Bài 1: Hoàn thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường bảo hiểm
LTS: Sự tồn tại và phát triển của các hoạt động bảo hiểm (BH) không chỉ đáp ứng nhu cầu bảo đảm an toàn cho các cá nhân, doanh nghiệp (DN) mà còn đáp ứng nhu cầu vốn không ngừng tăng lên của quá trình tái sản xuất mở rộng, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường. Với việc thu phí theo nguyên tắc ứng trước, các tổ chức hoạt động BH chiếm giữ một quỹ tiền tệ rất lớn thể hiện cam kết của họ đối với khách hàng nhưng tạm thời nhàn rỗi. Do vậy, các tổ chức hoạt động BH đã trở thành những nhà đầu tư lớn, quan trọng cho các hoạt động khác của nền kinh tế quốc dân. Không chỉ đóng vai trò của một công cụ an toàn mà BH còn có vai trò của một trung gian tài chính, nắm giữ phần quan trọng trong các DN công nghiệp và thương mại lớn.
Bắt đầu từ số này, Báo Nghệ An sẽ thông tin đến bạn đọc những thông tin về thị trường BH, một trong những kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng cho nền kinh tế.
141 nghìn tỷ đồng được đầu tư trở lại nền kinh tế
Hiện nay, TTBH Việt Nam có 61 DNBH, trong đó gồm 29 DNBH phi nhân thọ và một chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam, 17 DNBH nhân thọ, 12 DN môi giới BH, 2 DN tái BH (có 752 chi nhánh, 852 văn phòng với trên 350 nghìn nhân viên đại lý). Trong giai đoạn 2011-2014, thị trường BH tăng trưởng bình quân đạt mức 12,7%/năm. Tổng doanh thu của thị trường năm 2014 là 67.169 tỷ đồng, chiếm 2,44% GDP.
Với các vai trò nói trên, BH phát huy tác dụng hết sức quan trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt trong nền kinh tế chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế thị trường. Với tác dụng chính là tập trung, tích tụ vốn bảo đảm cho quá trình tái sản xuất được thường xuyên và liên tục, tác dụng này càng quan trọng đối với nước ta hiện nay khi mà nó có thể góp phần tích cực vào việc tăng số vốn đầu tư chính từ nội bộ của nền kinh tế, huy động và tận dụng một cách triệt để nhất các quỹ tiền tệ nằm rải rác trong dân cư.
Chính vì những tác dụng tích cực nói trên của BH, mà bất kỳ ở quốc gia nào dù đã phát triển hay đang phát triển, Chính phủ luôn tìm nhiều cách khác nhau để thúc đẩy, khuyến khích hoạt động BH phát triển, tăng số lượng các loại BH bắt buộc, miễm giảm thuế thu nhập đối với người kinh doanh BH, thuế thu nhập cá nhân đánh trên các khoản tiền BH được nhận hưởng đối với người được BH, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà BH đầu tư…
Giao dịch tại Công ty Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam. Ảnh: P.V |
Số liệu từ Cục Quản lý, giám sát BH (Bộ Tài chính) cho biết, 6 tháng đầu năm 2015, thị trường BH tiếp tục đạt kết quả tích cực. Về quy mô, tổng doanh thu phí BH toàn thị trường ước đạt 29.831 tỷ đồng, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2014. Doanh thu phí BH PNT ước đạt 14.120 tỷ đồng (tăng 5%); doanh thu phí BH NT ước đạt 15.711 tỷ đồng (tăng 29,75%). Về công tác chi trả quyền lợi BH, tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền BH ước là 11.434 tỷ đồng. Trong đó các DNBH phi nhân thọ ước là 5.083 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước là 6.351 tỷ đồng. Đáng lưu ý là tổng mức đầu tư trở lại nền kinh tế của DNBH đạt 141.532 tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, các DNBH phi nhân thọ đạt khoảng 30.100 tỷ đồng (tăng 16%); các DNBH nhân thọ đạt khoảng 111.432 tỷ đồng (tăng 16,63 %).
Môi trường kinh doanh được hoàn thiện
Tại Hội nghị thường niên TTBH ngày 27/3/2015, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo tổng thể các giải pháp phát triển TTBH thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2011-2020. Một trong các giải pháp đó là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNBH. Theo đó, để hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, Cục Quản lý, giám sát BH đã tổ chức nghiên cứu, tổng kết, đánh giá và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung NĐ 45/2007/NĐ-CP, NĐ 46/2007/NĐ-CP, NĐ 123/2011/NĐ-CP để hoàn thiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh BH, phù hợp với tình hình phát triển của thị trường và thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tận dụng các cơ hội để phát triển. Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào việc nhượng tái BH, đại lý BH, hoa hồng BH, đăng ký, phê chuẩn sản phẩm BH, hoạt động đầu tư,… để trình bộ xem xét, quyết định.
Đồng thời, cục đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về BH trong Bộ Luật Dân sự và Bộ Luật Hình sự (như bỏ chương hợp đồng BH, bổ sung quy định xử lý hình sự đối với hành vi trục lợi BH). Tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi, đối thoại với DNBH về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN theo từng khối nhân thọ, phi nhân thọ, môi giới BH, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong từng khối DN, để các DN tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển.
Nhiều đại diện các tập đoàn đầu tư lớn nhất thế giới đã nhận xét rất tốt về những nỗ lực cải thiện môi trường cạnh tranh, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý mở đường cho DNBH hoạt động và phát triển của Chính phủ Việt Nam, tại hội nghị bàn tròn trong lĩnh vực BH - một trong những hoạt động chính của hội nghị xúc tiến thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Hoa Kỳ vừa qua.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ BIDV MetLife Dustin Ball cho biết, bên cạnh những kết quả tích cực từ các sáng kiến đổi mới, đặc biệt là các sáng kiến liên quan đến thị trường vốn, các DNBH cũng rất hoan nghênh việc Chính phủ Việt Nam sẽ phát hành trái phiếu dài hạn hơn, điều rất quan trọng đối với sự phát triển của TTBH. Các nhà đầu tư Việt Nam sẽ được hưởng lợi ích từ các yếu tố thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm tăng trưởng kinh tế cao, lãi suất thấp hơn và tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình tăng lên - Tổng Giám đốc Dustin Ball nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, Tổng Giám đốc Manulife Việt Nam Paul George Nguyễn cũng cho rằng, không chỉ ở hội nghị lần này DNBH mới nhìn thấy sự ủng hộ của Bộ Tài chính và Chính phủ đối với các nhà đầu tư. Trong 16 năm hoạt động, Manulife nhận thấy môi trường Việt Nam có nhiều điểm lợi thế, tạo thuận lợi cho thành công của chúng tôi. Chính phủ đã luôn chủ động, kịp thời trong việc sửa đổi bổ sung chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, hỗ trợ DN phát triển.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng luôn sẵn sàng đối thoại với FN để lắng nghe và hiểu rõ hoạt động của thị trường tìm hiểu những thách thức, vướng mắc để có giải pháp phù hợp về cơ chế, chính sách, về quản lý giám sát nhằm thúc đẩy thị trường phát triển. Có thể nói, trong suốt hơn 16 năm hoạt động tại Việt Nam, bên cạnh sự ủng hộ của khách hàng, những nỗ lực của công ty trong việc đầu tư hệ thống công nghệ, nâng cao dịch vụ, cải tiến sản phẩm,… Manulife Việt Nam sẽ không thể gặt hái được thành công nếu không có được một mội trường kinh doanh và một khung pháp lý hợp lý được kiến tạo bởi Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam - Tổng Giám đốc Paul George Nguyễn nói.
Sông Hồng