Vòng luẩn quẩn "giàu con - nghèo của"

10/09/2015 09:55

(Baonghean) - Con đường đất nhỏ dẫn chúng tôi từ Quốc lộ 38 vào xóm 8, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, xóm được biết đến là sinh đông con. Hầu hết các gia đình trong xóm đều sinh từ 4 - 6 con, cá biệt có những gia đình có đến 9, 10 người con.

Xóm 8, Thọ Thành có diện tích hơn 1 cây số vuông, nhưng có đến hơn 300 hộ; trong đó 2/3 hộ vi phạm sinh con thứ 3 trở lên. Đất chật, người đông khiến cuộc sống của những gia đình đông con vốn dĩ đã khó khăn, lại càng trở nên cơ cực. Dẫn chúng tôi đến một gia đình đông con trong xóm, chị Phạm Thị Trúc, viên chức dân số xã Thọ Thành cho biết: “Xóm 8 có nhiều hộ thuộc diện nghèo, nguyên nhân do đông con, thiếu đất sản xuất và không được đi học… Gia đình sinh 2 đến 3 con trong xóm chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đa số sinh từ 4 đến 6 con, thậm chí là 10 con. Đông con nên nhiều hộ lâm vào đói nghèo, phải chạy ăn từng bữa”.

Căn nhà chật chội, tềnh toàng chưa đầy 20m2 của gia đình anh Hồ Văn Tuân (SN 1976) và chị Nguyễn Thị Thủy (SN 1977) được xây bằng gạch táp lô, mới được da trét sơ sài, chưa sơn vôi là nơi sinh hoạt của 8 con người. Trong nhà, dường như không có một thứ gì đáng giá, đồ vật đều cũ kỹ, hư hỏng. Gia đình có 8 miệng ăn mà chỉ có 1 sào ruộng nên chồng, rồi hai đứa lớn lần lượt bỏ học vào Nam kiếm việc làm để phụ thêm cho gia đình. Nhìn bữa cơm trưa của 5 mẹ con nhà chị Thủy, chúng tôi không khỏi xót xa... 4 đứa con của chị Thủy, mặt mũi lấm lem bụi đất, quần áo cáu bẩn ngồi vây quanh, xúc ăn ngon lành. Chị Thủy cho biết: "Cuộc sống bình thường đã vất vả, nay con đông càng khổ thêm. Mấy đứa nhỏ do ăn uống thiếu chất nên thường xuyên ốm đau. Chồng và 2 đứa lớn làm thuê trong Nam trừ chi phí, tiền gửi về nhà chẳng được là bao".

Cán bộ dân số xã Đoọc Mạy (Kỳ Sơn) phát tờ rơi tuyên truyền biện pháp tránh thai cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.  Ảnh: Thành Hưng
Cán bộ dân số xã Đoọc Mạy (Kỳ Sơn) phát tờ rơi tuyên truyền biện pháp tránh thai cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Ảnh: Thành Hưng

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2015, Yên Thành là 1 trong 2 địa phương có tỷ lệ sinh con thứ 3 cao nhất tỉnh: 507 trẻ là con thứ 3 trở lên/hơn 2 nghìn trẻ sinh ra.

Phường Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai) - địa phương có đến 50% người dân sống bằng nghề biển, mặc dù thời gian qua, ngành Dân số đã rất nỗ lực trong công tác vận động, tuyên truyền nhưng tỷ lệ sinh con thứ 3 của địa phương rất cao. Thậm chí, là không phải sinh 3 mà sinh 4 - 5 con khá phổ biến. Gia đình anh Hoàng Văn Phượng, chị Hoàng Thị Vịnh ở xóm Hồng Thái mới xấp xỉ 40 tuổi mà đã có tới 6 người con. Cháu đầu 18 tuổi, cháu sau mới 3 tuổi. Hai cháu lớn phải bỏ học từ sớm để phụ giúp bố mẹ. Nhìn chị Vịnh chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Thân hình chị gầy gò, khắc khổ, dáng đi liêu xiêu, nom chị già hơn rất nhiều so với tuổi thực. Tuy nhiên, khi nói chuyện với anh Phượng chồng chị khẳng định: "Đông con, nghèo khổ nhưng vẫn phải đẻ tiếp thôi. Tôi là tộc trưởng, làm nghề đi biển mà hiện tại vẫn chưa có con trai để nỗi dõi tông đường".

6 tháng đầu năm 2015, phường Quỳnh Phương có 235 trẻ được sinh ra thì có đến 70 trường hợp là con thứ 3 trở lên. Thực tế này gây nên tình trạng quá tải về giáo dục. Chỉ tính ở bậc học mầm non, năm học mới này phường Quỳnh Phương có khoảng hơn 400 trẻ vào mẫu giáo nhưng 2 trường mầm non của phường chỉ đủ tiếp nhận chưa được 1/2 số trẻ. Vì vậy, để có thêm phòng học, chính quyền địa phương và nhà trường đã phải sửa sang lại các nhà văn hóa khối để cô và trò học tạm. Đề cập đến thực trạng này, ông Phan Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương chia sẻ: "Năm học này, phường không bố trí được các lớp học phục vụ đủ nhu cầu của người dân, nên chính quyền phải trích kinh phí sửa sang thêm 2 nhà văn hóa khối để cô và trò học tạm. Với tốc độ gia tăng dân số và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao như hiện nay đã ảnh hưởng không tốt đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của phường".

Đông con, kinh tế gia đình khó khăn, trẻ em lam lũ, thất học; gây nên tình trạng quá tải các dịch vụ an sinh xã hội và nhất là phụ nữ sinh con ở độ tuổi ngoài 35 còn để lại những biến chứng về sức khỏe cho mẹ và con. Theo bác sỹ chuyên khoa II, Lê Thị Hoài Chung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh: "Phụ nữ, đặc biệt là những chị tuổi đã cao, sinh nhiều con ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe sinh sản và có khả năng gặp nhiều bất trắc hay biến chứng trong quá trình mang thai và sinh nở như: nguy cơ sẩy thai, sinh con bị dị tật bẩm sinh cao; bệnh cao huyết áp và tiểu đường tăng cao có thể gây ra những trở ngại bất ngờ nghiêm trọng về sức khỏe cho mẹ và em bé. Ngoài ra, khi sinh đông con, cơ hội người phụ nữ được tiếp cận với xã hội cũng hạn chế, ảnh hưởng nhiều đến hạnh phúc của chính gia đình họ".

Từ thực tế tại địa bàn các xã Thọ Thành (Yên Thành) và phường Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai) có thể thấy nếu người dân không thay đổi nhận thức: muốn sinh đông con, sinh con trai thì những hệ lụy về kinh tế, về sức khỏe và hệ lụy về công tác an sinh sẽ càng trở nên nặng nề hơn.

Ngọc Hà

(Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh)