Tưởng nhớ nhà báo Nguyễn Thanh Phong - Cây bút sắc sảo, nặng ân tình
(Baonghean.vn) - Thanh Phong (còn có bút danh Nhị Thanh) là 1 trong số 7 nhà báo đầu tiên gánh vác nhiệm vụ xây dựng tờ báo Đảng tỉnh nhà từ những ngày tờ báo mới ra đời (tháng 10/1961). Thực ra Thanh Phong đã làm báo “Truyền Thanh”- cơ quan tuyên truyền của Ủy ban Hành chính Nghệ An từ năm 1957.
Là con em miền Nam tập kết ra Bắc từ năm 1954, Thanh Phong sống, học tập trong tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia nỗi đau chia cắt hai miền của nhân dân Nghệ An. Thanh Phong viết báo từ khi còn là học sinh miền Nam tham gia khai hoang, mở mang kinh tế vùng Phủ Quỳ. Anh được lựa chọn cử vào Trường Đại học Nhân dân khóa đầu tiên (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Lớp viết báo khóa 1 cùng với anh có khá nhiều nhà báo, nhà văn thành đạt, trong đó có nhà báo, nhà văn liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý, nhà báo Lê Ái Mỹ, nhà báo - nhà thơ Nguyễn Mỹ (phóng viên chiến trường Khu 5, hy sinh tại Quảng Nam - tác giả bài thơ nổi tiếng “Cuộc chia lý màu đỏ”).
Ra trường, anh về công tác tại Phòng Thông tin thuộc Ủy Hành chính Nghệ An cùng với nhà báo Duy Liêu, Ngô Xuân Lược, Phạm Huy Chuyên, sau đó không lâu là những cán bộ biên tập, phóng viên chủ chốt của Báo Nghệ An mà anh Nguyễn Kim Ban làm chủ nhiệm, anh Nguyễn Hường làm Tổng Biên tập.
Thanh Phong là cây bút chủ lực của Báo Nghệ An từ năm 1961 cho tới năm 1975, anh rời Báo Nghệ An ra nhận trọng trách phóng viên thường trú Báo Nhân dân tại quê hương Bác. Thời nhà báo Hồng Vinh làm Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Thanh Phong được bổ nhiệm Trưởng ban Xây dựng Đảng, hàm vụ trưởng, biên tập viên cao cấp của một tờ báo lớn có tầm ảnh hưởng chính trị, kinh tế - xã hội toàn quốc và khu vực Đông Nam Á.
Ở vai trò Trưởng ban Xây dựng Đảng Báo Nhân dân, Thanh Phong gần như thường xuyên theo đoàn công tác của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, cả trong nước và ngoài nước, viết nhiều bài phóng sự, ghi nhanh với hàm lượng thông tin chính trị, ngoại giao mà không phải nhà báo nào cũng thể hiện được.
Các Tổng Biên tập tầm cỡ như Hoàng Tùng, Hữu Thọ, Hà Đăng, Hồng Vinh, Đinh Thế Huynh đều ghi nhận công sức làm việc bền bỉ, dẻo dai, sắc sảo, nhạy bén của nhà báo Thanh Phong. Riêng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cả khi nghỉ hưu, đi địa phương nào, ngành nào theo lời mời cũng kéo cho được Thanh Phong tháp tùng.
Trong chuyến công tác về Nghệ An năm 1993 của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (nhà báo Thanh Phong hàng sau, thứ nhất bên phải). Ảnh: An Duyệt |
Năm 1969, từ Ty Giao thông Nghệ An về công tác tại Báo Nghệ An, tôi được làm lính của tổ phóng viên quân sự. Tôi theo sát nhà báo Thanh Phong tới Cụm phòng không Đoàn 222 bảo vệ Ba ra Đô Lương, tới Trung đoàn 280 chốt tại khu vực trọng điểm Phà Bến Thủy, Nhà máy điện Vinh, Cảng Bến Thủy.
Tôi học được ở anh Phong cách làm báo chiến tranh trong cách khai thác tài liệu, ghi chép sự kiện và bố cục chặt chẽ bài viết. Anh nhắc tôi khi lấy tài liệu chú ý khai thác chi tiết vì chi tiết sẽ là yếu tố làm nên hồn cốt của tác phẩm báo chí! Anh viết rất nhanh các ghi chép, phóng sự tại trận địa, nhà máy. Ngày ấy, chị Thanh Tiêu, người vợ hiền, đảm đang của anh thường xuyên đánh máy bài viết của anh. Chị Thanh Tiêu theo sát anh, chăm lo cho anh từng điếu thuốc, quả trứng gà tự nuôi ở khu sơ tán xã Thái Sơn. Một phần thành đạt của anh chính là sự tận tâm, chia sẻ, chăm sóc của chị Tiêu.
Làm sao có thể quên, anh và tôi được giao xuống Thị xã Vinh viết bài tường thuật chiến thắng ngày 8 tháng 9 năm 1971, quân dân Thị xã Vinh bắn rơi 8 máy bay phản lực của địch. Từ Quang Sơn, chúng tôi đạp xe theo đường 15A, vượt Truông Bồn, Phà Mượu để kịp về Vinh trước 6 giờ tối dự mít tinh mừng chiến thắng.
Nhà báo Thanh Phong tác nghiệp tại Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn. |
Đói quá, qua Nam Đàn chỉ kịp ăn mấy cái bánh chưng không nhân rồi hối hả đạp xe trong sự yên lặng, không gian khét lẹt hơi bom, làng xóm hai bên đường đổ nát, cháy đen. Ông Nguyễn Sỹ Hòa, Phó Chủ tịch tỉnh đã trao đổi tình tiết trận đánh thắng giòn dã với nhà báo Thanh Phong tại khu vực mít tinh, tôi còn nhớ địa điểm gần cơ quan Tỉnh ủy hiện nay, cạnh trận địa Trung đoàn Pháo phòng không 233. Sáng hôm sau, anh bảo phải lên trận địa Tiểu đoàn 5 chốt tại mỏm Yên Ngựa, núi Quyết để gặp gỡ các xạ thủ 37 ly đánh thắng trận 8 tháng 9, bảo vệ hàng chục chuyến phà vượt sông Lam.
Sau cơn mưa đêm, từ núi Quyết nhìn bao quát khu vực Vinh - Bến Thủy, chỉ thấy trắng những hố bom chồng lên hố bom, không bóng cây, không một mái nhà nguyên vẹn. Anh xuýt xoa, tiếc nuối vì không có máy ảnh ghi lại cảnh tượng đổ nát, bi tráng ấy.
Tôi cùng anh gắn bó từ năm 1969 đến cả sau này anh làm phóng viên thường trú. Tính anh nóng, thẳng thắn nhưng chân tình, nhất là đối với nữ nhà báo Thúy Liên, nhà báo Dương Xuân Hương. Tổ Công nghiệp chỉ 3 người mà anh như người anh cả trong gia đình, luôn chia sẻ, dạy bảo đến nơi đến chốn lớp đàn em. Ở anh, tôi học được đức tính say nghề đến quên danh lợi, ở Báo Nghệ An, tôi thấy anh đấu tranh thẳng thắn nhưng không bao giờ đố kỵ, kèn cựa, so bì quyền lợi, danh lợi. Chức “to nhất” của anh là Chi ủy viên, Tổ trưởng tổ phóng viên Công nghiệp thời kỳ sau chiến tranh. Năm 1978, anh lặn lội trên chiếc xe đạp Thống Nhất ra tận xã Quỳnh Tam điều tra lý lịch, chuẩn bị kết nạp Đảng cho tôi. Vợ tôi ở Lâm trường Yên - Quỳnh bắt một con gà tép định làm thịt mời anh, anh cười rũ rượi rồi bảo: “Gà còn nhi đồng, làm thịt chi cho tội, thôi ăn gì cũng được”.
Anh còn giúp Dương Xuân Hương xin cho con gái đầu đi xuất khẩu lao động ở Tiệp Khắc, tạo điều kiện cho Lê Bá Mười, phóng viên Báo Nghệ An chuyển sang Báo Nhân Dân rồi xin cả Phan Huy từ phân xã TTX Nghệ An sang Báo Nhân Dân. Tôi chưa thấy ai trách anh “phản thầy, phản bạn” bao giờ. Anh chỉ nóng tính, thẳng thắn quá mà hệ lụy tới bản thân, đương nhiên anh không quan tâm tới những nhận xét hẹp hòi, không trung thực.
Nhà báo Thanh Phong trao đổi với cán bộ Báo Nghệ An. |
Anh ra đi giữa ngày Thu lịch sử, được các đồng nghiệp ở Báo Nghệ An thông báo quá đột ngột, tôi nén lòng viết một vài ký ức tốt đẹp, không phai mờ về anh.
Xin anh yên nghỉ thanh thản như sinh thời anh đã sống, làm việc vì tờ báo Nghệ An, vì sự trưởng thành của đồng nghiệp, không mảy may danh lợi, chức vị. Khóc anh. Vĩnh biệt anh, người anh cả của Tổ Công nghiệp, Báo Nghệ An những năm tháng gian khổ, thiếu thốn mà đầy ắp ân tình.
Vinh, 5 giờ chiều 9/9/2015
Văn Hiền
TIN LIÊN QUAN