Doanh nhân thành hay bại, hãy nhìn vào thái độ của nhà nước
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không ngần ngại chia sẻ quan điểm nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2015 rằng, cộng đồng doanh nhân Việt Nam sẽ chắc thắng khi có một hậu phương vững chắc là Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các doanh nghiệp. Ảnh Internet. |
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán đúng 1 tuần trước ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2015 đã khuấy động không khí vốn khá trầm lắng và đầy cẩn trọng của giới doanh nhân - những người ít muốn lộ diện. Trên các trang cá nhân, trên báo chí dày đặc những kỳ vọng, tâm trạng phấn khích về sự thay đổi, về nấc thang mới, sự nghiệp mới và đương nhiên là cả những nỗi lo lắng, phân vân của các doanh nhân.
Thưa ông, chúc mừng cộng đồng doanh nhân Việt Nam được chưa khi TPP - cuộc hội nhập đỉnh cao nhất của thế giới đương đại mà Việt Nam là một trong 12 thành viên đã chính thức kết thúc đàm phán?
Chúng tôi đã nói với nhau, đây là niềm vui và cũng là nỗi lo của tất cả doanh nhân Việt Nam. Cơ hội nhiều mà thách thức cũng vô cùng lớn. Cạnh tranh sẽ khắc nghiệt hơn. TPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là trận tuyến của các doanh nghiệp, là chiến trường của các doanh nhân.
Muốn dân làm giàu, Nhà nước có trách nhiệm tạo ra thể chế tốt, khuyến khích cạnh tranh sáng tạo và công bằng. Nhiều người nói rằng, không nên coi thương trường là chiến trường…
Tôi vẫn muốn gọi những doanh nhân là những tướng cầm quân. Chiến trường của họ không tiếng súng nhưng gian nan không kém, nhất là khi đối thủ đầu tiên họ phải chiến thắng đó là chính mình.
Nhìn vào sân chơi của TPP hay với các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu hay với EU, trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, của doanh nghiệp Việt Nam xếp ở hạng thấp, thậm chí là thấp nhất. Chấp nhận cuộc chơi hội nhập với nhiều doanh nhân là chấp nhận lột xác, có thể rất đau đớn, nhưng không có sự lựa chọn nào khác.
Các doanh nhân sẽ phải làm nhiều việc một lúc. Phải nắm vững thông tin hội nhập, phải phân tích tác động của tiến trình hội nhập đối với doanh nghiệp và sản phẩm của mình; Phải chuẩn bị kế hoạch hành động chủ động và tích cực ở tất cả phương diện; Phải thiết thực và tiết kiệm; Phải vươn tới chuẩn mực quốc tế; Phải liên kết; Phải chuyên nghiệp và không “ăn xổi, ở thì”; Phải sáng tạo; Phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và chú trọng nền tảng văn hóa kinh doanh làm giàu bằng cách phụng sự xã hội…
Nếu tính số lượng, thì vào thời điểm này, với khoảng 500.000 doanh nghiệp, nghĩa là bình quân 200 người dân có 1 doanh nghiệp, trong khi ở các nền kinh tế phát triển cao, 15-20 người dân là có 1 doanh nghiệp. Trong số này, tới 96 - 97% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Số doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam có mặt trên các bảng xếp hạng tầm thế giới chưa kín một bàn tay…
Hình ảnh doanh nhân Việt Nam, dù thay đổi nhiều so với 11 năm trước, khi Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam, nhưng vẫn chưa thoát khỏi “thiếu tầm”.
Vậy, những vị tướng này đã chuẩn bị cho trận đánh mới thế nào, thưa ông?
Có thể nhiều doanh nhân không biết rõ TPP hay AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN) quy định chi tiết những điều khoản gì, thậm chí có người không gọi đúng tên các hiệp định này, nhưng họ biết làm thế nào để bán được hàng, để cạnh tranh được với các yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của thị trường.
Thử để ý các cửa hàng nhỏ trên phố, cũng thấy được sự vận động liên tục này. Chỉ cần một ngày đọng hàng, người chủ biết phải điều chỉnh ở đâu, có thể phải đóng cửa hàng này để chuyển sang kinh doanh cái khác. Thị trường dạy từng doanh nhân sức ép cạnh tranh, sức ép phải thay đổi.
Nhiều doanh nghiệp lớn đã có sự chuẩn bị mạnh lạc từ nhiều năm nay, không chỉ về giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà còn cách thức tạo ra sản phẩm đó theo yêu cầu của người tiêu dùng thế giới về tính nhân văn trong kinh doanh, thân thiện môi trường, trách nhiệm với cộng đồng…
UBND tỉnh Nghệ An trao bằng khen cho Công ty TNHH tôn thép Định Nhàn. |
Tất nhiên, không dễ để thay đổi nhanh khi nguồn lực và năng lực của nhiều doanh nghiệp còn quá nhỏ. Nhưng tâm thế thay đổi, muốn thay đổi để trụ vững và vượt lên trong bối cảnh hội nhập sâu rộng thì đã có. Vì doanh nhân chọn cho mình sứ mệnh chiến thắng đói nghèo, làm giàu cho mình và đất nước.
Ông nghĩ thế nào khi tâm thế của nhiều doanh nhân trong hội nhập vẫn nặng về “tự cứu mình”?
Có doanh nhân đã nói với tôi một câu đáng phải suy nghĩ rằng, họ mong thấy được công chức nhà nước không chỉ là làm hết trách nhiệm, mà làm vì tình yêu với đất nước, với sự phát triển của đất nước.
Với người dân, doanh nhân Nhà nước, Chính phủ chính là các công chức trực tiếp làm việc với họ. Nếu từng công chức chưa thay đổi, thì những cam kết, quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, hay các kế hoạch tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng dù hay ho thế nào cũng không có ý nghĩa.
Tôi muốn nhắc tới tình hình thực hiện Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ở Trung ương, mọi việc nóng hừng hực, Thủ tướng Chính phủ rốt ráo từng chỉ tiêu, nhưng về các địa phương thì nguội dần, bây giờ vẫn chưa thấy nóng lên. Vậy mới có tình trạng, báo cáo của bộ thì nói đã cải thiện phần lớn, trong khi doanh nghiệp đánh giá chỉ được phần ít.
Doanh nghiệp sẽ không thể lớn lên, không thể đổi mới, sáng tạo với cách thức tư duy cũ, hành vi theo thói quen của đa phần công chức nhà nước. Thậm chí, sự thành bại của doanh nghiệp trong cuộc hội nhập với thế giới được quyết định không chỉ bởi khung khổ pháp luật, định hướng hay chính sách vĩ mô từ tầm Chính phủ, mà còn được quyết định bởi những hành vi công vụ hàng ngày từ cấp xã, phường...
Muốn cho dân làm giàu, Nhà nước có trách nhiệm tạo ra một thể chế tốt, khuyến khích cạnh tranh sáng tạo và công bằng. Khi doanh nhân được tôn trọng, được hỗ trợ, hậu thuẫn, họ sẽ thúc đẩy sự làm ăn, sự giàu có.
Theo Đầu tư