16 năm đi tìm một câu trả lời

09/10/2015 15:42

(Baonghean) - Báo Nghệ An nhận được lá đơn của ông Trần Đình Thọ (phường Đội Cung, TP Vinh) kiến nghị về việc bố ông được xác nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa từ năm 1999 nhưng đến nay chưa được hưởng phụ cấp thâm niên ưu đãi hàng tháng, hỏi UBND phường thì được trả lời là “chưa có”…

Trong lá đơn, ông Thọ trình bày: bố ông là Trần Đình Nhân, nguyên là Trưởng ban nghiên cứu lịch sử công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, nghỉ hưu vào năm 1989 và đã mất vào tháng 8/1999. Ông Nhân có thời gian tham gia hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa, tham gia Việt Minh, hoạt động phong trào công nhân hỏa xa Vinh (thoát ly hoạt động cách mạng).

Ông Trần Đình Thọ (phải) trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An.
Ông Trần Đình Thọ (phải) trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An.

Năm 1999, ông Nhân làm hồ sơ và được Tỉnh ủy Nghệ An cấp giấy xác nhận số 363 là người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước ngày tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945 (cán bộ tiền khởi nghĩa - PV). Theo giấy xác nhận: Căn cứ điều 9, Nghị định 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ, đồng chí Trần Đình Nhân được hưởng phụ cấp thâm niên ưu đãi “tiền khởi nghĩa” theo quy định tại Điều 10 của Nghị định này. “Từ đó đến nay, gia đình tôi vẫn chưa được nhận phụ cấp thâm niên ưu đãi theo quy định của Chính phủ đối với người có công với cách mạng. Trong nhiều năm, tôi đi lên phường Đội Cung hỏi nhưng được trả lời là “chưa có”. Tôi viết đơn muốn hỏi, khi bố tôi mất thì có được hưởng phụ cấp thâm niên ưu đãi hay không và tại sao; nếu có thì tại sao đến nay vẫn chưa được hưởng?”, ông Thọ băn khoăn.

Tìm hiểu được biết, theo đúng quy trình, hồ sơ cán bộ tiền khởi nghĩa sau khi được Tỉnh ủy xác nhận sẽ được chuyển về Thành ủy Vinh, sau đó Thành ủy Vinh sẽ chuyển hồ sơ sang phòng Lao động TB&XH Thành phố để thực hiện việc lập hồ sơ chi trả chế độ. Lần theo đầu mối, chúng tôi tìm đến phường Đội Cung - nơi gia đình ông Trần Đình Nhân cư trú. Ông Trần Hoàng Song, Bí thư Đảng ủy phường Đội Cung cho biết: Hồ sơ của ông Trần Đình Nhân đã đầy đủ nhưng đến nay vẫn chưa nhận được quyết định trợ cấp thâm niên ưu đãi hàng tháng là do “Tỉnh ủy chưa có tiền”.

Nhận thấy câu trả lời của ông Song chưa thỏa đáng, tiếp tục tìm đến Phòng LĐ-TB&XH Thành phố Vinh. Bà Nguyễn Thị Thanh An, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH Thành phố Vinh cho biết, hồ sơ của ông Nhân hiện không được lưu giữ tại đây. Tiếp tục tìm đến phòng Chính sách cán bộ của Ban Tổ chức Thành ủy Vinh thì được ông Nguyễn Công Hiếu, cán bộ phòng chính sách cho biết trong danh sách cán bộ tiền khởi nghĩa do phòng lưu giữ có tên ông Trần Đình Nhân. Theo ông Hiếu thì trường hợp như ông Nhân vào thời điểm đó không được hưởng chế độ vì theo Nghị định 28 năm 1999 của Chính phủ chỉ giải quyết phụ cấp thâm niên ưu đãi cho cá nhân “cán bộ tiền khởi nghĩa”.

Tuy nhiên, ông Nhân đã chết trước khi có giấy xác nhận “cán bộ tiền khởi nghĩa” nên ông không được giải quyết chế độ. Mãi sau này, khi Chính phủ ban hành Nghị định 89 năm 2008 và mới đây là Nghị định 31 năm 2013 thì những đối tượng cán bộ tiền khởi nghĩa đã chết mới được giải quyết chế độ phụ cấp thâm niên ưu đãi và các chế độ khác theo quy định cho thân nhân. Tuy nhiên, để được giải quyết các chế độ chính sách, gia đình thân nhân ông Nhân phải làm hồ sơ lại theo quy định.

Tiếp tục đi tìm câu trả lời tại phòng Chính sách cán bộ của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và phòng Người có công của Sở LĐTB&XH, chúng tôi đều nhận được câu trả lời tương tự. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tại sao với quãng thời gian dài từ năm 1999 đến nay nhưng gia đình ông Thọ không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan chức năng về những điều ông băn khoăn. Cụ thể là vào năm 1999, theo quy định ông Nhân không được hưởng tiền phụ cấp hàng tháng nhưng các cơ quan chức năng không có thông báo cho gia đình ông Thọ biết. Đến những năm sau này, khi có chính sách mới, gia đình ông Thọ cũng không được hướng dẫn để tiến hành làm hồ sơ theo quy định (?).

Rõ ràng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách chăm lo các đối tượng có công với cách mạng, đã phần nào bù đắp được những mất mát, hy sinh, sự cống hiến của những đối tượng chính sách. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do năng lực hay trách nhiệm chưa cao của một bộ phận cán bộ làm công tác chính sách đã tạo ra những “hạt sạn”, làm giảm ý nghĩa của các chính sách.

Qua sự việc này, thiết nghĩ các cơ quan làm công tác chính sách cần phải rà soát lại quy trình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm, quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ để các gia đình chính sách chưa được hưởng các chế độ làm hồ sơ, thủ tục đầy đủ, kịp thời theo đúng quy định. Đó vừa là trách nhiệm, vừa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân sâu sắc những cống hiến, hy sinh của những người có công với cách mạng, với đất nước, quê hương./.

Phạm Bằng