Cõi thiêng trên đỉnh Pu Đên

30/07/2015 09:14

(Baonghean) - Dòng Pá Côn hiền hòa thơ mộng, uống lượn quanh bản Choọng (Châu Lý, Quỳ Hợp) như chẳng muốn rời, trên đỉnh Pu Đên là đền Choọng linh thiêng. Trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, dù có lúc ngôi đền chỉ còn trong ký ức của những vị cao niên, hay đến nay đã được phục dựng gần như nguyên mẫu, thì các giá trị văn hóa truyền thống có từ thời Nang Phốm Hóm (Nàng tóc thơm) vẫn mãi được trao truyền, gìn giữ…

Tháng Sáu, khi những cánh rừng ngút ngàn đã trở nên xanh tốt nhờ những cơn mưa đầu mùa, từng đàn chim bay về dãy Pu Đên, chúng tôi đến Châu Lý – vùng đất được biết đến như cái nôi sản sinh ra những anh hùng hào kiệt, nơi ghi dấu huyền tích lịch sử về truyền thống yêu nước và tinh thần đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc anh em. Người dân Châu Lý rất phấn khởi khi đền Choọng linh thiêng được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh. Trong câu chuyện kể, ông Lô Văn Phong, người dân bản Choọng hồi tưởng: Trước ngày cố nội ông theo cánh chim trời “trở về” với đại ngàn, có dặn rằng con và các thế hệ sau nữa cần phải giữ được những phép tắc đã lưu truyền từ bao đời khi mỗi khi đi qua đền Choọng. Đó là bất kể là ai, mỗi khi đi qua đây phải xuống ngựa, ai đội mũ phải ngả mũ, phụ nữ không được “sạch sẽ” thì không được lên đền… có như vậy mới thể hiện được lòng tôn kính trước linh hồn Nang Phóm Hốm - người con gái sinh ra từ mường Choọng đã có công lao to lớn trong kháng chiến chống giặc Minh và kết nối tình hữu nghị giữa dân tộc Thái và Kinh. Người dân mường Choọng đều tự ý thức làm sao xứng đáng với tiền nhân, để không bị mai một đi những giá trị truyền thống.

Thiếu nữ Thái bên dòng Pá Côn.
Thiếu nữ Thái bên dòng Pá Côn.


Đền Choọng mỗi năm có hai dịp lễ chính, đó là Lễ Đám Lục Ngoạt được tổ chức vào ngày Rằm tháng Sáu và Lễ Tất niên (ngày 25 tháng Chạp). Vào dịp lễ hội, những con đường uốn lượn bên núi đồi, khe suối dẫn lối du khách gần xa, từ các xã xa như Châu Hồng, Châu Tiến, Đồng Hợp, Yên Hợp đến các xã gần là Bắc Sơn, Châu Đình, Châu Thái… từ người Thái, người Kinh, Thổ nô nức kéo về ngọn núi thiêng Pu Đên dự hội. Bởi với đông đảo bà con dân bản vùng Phủ Quỳ xưa, Lễ Đám Lục Ngoạt chính là ngày vui nhất trong năm; ngày để tỏ lòng biết ơn “Nàng tóc thơm” với tấm lòng yêu nước nồng nàn, nhân hậu, bao dung đã đi vào huyền thoại.


Vậy nên dù có bận đến mấy, mọi người đều cố gắng thu xếp công việc để đi lễ, vui chơi. Những cô gái Thái rực rỡ trong bộ váy áo truyền thống, khoác khăn dài, tay cầm ô, quả đào bằng bạc bên hông leng keng nhún nhảy; các bà lão thì trang phục sẫm màu hơn, đầu đội thêm chiếc khăn, miệng bỏm bẻm nhai trầu, khoan thai bước, mắt lấp lánh, tủm tỉm cười, vui hội hôm nay nhớ ngày xưa cũ. Suốt đêm Rằm cho đến rạng sáng hôm sau, đền Choọng và đình Choọng đèn nến sáng trưng, khắp Mường Choọng đều náo nức vui hội, mọi người gặp nhau, thăm nhau tuần rượu cần, hát cho nhau nghe câu lăm, câu xuối. Trai bản, gái mường bên nhau hò hẹn tình tự trao duyên. Tại khoảng sân rộng phía trước đền Choọng, nghệ nhân bản mường biểu diễn các tích trò thu hút đông đảo Mường Choọng và các mường xung quanh tới xem, cổ vũ và học hỏi…


Lễ hội Đám Lục Ngoạt được tổ chức vào 2 ngày Rằm và 16 tháng Sáu hàng năm. Chiều 15, khi các bản mường đã tề tựu đông đủ, trang phục chỉnh tề, ban tổ chức sẽ bắt đầu tiền hành lễ rước bài vị từ đền chính vượt qua dòng Nậm Choọng xuống đình Mường Choọng. Dù trải qua bao thăng trầm lịch sử, đình Mường Choọng chỉ còn lại cây muỗn già phía cuối bản nhưng theo phong tục truyền thống dân bản vẫn duy trì lễ rước bài vị qua đây.


Tại lễ rước, phường trò với xiêm áo rực rỡ được giao cho bản Xếp dẫn đầu, vừa đi vừa hát chúc thần: “Chúc thần đã rõ / Chúc thọ đã rồi/ Nay chúc cho quan bộ họ ta cha làm nên quan, con cũng làm nên quan. Chúc cho Mường Choọng ta mãi mãi yên lành, ngô lúa tốt tươi, người người khỏe mạnh…”. Tiếp đến là 8 trai bản khiêng kiệu, trên kiệu có án thờ bài vị, 2 người cầm lọng che kiệu đi hai bên, đi sau là 4 thanh niên trai tráng mang gươm, giáo hộ vệ. Đoàn người cờ quạt và du khách thập phương bước theo sau. Xuống đình Choọng, một chủ tế và hai bồi tế (theo phong tục họ Vi đảm nhận) lo phần cầu cúng rót rượu vào 4 chén hình con voi bằng đồng (mỗi “chén” chứa khoảng 1 lít rượu) dâng lên ban thờ làm lễ cúng. Cầu khấn xong, tiếng trống đồng thanh nổi lên ngân vang khắp Mường Choọng báo hiệu Lễ hội Đám Lục Ngoạt bắt đầu.


Vào đêm Rằm tháng Sáu, khi ánh trăng soi xuống dòng Pá Côn, dân bản làm lễ xin mổ trâu. Lễ cúng kéo dài suốt đêm. Tảng sáng hôm sau, trâu cúng mới được mang ra xẻ thịt và đem đi luộc trong chiếc vạc đồng lớn từng là vật dụng nấu cơn nuôi nghĩa quân Lam Sơn và là cổ vật vô cùng linh thiêng của đền Choọng. Khoảng nửa buổi sáng, dân bản sẽ tổ chức rước kiệu về đền Choọng trong không khí trang nghiêm. Tại đây, chính tế, bồi tế sẽ tiến hành lễ cúng cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, bản mường yên bình, cây trái tốt tươi, sức khỏe dồi dào, học hành đỗ đạt…


Khi phần lễ trang trọng, linh thiêng đã hoàn thành sẽ đến phần hội. Những trai bản, gái mường về dự hội sẽ chính thức bước vào các hội đua tài như đẩy gậy, kéo co, ném còn, bắn nỏ… Các hoạt động ở phần hội rộn ràng bởi tiếng reo hò cổ vũ, tiếng nhạc ngân vang khắp núi rừng mường Choọng. Nếu cần một không gian yên tĩnh hơn, những cặp uyên ương có thể tay trong tay dắt nhau đến bên dòng Pá Côn để tình tự, hay dùng tay múc nước dưới dòng suối mát lành gội đầu cho nhau. Bởi họ quan niệm rằng, tình yêu của họ sẽ sống mãi với thời gian và tình yêu ấy được “Nàng tóc thơm” chứng kiến, ủng hộ.


Đặc biệt là năm nay, người dân mường Choọng còn được vui hơn bội phần khi ngôi đền thiêng thờ Nang Phốm Hóm được xếp Bằng công nhận Di tích Lịch sử cấp tỉnh. Qua giọng kể trầm ấm của ông Vi Văn Lục, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi bản Choọng, đồng thời là thầy mo chủ tế của bản, hình ảnh về Nang Phốm Hóm hiền thục, đoan trang và giàu lòng yêu nước với nước da trắng ngần, mái tóc dài uốn lượn như con suối Pá Côn và tỏa hương thơm thoang thoảng của núi rừng… khiến người nghe có cảm giá chính ông đã từng gặp nàng đâu đó thời xưa cũ. “Trước đền Choọng thờ Nàng tóc thơm còn có đền Pa Thai (bà Thái) – bà là người đã sinh thành, dưỡng dục nên nhân cách Nang Phốm Hóm. Vậy nên, trước khi tổ chức Lễ hội Đám Lục Ngoạt hay Lễ Tất niên đều phải thờ cúng Pa Thai với đầu đủ các lễ vật như bánh sừng trâu, hoa quả, xôi gà, cơm lam rượu… Mâm thờ bà Thái gọi là lung tá (mâm lễ cúng bên ngoại). Tương truyền ở bản Pẩn, vì thế vào mỗi dịp lễ hội chỉ có bản Pẩn mới được làm lung tá. Nếu chưa có lung tá thì “thìm lé” (xin âm dương) sẽ không thành. Vì thế mâm lung tá vừa mang tính tâm linh, lại vừa là nét truyền thống thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của bản mường ta”, ông Lục cho biết.


Dù thời gian có thể làm phai nhòa ký ức nào đó của con người, nhưng những giá trị đẹp sẽ trường tồn mãi mãi. Bởi chính những giá trị đẹp ấy đã tạo nên văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc. Và tại mường Choọng nơi miền Tây Bắc xứ Nghệ, với sự chung tay của các cấp chính quyền, với ý thức giữ gìn phong tục, tập quán truyền thống, Lễ hội Đám Lục Ngoạt thờ Nang Phốm Hóm sẽ là nơi mà các giá trị văn hóa, tâm linh mãi trường tồn.


Cảnh Nam