Đàm phán TPP khó đạt thỏa thuận

01/08/2015 17:05

(Baonghean.vn) - Các đàm phán về hiệp ước thương mại tự do vành đai Thái Bình Dương khó có khả năng đi đến một thỏa thuận cuối cùng, các nguồn tin tham gia vào các cuộc đàm phán này cho biết hôm 31/7 (giờ địa phương), do còn tranh cãi giữa Nhật Bản và Bắc Mỹ về xe hơi, New Zealand đào sâu về thương mại liên quan đến các sản phẩm từ sữa và không có thỏa thuận nào về các giai đoạn độc quyền đối với các loại thuốc tân dược.

12 quốc gia thành viên tham gia đàm phán TPP tại  Lahaina, Maui, Hawaii hôm 28/7. Ảnh: Reuters.
12 quốc gia thành viên tham gia đàm phán TPP tại Lahaina, Maui, Hawaii hôm 28/7. Ảnh: Reuters.

Các bộ trưởng thương mại đến từ 12 nước đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm từ Nhật Bản đến Chile và chiếm 40% nền kinh tế thế giới, đã hoãn buổi họp báo dự kiến diễn ra vào 1h30 chiều (giờ địa phương) đến 4h chiều (tức 9h sáng nay theo giờ Hà Nội) trên đảo Maui thuộc quần đảo Hawaii.

3 nguồn tin tham gia vào các đàm phán này nói rằng khó đạt được đột phá vào phút chót do các vấn đề về thương mại sữa và xe hơi cùng tranh cãi về dược phẩm sinh học, được sản xuất từ tế bào sống. Một trong các quan chức này yêu cầu giấu tên cho biết: “Rất khó đạt được một thỏa thuận”.

Bộ trưởng Thương mại Australia Andrew Robb nói rằng vấn đề nằm ở “4 ông lớn” kinh tế là Mỹ, Canada, Nhật Bản và Mexico: “Điều đáng buồn là đã đàm phán xong tới 98%. Tôi không nghĩ là lại khó khăn đến vậy”.

Không ký kết được hiệp định này sẽ là một bước lùi đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, do hiệp ước thương mại này có vị thế là cánh tay kinh tế trong chính sách xoay trục sang châu Á của Chính quyền Obama và là một cơ hội để đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Các cuộc đàm phán, lôi kéo khoảng 650 nhà đàm phán, 150 ký giả và hàng trăm người có lợi ích liên quan tới đảo Maui, được đánh giá là cơ hội cuối cùng nhằm đạt được thỏa thuận để kịp thời thông qua Quốc hội Mỹ vào năm này, trước khi các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 bắt đầu.

Thỏa thuận tìm cách giải quyết các vấn đề song phương về tiếp cận thị trường xuất khẩu bằng các tiêu chuẩn chung đối với các vấn đề từ quyền của người lao động đến bảo vệ môi trường và giải quyết tranh chấp giữa chính phủ với nhà đầu tư. Các nhà đàm phán đến từ 12 nước thành viên tham gia đàm phán TPP đã làm việc thâu đêm suốt sáng và các quan chức nói rằng các bước tiến lớn đã đạt được trong nhiều lĩnh vực thường xảy ra tranh cãi.

Tuy nhiên, các vấn đề vướng mắc khiến chưa đạt được thỏa thuận vẫn không có thêm nhiều tiến triển sau 4 ngày thảo luận. New Zealand nói rằng nước này sẽ không tán thành một thỏa thuận mà không mở rộng cửa thị trường sữa, ý nhắc tới Mỹ, Nhật Bản, Canada và cả Mexico. Các bộ trưởng cũng chưa nhất trí về thời gian bảo vệ dữ liệu được sử dụng để phát triển dược phẩm sinh học. Các công ty sản xuất dược phẩm của Mỹ muốn thời hạn này là 12 năm, nhưng Australia chỉ muốn 5 năm, và theo những người nắm được nội dung các đàm phán thì mức thỏa hiệp có thể từ 7-8 năm.

Nhật Bản và Mỹ đã nỗ lực thống nhất các quy tắc xuất xứ đối với xe hơi, xác định thời gian sản phẩm được chỉ định là xuất xứ từ khu vực tự do thương mại và do đó không phải chịu thuế. Nhìn chung 2 nước đã đồng ý về các quy tắc, nhưng vẫn cần có sự chấp thuận từ phía Canada và Mexico, những quốc gia có liên hệ mật thiết với ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Mỹ. Các hãng xe hơi Nhật Bản nhập nhiều phụ tùng từ Thái Lan, nước không phải thành viên TPP, và các quy tắc nghiêm ngặt sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hiện nay. Nhật Bản cũng muốn Mỹ nhanh chóng gỡ bỏ thuế áp lên các phụ tùng xe hơi của nước này vào thị trường Mỹ.

Thu Giang

(Theo Reuters)

TIN LIÊN QUAN