Sáng mãi phẩm chất người lính Cụ Hồ

25/07/2015 11:29

(Baonghean) - Biết bao người con của Tổ quốc đã ngã xuống hoặc mất đi một phần xương máu trong những chiến dịch kéo dài nhiều ngày đêm, những trận chiến đấu ác liệt vì độc lập, tự do của dân tộc. Có những người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, hóa thành một phần hồn thiêng sông núi, có những người may mắn hơn, dù mang trong mình vết tích còn sót lại của bom đạn, trở về địa phương an cư lập nghiệp và trở thành gương làm kinh tế giỏi. Thương binh Nguyễn Cảnh Ất (sinh năm 1953), hiện trú tại xóm 10, xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương là điển hình tiêu biểu.

Nhấp ngụm trà xanh đặc sản quê mình, ông Ất khẽ hắng giọng rồi trầm ngâm hồi tưởng, những ký ức tưởng chừng đã phai màu thời gian bỗng chốc trở nên sống động và chân thực lạ kỳ. Tháng 1/1972, chàng thanh niên 19 tuổi Nguyễn Cảnh Ất vốn thuộc diện tạm miễn, tạm hoãn nhập ngũ do là “độc đinh” trong gia đình. Không tham gia cầm súng chiến đấu nhưng người thanh niên trẻ tuổi luôn thôi thúc theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã xung phong tham gia dân công hỏa tuyến phục vụ ở chiến trường Quảng Trị.

Con trai ông Ất theo nghề mộc của cha.
Con trai ông Ất theo nghề mộc của cha.

Tháng 7/1972, ông Ất bị thương nặng do trúng bom trong khu vực chiến đấu tại Mặt trận B5, chiến trường Quảng Trị và được chuyển ra Bắc điều trị tại Quân y viện 108 (nay là Bệnh viện Trung ương quân đội 108). Hôn mê đằng đẵng suốt 5 tháng trời, gia đình bặt tin con, tưởng rằng ông đã hy sinh. Sau khi hồi tỉnh, ông Ất được chuyển về an dưỡng tại Đoàn 200 - đóng trên địa bàn 3 huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp. Lúc bấy giờ, ông mới có điều kiện biên thư về thông báo tình hình để gia đình an tâm. Cuối năm 1973, ông trở về mảnh đất chôn rau cắt rốn, những mảnh bom cũ vẫn còn găm trong cơ thể, giám định tỷ lệ thương tật vĩnh viễn của ông là 71%, xếp loại thương binh hạng 2/4.

Vượt lên hoàn cảnh khó khăn và cả những cơn đau khi trái gió trở trời, sau những trăn trở, nghĩ suy, năm 1974 ông Ất quyết định thử sức với nghề mộc và từng bước tự mày mò làm quen với công việc đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mẩn này. “Có công mài sắt, có ngày nên kim” - từ một anh nông dân còn nhiều bỡ ngỡ với cây cưa, chiếc dùi đục, bằng thái độ nghiêm túc và sự say mê với nghề, ông đã trở thành người thợ tài hoa với những sản phẩm tinh xảo. Công việc dần trở nên thuận lợi, cuộc sống của gia đình từ đó cũng khấm khá hơn, ông có điều kiện mua sắm thêm máy móc phục vụ công việc, thuê thêm nhân công để kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Hiện tại, xưởng gỗ của gia đình ông Ất tạo việc làm cho 10 thợ mộc, chủ yếu là người địa phương hoặc con cháu trong dòng họ. Chính tay ông Ất hướng dẫn, chỉ bảo và truyền đạt kinh nghiệm tích lũy hơn 40 năm của bản thân cho những người thợ mới chập chững làm quen, tay nghề còn non nớt. Dần dần, nhờ sự giúp đỡ và tạo điều kiện của gia đình ông, những thợ mộc này không những quen nghề, thạo nghề mà còn say mê với công việc kiến tạo nên những sản phẩm gỗ phục vụ xã hội.

Ông Ất chia sẻ, tiền lương trả cho 10 người thợ trong xưởng không có mức cố định mà hoàn toàn theo tay nghề của mỗi người nhằm khuyến khích họ luôn nỗ lực hơn nữa bằng chính sức lao động của mình, người nhuần nhuyễn với nghề có thể lĩnh mức lương 250.000 đồng/ngày, ngoài phụ cấp bữa trưa. Các công trình chủ yếu của xưởng gỗ là các chùa chiền và nhà cửa, với mạng lưới khách hàng không chỉ giới hạn trong tỉnh mà còn vươn ra nhiều tỉnh khác từ Bắc chí Nam. Tiếng lành đồn xa, nhờ những tận tụy và nghiêm khắc với nghề của đội ngũ chủ - thợ, những sản phẩm mang thương hiệu xưởng gỗ của ông không chỉ đẹp về hình thức mà còn đảm bảo về chất lượng, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Tìm đến ngôi nhà khang trang của ông Ất, bên cạnh ấn tượng ban đầu về những người thợ mộc tài hoa và chăm chỉ đang cần mẫn làm việc, dư âm dịu nhẹ đọng lại trong tâm trí mỗi người tới thăm gia đình là tiếng cười đầy ắp của con trẻ. Hiện vợ chồng ông Ất có 11 cháu nội, ngoại, các cháu đều chăm ngoan, học giỏi, biết kính trên nhường dưới, bởi vậy không khí gia đình luôn đầm ấm, hòa thuận.

Nhắc đến con cháu với giọng trìu mến nhưng không giấu nổi niềm tự hào, ông cho biết con cái hiện đều đã trưởng thành, có nghề nghiệp ổn định, 2 người con trai đều theo nghiệp cha, tu chí làm ăn, phấn đấu phát triển xưởng gỗ - tâm huyết cả đời của ông.

Thu Giang