Nghệ An: 12 năm liên tục tai nạn giao thông giảm trên 3 tiêu chí
(Baonghean)- Trong 9 tháng đầu năm tuy xảy ra 189 vụ tai nạn khiến 277 người chết, bị thương nhưng Nghệ An vẫn là tỉnh duy nhất của cả nước tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí suốt 12 năm qua.
Đây là đánh giá của Ban ATGT Quốc gia về ATGT của tỉnh Nghệ An. Có được kết quả đó là nhờ những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ và sự quyết tâm của các cấp, các ngành cũng như ý thức, trách nhiệm cao của mỗi người dân.
Công tác đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó nổi bật là tình hình tai nạn giao thông (TNGT) giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Nếu như năm 2011, toàn tỉnh xảy ra 389 vụ tai nạn giao thông, làm chết 251 người, làm bị thương 356 người thì năm 2012, giảm 51 vụ, 21 người chết và 1 người bị thương. Năm 2013, TNGT giảm còn 333 vụ, 222 người chết và bị thương 286 người. Đến năm 2014 thì số vụ tai nạn còn 304 vụ TNGT làm chết 215 người, bị thương 240 người; và 8 tháng đầu năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 169 vụ TNGT, làm 117 người chết, 133 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 21 vụ (11%), 16 người chết (12,03%) và 13 người bị thương (8,9%).
CSGT Công an Nghệ An kiểm tra, xử lý chủ phương tiện vi phạm ATGT. |
Ông Võ Minh Đức, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Nếu như 12 năm về trước, mỗi năm có từ 450 - 480 người chết vì TNGT thì đến năm 2014, số người chết vì TNGT giảm còn 215 người. 9 tháng đầu năm 2015, TNGT tiếp tục giảm sâu cả 3 tiêu chí ở mức từ 10 - 12% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể có 189 vụ tai nạn, 131 người chết và 146 người bị thương. Đó là sự cố gắng, nỗ lực của tất cả các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức xã hội cũng như chính bản thân người dân. Trong đó, có một số địa phương giảm cả 3 tiêu chí như Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, TX. Thái Hòa và TP. Vinh... Kết quả giảm TNGT liên tiếp trong 12 năm qua ở Nghệ An cho thấy, các nhóm giải pháp nhằm thiết lập kỷ cương đảm bảo trật tự ATGT tỉnh đang phát huy hiệu quả tích cực.
Đầu tiên, phải kể đến sự quan tâm trong chỉ đạo, điều hành và triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp tích cực của Tỉnh ủy, UBND tỉnh như: đăng ký xe phải có giấy phép lái xe, đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm, tịch thu các phương tiện xe cơ giới tự chế, giải tỏa hành lang an toàn giao thông với các biện pháp mạnh… Bên cạnh đó, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã đưa vào sử dụng hàng loạt công trình giao thông, qua đó xóa bỏ nhiều “điểm đen”, giảm áp lực lưu thông trên Quốc lộ 1A đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại an toàn.
Tỉnh cũng xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bằng việc giao Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố làm Trưởng ban Chỉ đạo ATGT và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện các giải pháp có hiệu quả để kéo giảm TNGT ở địa phương. UBND tỉnh sẽ không xét thi đua khen thưởng cuối năm đối với tập thể địa phương và người đứng đầu địa phương có TNGT tăng. Theo ông Đức thì trong thời gian qua, UBND tỉnh đã 3 lần có văn bản phê bình các cá nhân là người đứng đầu và các tập thể vì để gia tăng TNGT trên địa bàn quản lý.
Ngay như công tác giải tỏa hành lang ATGT, sau khi tiến hành ra quân, UBND tỉnh đã ban hành công điện, thành lập các đoàn kiểm tra tại các địa phương để đôn đốc, theo dõi tình hình thực hiện. Một số địa phương có tình trạng thực hiện hình thức, đối phó, thiếu quyết liệt, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn phê bình và yêu cầu thực hiện nghiêm túc, kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với các cán bộ được phân công quản lý tuyến, khu vực.
Hay như công tác xử lý xe quá khổ, quá tải được chỉ đạo quyết liệt trong thời gian qua, thể hiện là hàng trăm xe đã bị xử lý, nhiều chủ phương tiện đã tự giác cắt gọt thùng. Đối với trường hợp các cán bộ tại Trạm cân lưu động có biểu hiện sai phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, Sở GTVT đã có quyết định luân chuyển công tác để đảm bảo công tác xử lý được khách quan, minh bạch. Bên cạnh đó, Sở GTVT đã thành lập đoàn kiểm tra thường xuyên tuần tra trên nhiều tuyến đường để phát hiện, xử lý đối với các xe chở quá khổ, quá tải nhằm lập lại trật tự và đảm bảo an toàn cho hạ tầng giao thông.
Đối với những điểm nóng, tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, kiểm tra, xử lý. Từ đầu năm 2015, Quốc lộ 1A đoạn đi qua tỉnh sau khi được sửa chữa, mở rộng, nâng cấp đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ TNGT. Lỗi vi phạm phổ biến là đi sai làn đường, phần đường; tránh, vượt sai quy định; chạy xe quá tốc độ để tranh giành khách… Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã chỉ đạo phòng CSGT tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung xử lý các vi phạm liên quan đến tốc độ, nồng độ cồn, điều khiển mô tô không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô chở hàng quá khổ, quá tải…
Phòng CSGT tỉnh đã bố trí cán bộ tiến hành bắn tốc độ, tuần tra trên tuyến đường này. Từ đó, hàng trăm ô tô, mô tô vi phạm tốc độ đã bị xử lý, hàng chục người vi phạm nồng độ cồn bị buộc tước quyền điều khiển phương tiện. Lãnh đạo phòng CSGT tỉnh cho biết: Do lực lượng công an ra quân quyết liệt và xử lý mạnh, kết hợp với biện pháp tuyên truyền nên tình hình ATGT cơ bản đã được lập lại trật tự. Người dân tham gia giao thông đã tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông là do ý thức chấp hành luật của người dân còn hạn chế. Ngoài biện pháp tuần tra, xử lý nghiêm để răn đe thì một biện pháp khác là nâng cao nhận thức bằng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân. Nghệ An là tỉnh đầu tiên xây dựng và triển khai Đề án “Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT trong trường học”. Sau khi triển khai đề án, các nhà trường đã tổ chức các chương trình hành động, phối hợp với công an để nắm bắt, xử lý và có hình thức giáo dục cho học sinh.
Thầy Nguyễn Đình Cường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập (TP. Vinh) cho biết: Học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc vượt đèn đỏ… khi lực lượng công an phát hiện sẽ thông báo cho nhà trường và phụ huynh để có biện pháp nhắc nhở, chấn chỉnh. Nhờ đó, tình trạng học sinh của trường vi phạm Luật Giao thông đường bộ đã không còn xảy ra.
Mặc dù công tác đảm bảo ATGT của tỉnh đã đạt kết quả tích cực nhưng thực tế cho thấy, số vụ TNGT vẫn còn nhiều, diễn biến phức tạp, và đặc biệt là số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xảy ra... đòi hỏi sự nỗ lực cao nhất của các ngành, các cấp, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phấn đấu giảm TNGT như mục tiêu đề ra. Muốn như vậy, các cấp, ngành và các địa phương phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phối hợp đồng bộ trong việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT.
Đồng thời, các lực lượng chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý đối với các lỗi vi phạm dễ dẫn đến TNGT; rà soát khắc phục các “điểm đen” về TNGT trên các tuyến đường tỉnh và các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh... đảm bảo an ninh, trật tự xã hội và đặc biệt là tính mạng, sức khỏe người dân.
Phạm Bằng