Khai mạc Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

12/10/2015 16:52

Sáng 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc Phiên họp thứ 42, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 20/10 tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp.  (Ảnh: Kim Thanh)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Kim Thanh)

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Đây là phiên họp quan trọng, UBTVQH sẽ rà soát, xem xét lại tất cả các công việc trước khi khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Trong phiên họp lần này, UBTVQH sẽ xem xét và cho ý kiến về 9 dự án luật dự kiến sẽ trình ra kỳ họp thứ 10 tới đây.

Ngay sau khai mạc, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; về việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020.

Dự kiến hoàn thành 13 chỉ tiêu

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đào Quang Thu khẳng định, chúng ta đã ứng phó kịp thời, có hiệu quả với những biến động kinh tế, chính trị khó lường của thế giới năm 2015 và đạt được những kết quả đáng khích lệ về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi rõ nét; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ ngoại tệ tăng nhanh, đạt mức cao nhất từ trước tới nay; mặt bằng lãi suất tương đối ổn định. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng khá, sản xuát nông nghiệp đã khắc phục khó khăn về thiên tai và thị trường, phát triển tương đối ổn định. Tổng cầu và sức mua được tăng lên; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Đào Quang Thu cũng thẳng thắn chỉ ra nền kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Chưa có nhiều giải pháp cụ thể, có hiệu quả để khắc phục các mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế; sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ngành chăn nuôi, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, thủy sản đạt thấp hơn so với cùng kỳ; nhập siêu có xu hướng tăng trở lại. Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chuyển biến chậm...

Trên cơ sở tình hình 9 tháng đầu năm và triển vọng sắp tới, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho hay, ước trong 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế đề ra cho kế hoạch năm 2015 tại Nghị quyết Quốc hội, dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tỷ lệ che phủ rừng, chủ yếu do việc kiểm kê đánh giá lại điều kiện thực tế về quỹ đất còn lại có thể trồng rừng và diện tích rừng, một phần đất rừng bị chuyển sang các mục đích khác... “Còn nếu tính riêng về chỉ tiêu trồng rừng trong 9 tháng đầu năm đạt 172 nghìn ha, tăng tới 4,2% so với cùng kỳ năm trước, diện tích rừng bị thiệt hại cũng giảm 53,9%”- Thứ trưởng cho biết thêm.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, Thứ trưởng cho biết, dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu như sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7% so với năm 2015; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2015; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 31% GDP; chỉ số giá tiêu dùng (GPI) khoảng 5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,3-1,5%, riêng huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 53%....

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế nhất trí đánh giá kinh tế - xã hội nước ta đã có những chuyển biến tích cực.

Về các chỉ tiêu như Chính phủ đề xuất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, đối với cân đối xuất nhập khẩu, trong bối cảnh dự báo hiện nay đều hạ mức tăng trưởng kinh tế thế giới, dự báo xuất khẩu năm 2016 sẽ khó khăn, vì vậy cần đánh giá kỹ hơn về chỉ tiêu tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 10% và tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu 5%; chỉ tiêu giảm nghèo 1,3%-1,5% là khó khả thi do hộ nghèo còn lại là những hộ khó khăn nhất, không thể giảm nhanh. Cần đánh giá khách quan, chính xác, thực chất tỷ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo hiện nay và mối liên hệ giữa hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Về bội chi ngân sách nhà nước, Ủy ban này tán thành đề nghị tăng bội chi ngân sách là 5%. Tuy nhiên, “cần báo cáo rõ tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước bao gồm cả trái phiếu Chính phủ, bội chi chủ yếu cân đối đầu tư phát triển, xây dựng chi tiết lộ trình giảm bội chi và nợ công trong giai đoạn 2016-2020, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia” – ông Nguyễn Văn Giàu nói.

Bán bớt cổ phần vốn nhà nước

Cũng trong sáng nay, UBTVQH cũng nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016.

Theo báo cáo, Chính phủ trình bội chi NSNN trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định 226.000 tỷ đồng, bằng 5,0% GDP.

Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) cho rằng, thực tế, sẽ khó giữ mức bội chi NSNN nêu trên. Bởi theo Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phùng Quốc Hiển, kết quả giám sát cho thấy, mức giải ngân vốn ODA trong năm 2015 sẽ vượt mức dự toán đã được Quốc hội quyết định; một số khoản đã chi mà chưa có nguồn bù đắp như: Nợ cấp bù chênh lệch lãi suất đối với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam... Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát, báo cáo cụ thể các số liệu giải ngân vốn ODA và các khoản nợ của Nhà nước để phản ánh sát số bội chi NSNN và nợ công, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Với kiến nghị của Chính phủ cho phép phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi, Ủy ban TCNS cơ bản tán thành với các nội dung Chính phủ trình, nhưng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về thực trạng công tác huy động vốn và giải pháp tháo gỡ, kiến nghị Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế và phải bảo đảm quản lý và sử dụng nợ công chặt chẽ, an toàn, hiệu quả.

Về dự toán NSNN năm 2016, Chính phủ dự kiến tổng thu cân đối NSNN năm 2016 là 984.500 tỉ đồng, tăng 6,1% so với ước thực hiện năm 2015. Tuy vậy, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, mặc dù đây là mức tăng dự kiến thấp nhưng với tình hình thu từ dầu thô đạt thấp do giá giảm mạnh, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế, một số chính sách thuế đến thời điểm điều chỉnh giảm thuế suất để đảm bảo tính chủ động, an toàn trong điều hành NSNN mức tăng như vậy là hợp lý. Tuy nhiên, đề nghị rà soát lại các khoản thu NSNN, bảo đảm không bỏ sót nguồn thu và tăng cường các biện pháp chống thất thu NSNN. Đồng thời cần tính toán lại chiến lược thu trong trung và dài hạn, phấn đấu mức huy động từ thuế, phí và lệ phí không thấp hơn 20% GDP/năm trong những năm tới.

Về cân đối ngân sách, Ủy ban TCNS cho rằng, năm 2016 vẫn đứng trước sức ép tăng chi NSNN ngày càng lớn: tốc độ tăng thu NSNN ở mức 6,1% tốc độ tăng chi 8,6%, riêng chi đầu tư phát triển tăng 16,4%, chi thường xuyên 6,0% cho thấy việc cân đối NSNN đã rất căng thẳng, trong khi NSNN còn nợ nhiều khoản chi chưa có nguồn thanh toán: Nợ xây dựng cơ bản còn lớn; nợ các chính sách đã ban hành...

Uỷ ban TCNS cơ bản nhất trí với đề nghị, bán bớt cổ phần vốn nhà nước tại một số DNNN để thu về khoảng 30.000 tỉ đồng để bổ sung chi đầu tư phát triển, tập trung cho một số công trình hạ tầng quan trọng có sức lan toả. Tuy nhiên, đề nghị lưu ý cần đảm bảo đúng quy định của Hiến pháp năm 2013; trường hợp lựa chọn phương án bán bớt vốn nhà nước thu hồi về phải dành cho chi đầu tư phát triển, không dành cho chi thường xuyên; đây là giải pháp mang tính ngắn hạn, đề nghị cân nhắc sử dụng bảo đảm tập trung, tránh tình trạng bố trí vốn dàn trải, dở dang cho nhiều mục tiêu, dẫn đến các năm ngân sách tiếp theo sẽ không có nguồn lực để tiếp tục thực hiện. Theo đó, chỉ nên bố trí tập trung cho một số dự án hạ tầng trọng điểm trong kế hoạch chi đầu tư phát triển năm 2016.

Theo chương trình, chiều nay, UBTVQH sẽ cho ý kiến về các báo cáo trên và cho ý kiến về dự án Luật Đấu giá tài sản./.

Theo dangcongsan.vn

TIN LIÊN QUAN