Khám phá Mường Quàng: Bài cuối: Thương nhớ dấu xưa

03/09/2015 18:20

(Baonghean) - Mường Quàng - cái tên ấy từ lâu không còn được dùng chính thức nữa. Và, có rất nhiều những lễ hội ngày nay đã vắng bóng trong đời sống tinh thần của con người nơi đây.

Ngay cả những chốn linh thiêng như một ngôi miếu, ngôi đền thờ cũng nhanh chóng biến mất một khi những nghi lễ tín ngưỡng không còn được duy trì. Đây cõ lẽ cũng là điều đáng quan tâm, khi những giá trị văn hóa tinh thần một thời đứng trước nguy cơ mai một.

“Mơ được đi hội”

Lại nói về già bản Lang Văn Ngọ ở bản Mỏng 3 xã Cắm Muộn huyện Quế Phong, người rất hiếm hoi còn hình dung được khá đầy đủ bức tranh Mường Quàng xưa. Ông kể rằng: Ngày trước ở Mường Quàng có hội “Hồ xố Phá Pủ” rất đặc sắc vì chỉ có ở mường cổ này. Cũng như những hội cúng bản, đây đơn giản chỉ là một sinh hoạt tâm linh nhưng nó gắn liền với Mo Phan, người lập nên Mường Quàng. Lễ hội này là dịp để người dân trong mường ghi nhớ công ơn của Mo Phan.

Có sự tích nửa hư nửa thực rằng khi về già, đôi tai của Mo Phan trở nên nghễnh ngãng. Dân bản mỗi khi muốn báo việc với ngài phải đến hang Mẹ Mọn và nói thật to. Người ta gọi là tiếng “hồ xố”. Đến nay chẳng mấy ai còn hiểu nghĩa của tiếng “hồ xố” là gì mà chỉ nhớ rằng hội này được tổ chức ở bản Nặm Chọc, nơi có Phá Pủ. Cũng theo truyền thuyết dân gian, Mo Phan sau khi mất được người dân trong mường chôn cất tại một trong những ngọn núi cao nhất vùng. Người ta tin rằng, từ ngọn núi này, ngài sẽ nhìn bao quát và vẫn cai quản được toàn khu vực Mường Quàng.

Hội “Hồ xố Phá Pủ” được người dân trong mường tổ chức hàng năm để tưởng nhớ Mo Phan và công lao của ngài với bản mường. Vào ngày hội, dân bản mổ lợn cúng Mo Phan. Theo trí nhớ của ông Lang Văn Ngọ thì hội này thường được tổ chức vào tháng 7 âm lịch. Cũng như một số lễ hội khác ở miền Tây Nghệ An, sau 3 năm làm hội nhỏ chỉ cúng lợn cả mường lại có một hội lớn cúng trâu.

Người chủ lễ trong những ngày hội của mường gọi là ông “đăm” và một người hỗ trợ cúng bái gọi là ông “chà”. Ông “chà” là người thừa lệnh thực hiện bất kỳ công việc nào mà ông “đăm” giao phó. Về căn bản, lễ hội “Hồ xô Phá Pủ” chỉ khác các lễ hội khác về mục đích và bài cúng. Trong khi cúng, ông “đăm” sẽ nói lời “hồ xố”. Có nói vậy thì Mo Phan mới nghe thấy mà về dự hội. Thế nhưng nó có ý nghĩa đặc biệt trong tâm thức người Mường Quàng, có lẽ bởi nó liên quan chặt chẽ đến người sáng lập mường là Mo Phan.

Nơi thờ nàng Nguộc, người có công  truyền nghề dệt cho người dân Mường Quàng  giờ đã mục nát.
Nơi thờ nàng Nguộc, người có công truyền nghề dệt cho người dân Mường Quàng giờ đã mục nát.

Cũng như nhiều lễ hội đã nhắc đến trong những bài viết trước của chuyên đề, hội “Hồ xố Phá Pủ” hiện nay không còn xuất hiện trong đời sống tinh thần của người Mường Quàng nữa vì nhiều lý do, trong đó có chính sách bài trừ mê tín dị đoan trước đây. Một lý do khác khiến những lễ hội không còn được duy trì bởi nó quá tốn kém. Có những lễ hội phải giết trâu cúng tế làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế của cộng đồng. Và còn có một nguyên nhân khách quan nữa là xu thế mới của xã hội cũng ảnh hưởng nhiều đến các lễ hội truyền thống nói chung và ở Mường Quàng nói riêng. Ngày nay, giới trẻ đã có những cách tiếp xúc với nhau rất khác so với truyền thống. Sự phát triển của giao thông khiến không gian bản mường trở nên chật chội đối với giới trẻ. Họ đã biết đến và bị cuốn hút bởi những thú vui hện đại. Sự phát triển của công nghệ thông tin, internet khiến khoảng cách địa lý không còn là rào cản nữa. Nhiều bạn trẻ đã biết lên mạng tìm bạn đời và cũng đã có không ít các cặp đôi người dân tộc thiểu số nên duyên nhờ mạng xã hội. Có lẽ chính vì thế mà những lễ hội như “Căng Kím” (đồi sim) và hội Thằm Mẹ Mọn đã mai một từ hàng chục năm nay. Điều này để lại nỗi tiếc nuối đối với những người đã từng gắn bó với những ngày hội đậm chất lãng mạn và hoang sơ này. Ông Lô Văn Quỳ trú bản Tỉn Pu- nơi có lễ hội “Cắng Kím” tâm sự: Ngày trước mình cứ chờ tết đến là đi hội hang Mẹ Mọn, giữa năm có hội Cắng Kím. Bây giờ hội không còn nữa, thỉnh thoảng mình vẫn mơ thấy được đi hội đấy.”

Tiếc nhớ những lễ hộ xưa cũng là tâm lý chung của những người như ông Lang Văn Ngọ hay anh Lang Văn Tuấn, cán bộ văn hóa xã Quang Phong. Anh cho biết, từng nghĩ đến chuyện đề nghị khôi phục lại một số lễ hội nhưng điều kiện vẫn chưa cho phép.

Mờ phai dấu tích...

Không chỉ có những lễ hội mà cả các địa danh nổi tiếng vốn được coi như vùng đất thiêng liêng trong đời sống cộng đồng nay cũng mờ phai dấu vết. Trong chuyến ghé thăm bản Cắm gần đây, một già bản dẫn tôi lên Pỏm Lắc Quai và bảo rằng bây giờ chẳng còn ai nhận ra nơi được cho là ranh giới giữa trời và đất này nữa. Cái gò đất và ngôi đền năm nào giờ chỉ còn một khoảng trống và gần như không còn một chỉ dấu nào để người ta nhận ra nó.

Trong tâm thức của người Thái ở Mường Quàng, núi Phá Pủ ở bản Nặm Chọc xã Cắm Muộn là nơi an nghỉ của người lập Mường Quàng. Ông Vi Văn Hội cho biết, trên ngọn núi có cái hang đá người xưa chọn làm nơi tống táng chủ mường Mo Phan. Ngay cửa hang có bức tượng đá chẳng biết do thiên tạo hay chính người xưa đẽo gọt nên. Người ta tin rằng bức tượng là chân dung của Mo Phan. Cũng có người tin rằng tượng đá là hóa thân của Mo Phan. Sau khi ngài mất thi hài đã hóa đá.

Trẻ em bản Cắm thêu váy.
Trẻ em bản Cắm thêu váy.

“Ngày trước nhìn lên cửa hang là thấy ngài đang nghiêng đầu ngó xuống bản. Nhưng không biết ai đã phá mất rồi. Buồn lắm.” Theo ông Hội thì khoảng chục năm về trước bức tượng đá đã biến mất khỏi cửa hang. Dân bản cho rằng một người địa phương đã phá bức tượng đem bán cho những người chơi đá cảnh ở địa phương khác. Không chỉ có ông Hội tiếc bức tượng đá, ngày trước khi biết bức tượng đá bị phá, nhiều người trong bản tỏ ra rất bất bình. Ông Lang Văn Ngọ cho biết, bản thân cảm thấy buồn vì người dân đã không bảo vệ được những thắng cảnh như hang đá trên núi Phá Pủ và kể cả Thằm Mẹ Mọn ở bản Chiếng xã Quang Phong. Nhiều nhũ đá đẹp của hang động cũng bị những người kém ý thức phá hủy.

Dẫu vậy, khi đến với Mường Quàng hiện nay người ta vẫn còn cảm nhận được khá sâu sắc những nét đặc trưng của một không gian và nếp sống cổ xưa. Theo ghi nhận của chúng tôi ở bản Cắm (xã Cắm Muộn), những em nhỏ mới lên chín, lên mười vẫn chăm chỉ thêu thùa. Ngày chúng tôi ghé thăm bản người Thái này đang giữa mùa hè, các em nhỏ tranh thủ thêu cho mình những chiếc váy truyền thống. Những sơn nữ Mường Quàng vẫn ý thức rằng mình phải chuẩn bị váy đệp để sau này lập gia đình có cái mặc về nhà chồng. Nếu chuẩn bị được chiếc váy về nhà chồng sẽ là niềm tự hào đối với những cô dâu Thái. Những nét chấm phá này cho thấy những nếp sinh hoạt xưa vẫn chưa hẳn đã mất đi ở Mường Quàng.

Hữu Vi - Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN