Những chiến thắng được kỳ vọng

14/09/2015 15:36

(Baonghean)- Tuần qua, thế giới ghi dấu những chiến thắng không hề nhỏ của các chính trị gia, từ cuộc tổng tuyển cử vào Quốc hội của đảo quốc sư tử đến những tranh luận trong Nghị viện tại đất nước cờ hoa.

Chiến thắng vang dội của đảng PAP tại Singapore

Đảng cầm quyền tại đảo quốc sư tử, tức đảng Hành động Nhân dân vừa giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015 vào quốc hội nước này. Theo các kết quả chính thức được công bố sáng sớm ngày 12/9, đảng Hành động Nhân dân (PAP) nhận được khoảng 70% số phiếu bầu, chiếm 83 trong tổng số 89 ghế tại Quốc hội, giành chiến thắng tại 15 trên tổng số 16 khu vực bầu cử đại diện nhóm (GRC) và 12 trên tổng số 13 khu vực bầu cử duy nhất một thành viên (SMC). Với những con số biết nói này, có thể khẳng định PAP - đảng nắm quyền tại Singapore kể từ khi quốc đảo này được thành lập 50 năm trước, đã có chiến thắng áp đảo và tiếp tục là chính đảng nắm quyền 5 năm tới trong sự kỳ vọng của dân chúng.

Thủ tướng Lý Hiển Long cùng với nhóm của mình đã giành được 79% tỷ lệ phiếu bầu tại Ang Mo Kio GRC.Ảnh: Intenet
Thủ tướng Lý Hiển Long cùng với nhóm của mình đã giành được 79% tỷ lệ phiếu bầu tại Ang Mo Kio GRC. Ảnh: Internet

Trước khi cuộc tổng tuyển cử chính thức diễn ra, giới phân tích hầu hết đã nhận định rằng gần như chắc chắn PAP sẽ giành chiến thắng. Kết quả kiểm phiếu mẫu được công bố vào đêm 11/9 cũng củng cố thêm dự đoán của nhiều người. Năm nay là năm đầu tiên Ủy ban bầu cử Singapore tiến hành kiểm phiếu mẫu, tức là lấy 100 phiếu ngẫu nhiên tại mỗi GRC và SMC, qua đó giúp các cử tri biết được kết quả sơ bộ sớm hơn, thay vì phải chờ đợi như trong các cuộc bầu cử trước đây. Đồng thời, hoạt động kiểm phiếu mẫu cũng ngăn chặn các suy đoán hoặc thông tin sai lệch từ các nguồn phi chính thức trong khi quá trình kiểm đếm chưa hoàn tất.

Dù thế, khi kết quả cuối cùng được công bố, ít nhiều nó vẫn mang ý nghĩa quan trọng đối với PAP, biểu trưng cho cú xoay chiều ngoạn mục của đảng này kể từ cuộc bỏ phiếu năm 2011. Thời điểm ấy, PAP chỉ chiếm được 60,1% tổng số phiếu bầu trên phạm vi cả nước, và đó là mức thấp kỷ lục tính đến nay sau nửa thập kỷ cầm quyền của đảng này. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng giành được 79% tổng số phiếu ủng hộ trong khu vực cử tri của ông - Ang Mo Kio GRC, tăng từ con số 69% trong cuộc tổng tuyển cử cách đây gần 5 năm.

Như vậy, bằng chiến thắng không mấy gây ngạc nhiên này, đảng cầm quyền PAP tại đảo quốc Singapore đã giành quyền quyết định về việc thành lập chính phủ mới. Trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với những khó khăn khi nền kinh tế có dấu hiệu chững lại, bên cạnh các vấn đề về nhập cư, giao thông công cộng, mức sống tăng... kết quả của cuộc bỏ phiếu một lần nữa củng cố và tăng cường vai trò và vị thế của đảng cầm quyền cũng như của Thủ tướng Lý Hiển Long, cũng như cho thấy sự ủng hộ của đại đa số người dân Singapore dành cho giới cầm quyền.

Sắp tới, chính phủ nước này sẽ tiếp tục “tiến lên trên con đường mới”, như lời của Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định, với trọng tâm đặt vào các nhu cầu xã hội, đặc biệt là đối với người cao tuổi và người tàn tật, và với sự tham gia nhiều hơn của người dân. Chắc chắn một điều rằng, người dân nước này sẽ trông chờ và kỳ vọng nhiều vào bộ máy lãnh đạo tại đất nước của họ, không chỉ trong nhiệm kỳ 5 năm trước mắt, để Singapore tiếp tục duy trì và đẩy nhanh đà tăng trưởng mạnh mẽ vốn có từ lâu.

Tổng thống Mỹ với chiến tích ngoại giao “lớn nhất”

Đúng như dự báo trước đó của giới chuyên gia và dư luận quốc tế, ngày 11/9, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm đa số áp đảo đã thông qua nghị quyết bác bỏ thỏa thuận hạt nhân mà nhóm P5+1 (gồm 6 cường quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) ký với Iran hồi trung tuần tháng 7. Một ngày trước đó, thỏa thuận hạt nhân Iran được đánh giá là đã “ghi bàn thắng” đầu tiên trong “cuộc đấu” tại Thượng viện Mỹ. Bất chấp những nỗ lực gắt gao của đảng Cộng hòa nhằm làm chệch hướng thỏa thuận được ca ngợi là “bước ngoặt” và “mang tính lịch sử”, phe phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran đã không hội đủ 60 phiếu cần thiết trong tổng số 100 phiếu để xúc tiến một nghị quyết phản đối thỏa thuận vào đêm 10/9.

Tổng thống Obama vừa ghi chiến tích hiếm hoi trên mặt trận đối ngoại trong suốt 7 năm cầm quyền.ảnh: Internet
Tổng thống Obama vừa ghi chiến tích hiếm hoi trên mặt trận đối ngoại trong suốt 7 năm cầm quyền. ảnh: Internet

Như vậy, các nhà lập pháp của đảng Dân chủ tại Thượng viện đã ngăn chặn thành công nghị quyết bác bỏ của đảng Cộng hòa, bởi thế dù nghị quyết bác bỏ thỏa thuận theo đó Iran hạn chế các chương trình hạt nhân của nước này, đổi lại Mỹ và các nước phương Tây sẽ gỡ bỏ các lệnh cấm vận áp đặt lên quốc gia Cộng hòa Hồi giáo, đã được Hạ viện Mỹ nhất trí thông qua với 162 phiếu thuận so với 269 phiếu chống, về cơ bản Tổng thống Barack Obama vẫn giành chiến thắng, thành công bảo vệ được thỏa thuận mà ông đã theo đuổi từ lâu.

Trong bối cảnh chính trường tại Washington đang có những mâu thuẫn gay gắt và chia rẽ đảng phái sâu sắc hơn bao giờ hết, thông tin này khẳng định chiến tích hiếm hoi của ông Obama trên mặt trận đối ngoại trong suốt 7 năm nắm giữ cương vị nguyên thủ tại đất nước này. Quả thực, sau những giờ khắc đàm phán căng thẳng, nhiều lúc tưởng chừng bế tắc, đạt được một thỏa thuận như hôm 14/7 vừa qua tại Vienna (Áo) không phải là điều dễ dàng. Với Tổng thống Obama, sau khi ký kết được thỏa thuận, bảo vệ và thúc đẩy thông qua thỏa thuận ngay trong Quốc hội Washington là ưu tiên hàng đầu và là thách thức không hề nhỏ trên cương vị người đứng đầu. Ông Obama đã tích cực vận động các nhà lập pháp ủng hộ thỏa thuận hạt nhân lịch sử, thậm chí, ông từng cam kết sẽ viện đến quyền phủ quyết của Tổng thống nếu cần để ngăn viễn cảnh thỏa thuận này sụp đổ.

Sau những diễn biến mới nhất trong những ngày qua, rõ ràng Tổng thống Mỹ đã không rơi vào “bước đường cùng” là phải lên tiếng sử dụng quyền phủ quyết hòng bảo vệ thỏa thuận về Iran trước nghị quyết bác bỏ của phe Cộng hòa. Đặt trên phông nền chính trường Washington đầy mâu thuẫn như vậy, chiến thắng của vị tổng thống sắp sửa mãn nhiệm càng được tô đậm. Và dù phe đối lập tiếp tục khẳng định lập trường kiên quyết bác bỏ hoặc trì hoãn việc thực thi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và P5+1, điển hình là vừa thông qua nghị quyết ngăn chặn Tổng thống Obama bãi bỏ hoặc cắt giảm các biện pháp trừng phạt kinh tế Iran cho tới tận ngày 21/1/2017, thời điểm ông Obama kết thúc nhiệm kỳ hai và rời nhiệm sở, nhiều người vẫn tin tưởng vào khả năng hiện thực hóa những cam kết đưa ra cách đây 2 tháng, cũng như khả năng làm nên những “chiến tích” trong thời gian còn lại không nhiều trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama.

Thu Giang