Phát triển vận tải đường thủy nội địa: Cần khơi thông luồng lạch
(Baonghean) - Nghệ An có 13 con sông lớn nhỏ, tổng chiều dài trên 1.000 km. Các tuyến sông trên địa bàn tỉnh có khoảng 420 phương tiện chuyên khai thác, vận chuyển cát, sỏi và 91 bến, bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên sông. Với hệ thống sông ngòi nhiều, tổng chiều dài lớn nhưng vận tải đường thủy trên địa bàn tỉnh chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.
Huyện Hưng Nguyên có 4 tuyến đường thủy nội địa, tổng chiều dài 76,5 km, vận tải trên sông chủ yếu hàng vật liệu xây dựng cát, sỏi chở từ sông Lam về các bến của địa phương để tiêu thụ. Ông Lưu Đức Diễn, chuyên viên Phòng Công thương huyện Hưng Nguyên cho biết: Những năm gần đây vận tải đường sông trên địa bàn huyện khá hiệu quả, lưu thông tương đối đảm bảo, phát triển vận tải đường sông đã giảm tải tích cực cho đường bộ. Tuy nhiên, hàng năm vào dịp hạn hán cao điểm của mùa hè nước sông cạn, phương tiện không lưu thông được, còn vào mùa mưa lũ nước sông dâng cao cũng không vận chuyển được vì một số đoạn vướng cầu bắc qua sông.
Vận chuyển cát bằng đường sông về bến cát ở xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên). |
Bà Nguyễn Thị Lan, chủ bến cát Lan Tam ở xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) chia sẻ: Bến cát này hoạt động từ năm 2007, chúng tôi chuyên hợp đồng mua cát của HTX Lam Sơn Đại Thành (Nam Đàn) vận chuyển bằng đường sông qua sông Đào về Hưng Nguyên. Bình thường mỗi ngày có 6 thuyền vận chuyển cát từ Nam Đàn xuống nhập cho bến với khối lượng 400m3. Hơn 8 năm kinh doanh ở bến cát này chúng tôi thấy việc vận tải trên sông phụ thuộc vào con nước, không ổn định, khoảng tháng 5, tháng 6 (âm lịch) hàng năm nước sông thường bị cạn nên thuyền không đi được. Suốt 2 tháng hè vừa qua lòng sông cạn nước, phương tiện không vận chuyển được nên bến không có cát bán, chúng tôi phải nghỉ. Đến tháng 8 (âm lịch) lại thường gặp mưa lụt, nước sông dâng cao, các phương tiện vận tải cũng phải nghỉ để đảm bảo an toàn.
Tại huyện Nam Đàn có HTX Lam Sơn Đại Thành và 1 công ty TNHH đã có giấy phép khai thác cát, sỏi với 80 phương tiện chuyên hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi. Trong đó, HTX Lam Sơn Đại Thành có 64 phương tiện phục vụ khai thác, vận chuyển, 100% phương tiện nói trên đã được kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đăng ký hành chính, 64 người điều khiển có bằng thuyền trưởng hạng 3 theo quy định. Ông Nguyễn Trung Châu, Chủ nhiệm HTX Lam Sơn Đại Thành cho biết: "Lâu nay vận tải trên tuyến sông Lam tương đối ổn định, còn tuyến sông Đào mùa hè cạn nước thuyền không đi được, mong cơ quan quản lý đường sông và tỉnh sớm có kế hoạch nạo vét lòng sông, lưu thông dòng chảy tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải đường thủy nội địa lưu thông thông suốt để cung cấp nguồn nguyên liệu, vật liệu xây dựng ổn định cho các địa phương trong tỉnh".
Trên thực tế, các tuyến sông, kênh của Nghệ An chủ yếu đang khai thác ở dạng tự nhiên chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Trong khi đó thời tiết không thuận lợi, về mùa mưa lũ thì mực nước lớn, còn mùa hè mực nước thấp khó khăn cho công tác vận tải và quản lý đường thủy nội địa. Trong đó tuyến sông Lam là tuyến vận tải quan trọng nối các huyện miền núi, trung du xuống đồng bằng phục vụ vận tải thủy thuận lợi, tuy nhiên, trên tuyến đang còn nhiều bãi cạn khó khăn cho công tác quản lý, khai thác vận tải, nhất là đoạn tuyến qua địa bàn huyện Thanh Chương. Những tuyến sông, kênh nằm ở đồng bằng ven biển ảnh hưởng của thủy triều, luồng lạch luôn thay đổi theo mùa. Do đặc điểm sông ngòi của tỉnh, vận tải thủy nội địa trên địa bàn Nghệ An chưa phát triển. Các sông ngòi trên địa bàn tỉnh tuy nhiều về số lượng, tổng chiều dài lớn nhưng vận tải thủy trên địa bàn tỉnh chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.
Theo ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng quản lý vận tải Sở Giao thông Vận tải cho biết: Do đặc thù của các con sông trên địa bàn lòng sông hẹp, dốc, khúc khuỷu, mùa mưa lũ nước chảy xiết rất nguy hiểm. Mùa khô thường xảy ra hạn hán, phương tiện qua lại khó khăn. Vì vậy rất hạn chế phát triển vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn. Về vấn đề này, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Cục đường thủy nội địa Việt Nam bố trí tăng kinh phí để nạo vét luồng lạch đảm bảo cho các phương tiện vận tải thủy hoạt động thuận lợi hơn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của tỉnh và giảm tải cho các tuyến đường bộ.
Thời gian qua, các cấp, ngành đặc biệt quan tâm công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa, UBND tỉnh có Quyết định số 2216/QĐ-UBND ngày 18/6/2012 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa tỉnh Nghệ An đến năm 2020,... Cùng với đó tích cực kêu gọi đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện, cảng bến thủy nội địa, các cầu treo thay thế bến khách ngang sông. Sở Giao thông Vận tải đã tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông, vận tải, hàng năm đều cử các đoàn đi kiểm tra định kỳ và đột xuất, đồng thời rà soát lại dụng cụ cứu sinh tại các bến khách trên sông để trang bị đầy đủ. Trước mùa mưa bão đều có văn bản đề nghị lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Nhờ có sự quan tâm chấn chỉnh kịp thời những năm gần đây trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa.
Để khai thác hiệu quả vận tải đường thủy, thời gian tới, tỉnh có chủ trương sẽ đầu tư nạo vét khơi thông luồng lạch để vận tải, vận chuyển xi măng ở Nhà máy xi măng Anh Sơn, Đô Lương, hàng nông sản ở các huyện miền núi, nhằm giảm tải cho các tuyến đường bộ.
Quỳnh Lan