Hướng thoát nghèo từ phát triển cây dược liệu
(Baonghean) - Là địa phương giàu tiềm năng lâm nghiệp, trong đó, nổi bật là các giống cây dược liệu hiếm, quý nên việc bảo tồn, phát triển, tiến tới sản xuất cây dược liệu đang được huyện Quế Phong chú trọng. Đây là mũi trọng tâm của định hướng phát triển kinh tế 5 năm, giai đoạn 2015 - 2020, hứa hẹn sẽ tạo nên bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc.
Cây dược liệu trên địa bàn Quế Phong khá đa dạng và từ lâu đã trở thành địa chỉ quen thuộc được các tiểu thương trong, ngoài nước tìm đến thu gom, nhập bán cho các cơ sở sản xuất dược phẩm. Một số loại như đẳng sâm, mú tửn, bon bo, quế, sa nhân, thiên niên kiện, chè hoa vàng… mỗi năm đến mùa ra hoa, kết trái đều tạo ra “cơn sốt” trên thị trường tiêu thụ. Trong đó, có giá trị kinh tế cao nhất tính đến thời điểm hiện nay là cây chè hoa vàng với giá thu mua tận gốc là 3 - 4 triệu đồng/ kg hoa khô hoặc gần 500 ngàn đồng/ kg hoa tươi, có những mùa do thời tiết không thuận lợi, cây ra hoa ít, giá thu mua có thể cao hơn nhiều.
Mang theo hiếu kỳ về loài dược liệu ấy, chúng tôi tìm về xã Đồng Văn, 1 trong 2 địa bàn trên toàn huyện có loài cây chè hoa vàng. Ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết: “Điều kiện thổ nhưỡng ở Đồng Văn thích hợp với cây chè hoa vàng. Đây là loại cây mọc tự nhiên dưới tán cánh rừng lùng, nứa, ưa bóng mát. Cây cao nhất cũng chỉ độ 3 - 5m, lá dày và xanh ngắt như lá cây chè miền xuôi, và đặc biệt, dù tên gọi là cây chè hoa vàng nhưng trên thực tế nó có 3 màu hoa: đỏ, vàng, trắng. Mỗi màu hoa có giá trị khác nhau. Hoa đỏ hiếm có nhất, rồi đến hoa trắng, còn thông dụng nhất là hoa vàng”. Ông Hồ Quốc Dũng chia sẻ thêm, người dân bản địa bao đời nay đã truyền tai nhau về dược tính quý giá của loài cây chè hoa vàng, mọi bộ phận của cây như lá, thân, hoa ... đều được sử dụng như bài thuốc đặc hiệu chuyên chữa các bệnh về gan, thận, tiểu đường, giúp ăn ngon, ngủ tốt, bồi bổ sức khỏe… Tiếng lành đồn xa, những năm gần đây, tiểu thương tìm đến thu mua loài cây chè hoa vàng ngày càng nhiều với giá cao. Dù mỗi năm chỉ một mùa trổ hoa, nhưng nhiều gia đình trong xã vẫn có được số vốn kha khá nhờ nghề phụ là vào rừng thu hái loài cây ấy.
Đồng chí Lữ Đình Thi, Bí thư Huyện ủy Quế Phong kiểm tra cây chè hoa vàng tại xã Đồng Văn. Ảnh: Lô Hùng Cường (Phòng Công Thương Quế Phong) |
Tương tự như cây chè hoa vàng ở xã Đồng Văn, với đồng bào các dân tộc ở xã Nậm Nhoóng, Châu Thôn, cây bon bo được xem là loài cây giàu triển vọng giúp thoát nghèo bền vững. Cây bon bo đa tác dụng, hạt được sử dụng làm thuốc chữa bệnh thấp khớp, đau lưng, đau tức ngực, đau dạ dày… đọt non được sử dụng chế biến các món ăn. Hạt cây là nguồn dược liệu quý có giá trị thương mại cao. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, đến mùa thu hoạch, hạt cây bon bo được thương lái vào tận thôn bản thu mua với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg hạt khô, mỗi gia đình có thu nhập trung bình từ 3 - 4 triệu đồng, có những hộ thu nhập hàng chục triệu đồng/ mùa. Đặc biệt, đầu năm 2015, UBND huyện Quế Phong đã phối hợp với Trung tâm tư vấn lâm nghiệp Nghệ An tổ chức khởi động Dự án “Xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững loài cây bon bo dựa vào cộng đồng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học”. Hiện tại, mô hình được triển khai trên diện tích 54 ha, trong đó có 14 ha trồng mới, 40 ha bảo vệ khoanh nuôi và trồng bổ sung cây bon bo dưới tán rừng tự nhiên. Ông Vi Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Châu Thôn khẳng định: “Trước đây, khi chưa có dự án bảo tồn, phát triển cây bon bo, bà con thu hái theo kiểu tận thu, chưa có ý thức bảo vệ nguồn dược liệu. Từ khi dự án triển khai, người dân được tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu rõ lợi ích bền vững trong việc khai thác gắn với bảo tồn và trồng mới. Theo tính toán, với những diện tích khoanh nuôi, bảo vệ tập trung, mỗi năm cho thu nhập từ 30 - 60 triệu đồng/ha/năm. Cây bon bo được đánh giá là loại cây hàng đầu về giá trị kinh tế trên địa bàn xã Châu Thôn, hơn hẳn các loại cây trồng, hoa màu khác”.
Không chỉ có cây chè hoa vàng, cây bon bo, mà theo thống kê, huyện Quế Phong có đến 843 loại cây dược liệu (trong tổng số 962 loại cây dược liệu có mặt ở Nghệ An) sinh trưởng trên nền thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù của huyện. Đó là tài sản quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho mảnh đất miền biên viễn này. Tuy nhiên, trong một thời gian dài chưa có sự định hướng, tuyên truyền, người dân tự do thu hoạch, hái lượm, thậm chí chặt phá khiến một số diện tích và chủng loại cây dược liệu bị thu hẹp. Thực trạng đáng báo động đó đã thúc đẩy sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của các cấp đảng ủy, chính quyền huyện Quế Phong. Đầu tháng 6/2015, đoàn công tác của Huyện ủy, UBND huyện đã kiểm tra địa bàn vùng sâu, vùng xa có các loài dược liệu quý hiếm, ghi nhận thực tế sinh trưởng, thống kê số liệu diện tích hiện có. Mục tiêu bảo tồn, phát triển cây dược liệu trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Và mới đây nhất, đề án bảo tồn, phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao đã được xây dựng. Theo đó, quy hoạch trồng các loại cây dược liệu được phân thành 3 vùng cụ thể dựa trên đặc điểm thổ nhưỡng: vùng trung tâm (Mường Nọc, Châu Kim, Quế Sơn, Tiền Phong) tập trung phát triển cây sa nhân; vùng Tây Nam (Quang Phong, Cắm Muộn, Châu Thôn, Nậm Nhoóng, Nậm Giải và Tri Lễ) chú trọng nhân rộng cây bon bo, nhân trần; vùng Tây Bắc (Thông Thụ, Đồng Văn và Hạnh Dịch) tập trung phát triển cây chè hoa vàng, đẳng sâm. Song song với quá trình đó, huyện sẽ phối hợp đồng bộ với các trung tâm kỹ thuật nông, lâm nghiệp để nghiên cứu, lai tạo giống cây con lấy từ cây mẹ tại chỗ để đảm bảo khả năng thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên, khí hậu địa phương; đồng thời du nhập thêm những giống dược liệu mới, có giá trị kinh tế cao.
Trong tương lai không xa, Quế Phong sẽ hình thành các mô hình sản xuất nông, lâm, kết hợp công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân để hình thành tư duy sản xuất mới, thu hút lao động nông nhàn, tăng thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, cơ cấu kinh tế ngành nghề nông thôn. Mặt khác, tiến tới sản xuất cây dược liệu nhằm gắn nhà khoa học - nhà nông - nhà nước và doanh nghiệp để tạo vòng tròn trồng và tiêu thụ khép kín. “Về mặt nhà nông, chúng tôi sẽ hỗ trợ kinh phí, lương thực, phân bón, giống, chuyển giao kỹ thuật… để nhân dân có thể tiếp cận với mô hình bảo tồn, phát triển cây dược liệu một cách dễ dàng nhất. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi sẽ mời gọi, thu hút các nhà đầu tư đồng hành cùng huyện. Đảng ủy, chính quyền huyện Quế Phong sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuê đất và miễn giảm thuế đất để trồng mới cây dược liệu. Cùng với đó đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án như Nghị quyết 30a, Nông thôn mới, 135, vốn sự nghiệp khoa học, chi trả dịch vụ môi trường rừng, xã hội hóa trong nhân dân… Tất cả nhằm hướng tới thực hiện thành công mục tiêu nhân rộng cây dược liệu thành một trong những cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế, mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo”, ông Lang Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong khẳng định.
Phương Chi