Tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển bền vững - Bài cuối: Các giải pháp quan trọng, bức thiết

10/09/2015 08:00

(Baonghean) - Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nghệ An đến 2020 đã nêu ra nhiều giải pháp thực hiện, bởi nông nghiệp bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, cộng hưởng cho nhau, trong đó có 2 giải pháp: Thu hút đầu tư và ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp đang hết sức cần thiết...

Thu hút nguồn lực đầu tư

Tập trung huy động và thực hiện đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn là một giải pháp vô cùng hiệu quả đối với ngành Nông nghiệp Nghệ An, nhất là trong bối cảnh đầu tư công khó khăn. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước cũng cần bỏ ra tạo nền móng, động lực, điều kiện thúc đẩy các nhà đầu tư cả doanh nghiệp và nông dân. Chỉ khi đồng vốn của cá nhân, doanh nghiệp bỏ ra thì chủ thể đó mới thực sự lo lắng, tận lực quản lý, trăn trở làm sao cho sinh sôi, phát triển. Còn vốn Nhà nước đầu tư, nếu là mô hình hay hỗ trợ thì thường hết vốn là hết mô hình.

Nâng cấp đập chứa ở Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu). Ảnh: văn trường
Nâng cấp đập chứa ở Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu). Ảnh: Văn Trường

Thời gian qua, từ thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tạo nên những bước đột phá mới cho ngành Nông nghiệp, làm nên hình ảnh mới, giá trị mới, cách nhìn mới về đất đai, về tiềm năng, về con người Nghệ An. Tập đoàn TH đầu tư vào vùng đất Phủ Quỳ là ví dụ điển hình. Tập đoàn này đã đưa công nghệ hiện đại của Israel vào để trồng trọt, chăn nuôi, chế biến sữa và tạo ra những sản phẩm mới, giá trị mới, biến vùng đất Phủ Quỳ (huyện Nghĩa Đàn) trở thành “thủ phủ” bò sữa lớn nhất châu Á nhờ Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao”. Triển khai từ tháng 10/2009 với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, 2 năm gần đây, quy mô đàn bò ngày càng lớn, được bố trí thành 2 cụm trang trại; tổng đàn bò theo báo cáo có hơn 40.000 con, trong đó có hơn 22.000 con đang cho sữa với năng suất sữa bình quân đạt 30 lít/con/ngày.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH với chiến lược, mục tiêu đầu tư của mình đã chứng minh rằng, chính trong lúc khó khăn nhất, thì đầu tư vào nông nghiệp lại thành công, và thực tế từ đó tiềm năng đất đai ở Phủ Quỳ đã được đánh thức, có nơi 1 ha tạo giá trị trên 1 tỷ đồng/năm khi được đầu tư công nghệ vào như cánh đồng hoa hướng dương và cao lương Mỹ. Tập đoàn TH cũng đã tạo nên nhiều việc làm mới cho người dân Nghĩa Đàn.

Mới đây ở Tân Kỳ, doanh nghiệp Kiều Phương đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng mua 300 con bò Úc về chăn nuôi, tận dụng diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ để làm trang trại. Tân Kỳ những năm gần đây rất chú trọng thu hút đầu tư vào nông nghiệp, ngoài liên kết và tạo sự bền vững về nguyên liệu mía cho Nhà máy đường Sông Con, huyện còn liên kết với Công ty CP ớt cay xuất khẩu Đức Việt; liên kết với Chi nhánh Vinamilk để phát triển chăn nuôi bò sữa. Ông Nguyễn Bá Thức, Trưởng phòng Nông nghiệp Tân Kỳ cho biết: “Huyện đang lập đề án phát triển nuôi bò sữa ở Tân Kỳ và làm việc với Vinamik chi nhánh Nghệ An để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Thời gian tới, nông nghiệp Tân Kỳ sẽ chuyển đổi những cây trồng năng suất thấp, quy mô hẹp sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả cao”.

Thời gian qua, Nghệ An đã làm rất tốt công tác thu hút đầu tư phục vụ phát triển nông nghiệp, đã thu hút được các nguồn vốn ODA vào đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, điển hình như: Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc với tổng mức đầu tư 5.300 tỷ đồng (nguồn vốn vay JICA), hiện nay đang tổ chức đấu thầu xây dựng hợp phần 1. Tỉnh cũng đang xúc tiến thu hút đầu tư các dự án cống ngăn mặn giữ ngọt sông Lam 3.000 tỷ đồng, cống ngăn mặn sông Hoàng Mai 700 tỷ đồng, hệ thống thủy lợi kênh Lam Trà 174 tỷ đồng, hệ thống thủy lợi Nậm Việc 150 tỷ đồng; đồng thời thu hút các nguồn vốn kết hợp xã hội hóa cho việc phát triển các cây trồng như cam, chè, cà phê, cây dược liệu, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu, nuôi trồng thủy sản tập trung... Mới đây, phía Nhật Bản cũng đã đầu tư vào TP.Vinh những mô hình trồng trọt để nâng cao kinh nghiệm sản xuất cho người dân thành phố.

Thực tiễn cho thấy Nghệ An “giàu có” nhất vẫn là tiềm năng đất đai, trong đó đất để sản xuất nông nghiệp có 1,2 triệu ha, dù đã được khai thác nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Hàng chục ngàn ha ngô, lúa chưa được chế biến, lạc, chè đang chế biến thô, gần 800.000 con trâu, bò hàng năm đang chủ yếu giết thịt thô, 3.000 ha cam vẫn chủ yếu đang bán quả….

Ứng phó biến đổi khí hậu

Nghệ An là địa phương địa hình đa dạng, nhiều huyện miền núi, sông ngòi, hồ đập lại thường xuyên gánh chịu thiên tai, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, tác động mạnh đến sản xuất, đời sống người dân. Từ năm 2003 đến nay, tỉnh và ngành Nông nghiệp đã kêu gọi các dự án với tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng cho xây dựng công trình thủy lợi phục vụ sản xuất và dân sinh. Trong đó, làm mới và tu sửa nâng cấp hơn 200 công trình. Nhiều công trình lớn như sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Vực Mấu (vốn vay WB); sửa chữa, nâng cấp cụm hồ đập Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn; nâng cấp hồ Xuân Dương, Đồng Sằng, Tân Thắng, Khe Canh..., xây dựng mới hồ Sông Sào, hồ Bản Mồng, cống Nam Đàn mới...

Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.500 công trình thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có 624 hồ chứa, 559 trạm bơm điện, 400 đập dâng và 2 hệ thống Thuỷ lợi Bắc và Nam Nghệ An; trên 4.700 km kênh mương đã được bê tông hoá. Tổng năng lực các công trình tưới cho lúa đạt 170.000 ha/năm. Nhiều công trình tưới cho cây công nghiệp, cây trồng cạn và tiêu úng cho các vùng màu đã được xây dựng như các Trạm bơm Phú Tân, 1/5, Đông Hiếu, Tây Hiếu..., hệ thống tiêu vùng màu Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu đảm bảo tưới cho gần 90.000 ha cây công nghiệp, tiêu úng cho 19.476 ha hoa màu. Có thể nói việc đầu tư hạ tầng thủy lợi thời gian qua đã có kết quả rất tích cực đến ổn định nông nghiệp địa phương, tuy nhiên cung chưa đáp ứng cầu. Chính vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp đã đặc biệt quan tâm tới công tác đầu tư hạ tầng thủy lợi trong đó có kênh mương, hồ đập, đê biển.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp phát triển bền vững, ngành sẽ tiếp tục vận động, thu hút đầu tư từ ngân sách, từ các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (ODA, vốn trái phiếu Chính phủ..) cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, phục vụ cho sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là các dự án trọng điểm. Thu hút các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình của Trung ương và của địa phương để xây dựng các công trình ách yếu, cấp bách và hệ thống kênh mương, đường giao thông nội vùng. Thu hút và vận dụng các nguồn vốn lồng ghép từ nguồn xã hội hóa và cơ chế hỗ trợ để xây dựng các công trình hạ tầng nông nghiệp phục vụ cho các khu nông nghiệp tập trung và nông nghiệp công nghệ cao; trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho các dự án: Phát triển giống cây trồng, vật nuôi, lâm nghiệp, thuỷ sản; các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, khu nông nghiệp công nghệ cao; hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản tập trung. Thu hút đầu tư và vốn để xây dựng công trình thuỷ lợi đa mục tiêu phục vụ tưới, tiêu, nuôi thuỷ sản, cung cấp nước cho dân sinh hoạt và sản xuất công nghiệp; công trình thuỷ lợi đầu mối, thuỷ lợi gắn với giao thông nội đồng tạo điều kiện đưa cơ giới hoá vào sản xuất; công trình nâng cấp đê sông; dự án tưới nước tiết kiệm, tưới cây vùng đồi.

Ngoài 2 giải pháp nói trên, cần nhiều giải pháp khác nữa như tái cơ cấu gắn với xây dựng NTM, đổi mới, cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành Nông nghiệp, đổi mới hình thức dịch vụ trong nông nghiệp… Ngành Nông nghiệp cũng khẳng định tái cơ cấu là một quá trình phức tạp, khó khăn và lâu dài cần được thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Châu Lan

TIN LIÊN QUAN