"Rừng cộng đồng" bản Hốc

03/09/2015 18:25

(Baonghean) - Ở bản Hốc, xã Diên Lãm (Quỳ Châu), người dân muốn vào rừng khai thác gỗ làm nhà phải xin phép Ban Quản lý bản và được sự đồng ý của tập thể dân bản. Nếu cố tình vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí đuổi ra khỏi bản.

Nằm lọt thỏm giữa một thung lũng nhỏ bao quanh bởi núi cao trập trùng, thâm u, bản Hốc có 56 hộ, với 251 khẩu của bà con dân tộc Thái sinh sống. Cho đến nay, bản vẫn còn 22 hộ nghèo, bởi thực tế ở đây đất ruộng lúa nước ít, khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, giao thông không thuận lợi, nên mọi hoạt động kinh tế ở bản Hốc gặp rất nhiều khó khăn. Cuộc sống hàng ngày của người dân bởi vì thế phụ thuộc rất nhiều vào rừng. Tuy nhiên xác định “người đẻ, đất rừng không đẻ”, dân bản Hốc từ xưa đã đề ra một quy định khá nghiêm ngặt nhằm bảo vệ rừng.

Trưởng bản Lương Văn Thuận giới thiệu rừng cộng đồng của bản Hốc được người dân chung tay bảo vệ
Trưởng bản Lương Văn Thuận giới thiệu rừng cộng đồng của bản Hốc được người dân chung tay bảo vệ.

Theo đó: “Các gia đình khai thác gỗ chỉ khi có nhu cầu tối thiểu là làm nhà, nhưng với điều kiện phải được bà con trong bản đồng ý. Gỗ khai thác không được trao đổi, mua bán ra khỏi phạm vi của bản, mà chỉ đủ làm một nếp nhà tùy vào khả năng kinh tế gia đình đó”.

Dù không ghi lại bút tích trên một văn bản nhưng lệ này vẫn được các thế hệ con cháu giữ gìn, trân trọng. Anh Lữ Văn Hải, người vừa mới làm nhà nhờ được khai thác rừng cộng đồng cho biết: “Trước khi chuẩn bị làm nhà, gia đình phải viết đơn xin phép Ban quản lý bản, rồi đưa ra họp, được cả dân bản nhất trí cho mới được vào rừng chặt gỗ”. Còn anh Lương Văn Dũng, đã tập kết gỗ và nay chỉ chờ ngày đẹp để khởi công làm nhà, cho hay: Rừng cộng đồng không chỉ giúp cho dân bản ai cũng có gỗ làm nhà mà còn cung cấp măng, củi, nơi chăn thả gia súc, đặc biệt là luôn giữ cho khe Huồi Hốc đầy nước đủ tưới tiêu cho cánh đồng của bản...

Dẫn chúng tôi vào tham quan rừng, Trưởng bản Lương Văn Thuận cho biết: “Toàn bộ khu rừng cộng đồng của bản có tổng diện tích 296 ha, phạm vi giới hạn được tính ở khu vực xung quanh hai ngọn núi Pù Hốc, Pù Toóng và hai khe Huôi Tán, Huôi Mạ - vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Rừng cộng đồng được bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ cho phép những ai thực sự có nhu cầu làm nhà ở và chỉ được phép chặt những loại gỗ đã quy định, khi chặt không gây đổ, gãy hư hỏng các cây con… Tuy gần Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, nhưng không ai vi phạm khai thác lâm sản trái phép. Nếu ai cố tình vi phạm luật lệ của bản sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí đuổi khỏi bản”. Chính bởi quy định đó mà theo quan sát của chúng tôi, dù rừng cộng đồng bản Hốc gần khu dân cư nhưng vẫn có những gốc sến, táu, de to một người ôm không xuể, tuổi đời có đến vài chục năm tuổi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Minh Ngọc, Chủ tịch UBND xã Diên Lãm, cho biết: Diên Lãm có 12 bản, là địa phương còn diện tích rừng khá lớn, chiếm trên 86% diện tích tự nhiên và được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của xã, vì thế rừng rất được coi trọng và có kế hoạch cụ thể trong công tác bảo vệ. Trong đó, mô hình rừng cộng đồng ở bản Hốc là mô hình hay, phát huy hiệu quả, được huyện Quỳ Châu lấy làm mô hình dân vận khéo về công tác tuyên truyền đoàn kết gìn giữ, bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư./.

Q.A