Mảnh đất có 3 mặt sông

23/07/2015 15:24

(Baonghean) - Mảnh đất ấy 3 mặt đều sông. Dòng sông Lam khi chảy qua Bara Đô Lương đã vẽ thành một chữ “s” và xã Lưu Sơn nằm trọn ở điểm đầu. Miền quê đẹp như tranh vẽ ấy trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ đã bị băm nát bởi 7.600 quả bom các loại với khối lượng ước tính gần 2.300 tấn. Giờ đây cuộc sống đã xanh trở lại cho dù vẫn còn đó những ngôi làng chung một ngày giỗ người thân.

Xóm Trần Phú nằm trên đồi thấp có tên Rú Nậy hay còn gọi là Hồ Tiêu Tam Đỉnh. Chẳng thế xưa kia xóm còn được biết đến với cái tên Lưu Tiêu. Chúng tôi tìm đến nhà cụ bà Trần Thị Thỉ ở xóm Trần Phú vào giữa trưa một ngày tháng 7. Năm nay đã 86 tuổi nhưng cụ Thỉ còn minh mẫn lắm. Hỏi chuyện gia đình, cụ bấm đốt ngón tay, miệng cười tỏa hương trầu: “Tui có 9 con, 17 cháu, 11 chắt. Anh coi trong nhà khi mô cũng rập rập...” Thoáng chốc sau đó cụ lại lặng đi, đưa tay quệt nước mắt: “9 con nhưng mất 3. Rành thương”. Cái ngày 20/6/1965 trở thành một nỗi đau, nỗi ám ảnh đeo bám dai dẳng suốt cuộc đời của người mẹ cùng một lúc mất 3 đứa con.

Bến phà Diên Tiên cũ (Lưu Sơn) một trong những địa điểm đánh phá của không quân Mỹ.
Bến phà Diên Tiên cũ (Lưu Sơn) một trong những địa điểm đánh phá của không quân Mỹ.

Hôm ấy cũng là ngày hè, tiết trời ảm đạm oi bức. Mọi người trong làng số thì ra đồng, số thì tham gia giúp các đơn vị bộ đội chủ lực đóng quân trên địa bàn xã. Đến nửa buổi sáng bất ngờ một tốp máy bay xé không gian lao tới. Hàng loạt bom dội xuống ngôi làng Lưu Tiêu bé nhỏ. Những mái ngói, nếp nhà, bờ tre ngùn ngụt cháy. Khi mọi người kịp chạy đến thì gần như toàn bộ làng đã bị bom đạn cày tung, phá nát. Không ai còn nhận ra nhà của mình. Hàng chục người gục xuống vì những gì nhìn thấy. Cụ Trần Thị Thỉ nghẹn ngào không muốn nhắc lại giây phút xót xa ấy. Chỉ biết rằng trong chớp mắt gia đình cụ mất 4 người, đó là bố chồng và 3 người con của cụ gồm 2 gái, 1 trai. Ai chẳng biết chiến tranh là đau thương, là mất mát. Nhưng sự khốc liệt của nó nằm ngoài mọi sự mường tượng rùng rợn nhất của con người. 21 người gồm trẻ em và người già bị trận bom giết hại là một sự thật xót đau. Cả ngôi làng chìm trong không khí tang thương, chết chóc. Cụ Trần Thị Thỉ gạt nước mắt lẩm nhẩm: “Nhà bà Phương chết 3 ông cháu, nhà bà Hóa Lộc chết đứa con gái, ông Thi cũng mất mệ...”

Cụ bà Trần Thị Thỉ giới thiệu ngôi nhà của gia đình được dựng lại sau trận bom ngày 20/6/1965.
Cụ bà Trần Thị Thỉ giới thiệu ngôi nhà của gia đình được dựng lại sau trận bom ngày 20/6/1965.

Cũng trong cái ngày hè ảm đạm ấy ở làng Lưu Tiêu, cụ bà Lê Thị Bốn đau thắt ruột vì mất 2 đứa con, đó là con trai Bùi Hữu Tiến và con gái Bùi Thị Tứ. Ngay sau sự kiện đau thương ấy, những người con khác của cụ Bốn lần lượt đi bộ đội, vào mặt trận và tất cả hướng đến mục tiêu để góp phần đòi lại công lý, giữ gìn yên bình cho làng quê. Nhưng rồi 2 con trai của cụ Bốn đã mãi mãi nằm lại ở chiến trường. Đó là liệt sỹ Bùi Hữu Thỉ và Bùi Hữu Kỷ lần lượt hy sinh vào các năm 1970, 1971 ở chiến trường phía Nam. Cho dù năm 2014 cụ Lê Thị Bốn đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng có lẽ nỗi đau của những người mẹ mất con không gì có thể khỏa lấp được. Và ở xóm Trần Phú, ngày 20/5 âm lịch hằng năm trở thành ngày giỗ chung cho mấy chục linh hồn.

Tại sao khoảnh đất bé nhỏ ấy lại chịu nhiều đau thương mất mát đến vậy. Ông Trần Đình Lam - Chủ tịch UBND xã Lưu Sơn (Đô Lương) nói rằng, trong những năm tháng kháng chiến, Lưu Sơn nằm trong địa bàn chiến lược. Phía Bắc xã là công trình thủy lợi Bara Đô Lương cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất cho vùng Yên - Diễn - Quỳnh (Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu). Xã Lưu Sơn cũng là địa bàn có tuyến đường 7A chạy qua, là khu trung tuyến, bàn đạp để cung cấp, vận chuyển sức người, sức của cho mặt trận Nam Lào. Bên cạnh đó tại Lưu Sơn còn có 2 bến phà là Diên Tiên và Lưu Mỹ ở đầu xã và cuối xã luân phiên vận chuyển vũ khí, đạn dược, nhu yếu phẩm qua sông vào chiến trường. Ngoài ra trên mảnh đất khoảng 4km2 này còn có kho quân lương, cùng hệ thống tàu bè vận chuyển đường sông phục vụ tiền tuyến...

Kể từ ngày 5/8/1964 sau khi ngụy tạo “sự kiện Vịnh Bắc bộ”, đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá miền Bắc nước ta. Trải trên khu vực có trọng điểm Truông Bồn và tuyến giao thông huyết mạch 15A nối với Quốc lộ 7A, Lưu Sơn trở thành “túi bom” và cùng chia lửa với cả nước. Tại đây đã có rất nhiều đơn vị chủ lực về đóng quân, trực tiếp chiến đấu với không quân đế quốc. Đó là trận địa pháo cao xạ được bố trí giữa cánh đồng của xóm Điện Biên, còn gọi là trận địa Đồng Tư; là trận địa tên lửa đóng quân ém bên cạnh kho lương thực; đơn vị ra- đa đứng chân tại làng Phú Thọ; đơn vị pháo cao xạ bảo vệ công trình thủy lợi đập Bara...

Chính vì nhận thấy địa bàn hiểm yếu nên địch thường xuyên dội bom lên mảnh đất này. Trong lịch sử của xã Lưu Sơn còn ghi: “Vào hồi 12 giờ 30 phút ngày 19/3/1965, nhiều tốp máy bay Mỹ lao tới nem bom xuống kho lương thực chợ Sỏi, làm cháy trên 100 nóc nhà của nhân dân làng Quang Trung, Diên Hồng, kho tàng nhà nước bị đổ sập, lương thực bị thiêu cháy. Trong suốt 10 ngày liên tục bà con lần lượt vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực”. “Ngày 12/9/1966 địch ném bom vào trận địa pháo, đe dọa phá hủy kho đạn 100 ly. Mặc dù máy bay Mỹ còn gầm rú nhưng lực lượng dân quân có mặt kịp thời, sơ tán an toàn kho đạn”.

“13 giờ ngày 16/6/1968, máy bay địch đánh phá ác liệt vào trận địa pháo cao xạ Đồng Tư, hầm của Ban chỉ huy Đại đội 2 - Trung đoàn 222 và 2 khẩu pháo 100 ly cùng 1 máy quan trắc bị vùi lấp. Dưới làn bom của máy bay Mỹ, dân quân Lưu Sơn vẫn bình tĩnh cứu chữa, vận chuyển hàng chục thương binh đến nơi an toàn. Đồng thời tổ chức mai táng 19 liệt sỹ anh dũng hy sinh”. “Chỉ trong ngày 14/11/1968 địch đánh vào xã Lưu Sơn 9 trận với đủ loại bom như bom từ trường, bom bi, bom sát thương... giết chết 39 người dân vô tội, làm bị thương 65 dân lành khác. Cũng trong ngày này có 5 cô gái trẻ bị bom địch giết hại khi đang vừa cấy lúa vừa phục vụ chiến đấu...”.

Cụ Trần Đình Quý, nguyên Xã đội trưởng Lưu Sơn kể về những ngày bom đạn.
Cụ Trần Đình Quý, nguyên Xã đội trưởng Lưu Sơn kể về những ngày bom đạn.

Đến nay cụ ông Trần Đình Quý, ở xóm Điện Biên, nguyên là Xã đội trưởng của Lưu Sơn từ năm 1966 đến 1969 không nhớ nổi đã có bao nhiêu lần người dân xã tham gia hỗ trợ bộ đội đánh địch. “Dân không ai sơ tán. Mọi người đều ở lại vừa sản xuất, chăn nuôi vừa phục vụ kháng chiến” - cụ Quý cho biết. Rồi ông cụ còn nói rằng Quân đội Việt Nam là quân đội của nhân dân, đó là mối quan hệ gắn bó máu thịt. Lúc bấy giờ bộ đội được dân chở che, đùm bọc, gia đình nào cũng có bộ đội về ở trong nhà. Làng mạc, thôn xóm, ruộng đồng đều trở thành trận địa dã chiến, đạn bom, chết chóc rình rập không kể đêm ngày, nhưng quân và dân cùng đồng sức đồng lòng, không sợ hãi, không nản chí.

Cụ Trần Đình Quý còn nhớ cái bận bom oanh tạc đúng vào giữa trận địa Đồng Tư, cả trận địa gần như bị vùi lấp, có những chiến sỹ lửa bén khắp người, mặc cho máy bay quần thảo, bom nổ rung đất váng trời, hàng trăm dân quân và bà con địa phương ào ra đào bới bùn đất cứu bộ đội, di chuyển pháo. “Trong lần đó người dân cứu được 34 chiến sỹ. Vất vả lắm, nhưng mừng chảy nước mắt” - cụ Quý hồi tưởng lại.

Trong 8 năm chống chiến dịch leo thang của không quân Mỹ, đất Lưu Sơn đã oằn mình gánh chịu gần 2.300 tấn bom với 7.600 quả bom các loại. Bom đạn đã giết hại 85 người dân vô tội, làm bị thương gần 150 người khác. Đã có 362 ngôi nhà bị phá hủy, gần 170 con trâu bò bị chết. Cả xã Lưu Sơn không có ngôi làng nào nguyên vẹn, nhiều công trình văn hóa bị hư hại. Xã cũng có 192 liệt sỹ, 29 thương binh và 31 bệnh binh cống hiến sức mình vì nền độc lập tự do của đất nước. Năm 1995 xã Lưu Sơn được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân để ghi nhớ và tôn vinh những chiến công của con người và mảnh đất này trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Như một vùng đất điểm hẹn của lịch sử, đất Thanh Lưu xưa và Lưu Sơn nay đang viết tiếp những thành công trên chặng đường mới. Với số dân 6.500 người, tỷ lệ hộ nghèo của Lưu Sơn hiện nay chỉ còn 1,62%, giảm gần 3% so với năm 2014; hộ khá giàu chiếm 50%. Lưu Sơn là điển hình của tỉnh về sản xuất rau màu vụ đông với giá trị thu được từ 70 - 80 triệu đồng/ha. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay Lưu Sơn đã đạt được 16/19 tiêu chí và đang phấn đấu trở thành 1 trong 4 xã của huyện Đô Lương về đích trong năm nay.

Nhớ có lần mẹ tôi nói: “Con phải đi mô cho xa, quê ta đó có bao nhiêu điều thành chuyện. Đất nước mình ở mô nỏ rứa”. Mẹ tôi giờ đây không còn nữa, bà ra đi và mang theo cả gánh nặng cuộc sống, mang theo cả vết thương rạch ngang hông do đạn bom chiến tranh. Lúc nhớ mẹ tôi thường liên tưởng đến hình ảnh nữ y tá chân trần, vai mang túi cứu thương chênh vênh chạy giữa trận địa pháo, trên cánh đồng đã bị bom khoét thành những hố sâu. Trên khoảnh đất 3 mặt đều sông ấy màu xanh đã ngút ngàn.

Đào Tuấn