm 3 năm vụ xả súng tại rạp chiếu phim ở Aurora, bang Colorado làm chết 12 người và bị thương 70 người; và không lâu sau 2 thảm kịch trước đó tại Charleston và Chattanooga lần lượt cướp đi mạng sống của 9 và 5 người vô tội, gây hiệu ứng sốc mạnh mẽ cho các cộng đồng dân cư và toàn thể nước Mỹ. Chỉ vài giờ trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phát biểu với kênh BBC rằng cải cách luật lệ liên quan đến súng là “thất bại lớn nhất” của ông trong nhiệm kỳ tổng thống. Ông nói: “Nếu nhìn vào số công dân Mỹ thiệt mạng do khủng bố tính từ sự kiện 11/9, con số đó ít hơn 100 người. Nhưng nếu nhìn vào số người bị giết bởi bạo lực súng đạn, con số này lại lên tới hàng chục nghìn. Đối với chúng ta, thật đau buồn khi không thể giải quyết dứt điểm vấn đề này”. Quả thực đây là câu hỏi hóc búa đối với ông Obama nói riêng và nước Mỹ nói chung, khi trong suốt nhiệm kỳ của mình, vị tổng thống này đã nhiều lần thúc đẩy kiểm soát súng đạn nghiêm ngặt hơn nhưng vẫn chưa thể đem lại bất cứ thay đổi đáng kể nào đối với các luật lệ.
Cảnh sát Thành phố Lafayette và bang Louisiana phong tỏa một tuyến đường sau khi xuất hiện thông tin xả súng ở rạp Grand. Ảnh: Advertiser |
Theo kênh CNN, trung bình mỗi ngày ở Mỹ có 88 công dân thiệt mạng do bạo lực súng đạn. Không phải vụ việc nào cũng xuất hiện trên mặt báo, nhưng rõ ràng mạng sống của mỗi người trong số họ đều quan trọng, và mất đi mỗi người như vậy là một tổn thất nặng nền đối với quốc gia phát triển này. Bởi vậy, mỗi công dân Mỹ, kể cả các nhà lãnh đạo chính trị, đang ngày đêm trăn trở tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Liệu có thể làm gì để ngăn những vụ xả súng tương tự trong tương lai? Làm thế nào để bạo lực súng đạn không còn xuất hiện nhan nhản trong tin tức thường nhật nữa?
Vụ xả súng tại Louisiana diễn ra khi mà người Mỹ vẫn chưa hiểu rõ căn nguyên vụ việc tại Chattanooga hôm 16/7, song các nguồn tin mới đây của giới truyền thông cho hay tay súng tấn công làm chết các binh sỹ thủy quân lục chiến đã lợi dụng lỗ hổng của việc kinh doanh súng trên mạng và mua ít nhất 1 trong số các vũ khí thông qua kênh này khi y biết rằng dễ dàng mua “hàng nóng” theo cách như vậy mà không cần trải qua sự kiểm tra nhân thân hay trả lời bất cứ câu hỏi nào. Trước đó 1 tháng, vụ việc đau lòng tại Charleston cũng là hệ quả của thủ tục kiểm tra nhân thân không hoàn chỉnh tại cơ sở bán súng được cấp phép liên bang, nơi kẻ sát nhân đã tới mua súng.
Để hiểu rõ những khúc mắc này, cần nắm được phần lịch sử đằng sau luật kiểm tra nhân thân. Dự luật kiểm tra nhân thân Brady năm 1993 yêu cầu các cửa hàng kinh doanh súng phải kiểm tra nhân thân của tất cả người mua thông qua Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Nhưng khi Quốc hội tranh luận về dự luật này, Hiệp hội súng trường quốc gia của Mỹ đã đề xuất và thành công thúc đẩy sự sửa đổi cho phép cơ sở kinh doanh súng được cấp phép bán súng sau 3 ngày làm việc, ngay cả khi FBI chưa xác nhận rằng người mua được phép sở hữu súng theo quy định của pháp luật.
Hầu hết các cuộc kiểm tra nhân thân đều được hoàn tất chỉ trong vài phút, nhưng trong đôi ba trường hợp công việc này có thể kéo dài hơn 3 ngày. Trong những trường hợp hiếm hoi đó, thường có điều gì đó chưa chắc chắn về lý lịch của người mua nên cần thẩm tra thêm. Điểm mấu chốt ở đây là FBI chỉ có 3 ngày để hoàn tất quá trình kiểm tra trước khi người bán có quyền thực hiện vụ giao dịch. Cũng theo CNN, chỉ riêng trong quãng thời gian từ năm 2010-2014, chính quy định giới hạn thời gian kiểm tra này vô hình trung đã cho phép hơn 15.000 súng được bán cho những kẻ có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.
Hãy thử làm các phép so sánh giả định đơn giản với các ngành nghề khác để thấy được vấn đề tồn tại của quy định trên. Trong lĩnh vực ngân hàng, khi công đoạn thẩm tra tín dụng chưa hoàn tất, nhân viên tín dụng sẽ không bất chấp để cho khách hàng vay tiền chỉ sau 3 ngày. Tương tự, bác sỹ sẽ không vội vàng kết luận tình trạng của bệnh nhân chỉ vì sau 3 ngày vẫn chưa có kết quả xét nghiệm. Việc Hiệp hội súng trường Mỹ vận động sửa đổi Dự luật Brady cách đây hơn 2 thập niên, không nghi ngờ gì đã khiến cho việc mua bán súng trở nên đơn giản và dễ dàng hơn, hệ quả là đặt mạng sống của người dân Mỹ trước nguy hiểm và rủi ro lớn hơn. Thực tế chứng minh Quốc hội nước này đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng, bởi đáng lẽ các kiểm tra nhân thân chỉ có thể rơi vào 1 trong 2 kết quả: thông qua hoặc không, tránh trường hợp có người được mua súng khi gắn mác kiểm tra “chưa hoàn tất”. Người dân Mỹ cần lên tiếng yêu cầu Quốc hội sớm sửa chữa lỗ hổng nguy hiểm này để không tội phạm nào có thể mua súng theo cách như vậy.
Dĩ nhiên, ngồi trông chờ vào Quốc hội không chỉ là điều duy nhất có thể làm, nước Mỹ cần kêu gọi các cửa hàng bán lẻ mặt hàng đặc biệt này chỉ tiến hành giao dịch sau khi hoàn toàn kết thúc giai đoạn kiểm tra nhân thân, thể hiện quyền và trách nhiệm của họ trong việc đảm bảo rằng những người đến mua súng không phải là tội phạm, những kẻ lạm dụng hay có bệnh lý thần kinh.
Sau những vụ việc đau buồn vừa qua, khi những bức màn đằng sau tấn thảm kịch được vén lên, người ta dễ dàng rơi vào bẫy giả thuyết: Giả dụ họ đã hành động khác đi thì sao? Thực tế là nước Mỹ không thể thay đổi những chuyện đã qua, nhưng hoàn toàn có thể bảo đảm một tương lai yên ổn hơn. Điều này tùy thuộc vào chính mỗi công dân Mỹ, từ các nhà lãnh đạo tới những người kinh doanh súng và dân thường trong việc nâng cao ý thức đối với vấn đề kiểm soát và sử dụng súng, khép lại lỗ hổng hiện nay và đưa Mỹ ra khỏi danh sách quốc gia phát triển đang phải đau đầu với vấn nạn bạo lực súng đạn.
Thu Giang
TIN LIÊN QUAN