Những thanh âm bình yên

13/08/2015 17:47

(Baonghean)- Khi tiếng mõ, tiếng kẻng vang lên, mọi người nhắc nhở thành viên trong gia đình đã đến giờ “giới nghiêm”, không gây ồn ào hoặc ra ngoài khi không có việc cần thiết. Gần 1 tháng nay, mọi hoạt động đã đi vào nền nếp, công tác giữ gìn an ninh trật tự ở xã Châu Cường (Qùy Hợp) được nhân dân đồng tình ủng hộ nên ngày càng đạt hiệu quả cao.

TỪ CHIẾC MÕ CỦA DÒNG HỌ SẦM

Một đêm đầu tháng 8, chúng tôi nghỉ lại nhà một người quen ở bản Hạ Đông (xã Châu Cường). Tiết trời đã bớt dần cái nóng nực, nhường chỗ cho những cơn gió mát lành, đêm tĩnh lặng có thể nghe tiếng đàn chim vỗ cánh ở phía đại ngàn. Bỗng nhiên, vang lên một chuỗi âm thanh vừa gần gũi, vừa khác lạ, nghe như tiếng mõ, lại giống cả tiếng cồng. Nhận ra sự thắc mắc của khách, chủ nhà giải thích rằng đó là “Tiếng mõ bình yên” được phát ra từ nhà văn hóa cộng đồng, là âm thanh báo hiệu đã đến giờ giới nghiêm, nếu không có việc gì cấp thiết thì không nên ra ngoài và không gây ồn ào, làm ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Đó cũng là tín hiệu thông báo với những người ở các bản làng rằng người Hạ Đông không còn tiếp khách từ giờ này, mọi việc chỉ giải quyết từ sáng sớm ngày hôm sau. Và sau hồi mõ ấy, Đội tuần tra của cụm bản gồm Ban quản lý và công an viên sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, nếu cá nhân hoặc gia đình nào vi phạm quy ước sẽ bị nhắc nhở, thậm chí là xử phạt. Trước khi đi vào giấc ngủ, chúng tôi vẫn băn khoăn chưa hiểu chiếc mõ của bản Hạ Đông có kích cỡ như thế nào mà cất lên những chuỗi âm thanh to và vang đến vậy.

Chiếc mõ cổ của bản Hạ Đông (xã Châu Cường - Quỳ Hợp) dùng làm hiệu lệnh giữ gìn an ninh trật tự.
Chiếc mõ cổ của bản Hạ Đông (xã Châu Cường - Quỳ Hợp) dùng làm hiệu lệnh giữ gìn an ninh trật tự.

Hôm sau, có dịp qua nhà văn hóa cộng đồng bản Hạ Đông, chúng tôi ghé vào và không khỏi bất ngờ khi thấy chiếc mõ “ngoại cỡ” được treo ngay phía ngoài hiên. Mõ được làm bằng gỗ lim, chiều dài chừng 100cm, đường kính khoảng 20cm và được khoét rỗng ở giữa như một chiếc hộp hình trụ giữ vai trò cộng hưởng âm thanh. Điều đặc biệt là nguồn gốc của chiếc mõ, đến bây giờ vẫn chưa ai đoán định chính xác nó ra đời từ lúc nào.

Già làng Sầm Thanh Long cho hay, bác ruột của ông năm nay đã hơn 90 tuổi bảo rằng từ lúc chập chững tập đi đã thấy chiếc mõ treo ở đầu nhà. Cụ tổ của ông Long cùng 7 người con đến khai phá vùng đất Mường Ham này, mỗi người được phân chia một vùng rộng lớn để khai hoang và sinh sống. Lúc bấy giờ, đường đi lại còn rất đỗi gian nan, thú dữ còn rất nhiều nên mỗi khi tổ chức họp bàn gia đình, anh em rất khó khăn. Cụ tổ nghĩ cách đục chiếc mõ lớn, treo trước nhà để mỗi khi cần tập hợp các con sẽ gõ lên mấy hồi. Nghe tiếng mõ, những người con của cụ tổ hiểu rằng đang có tín hiệu triệu tập bàn bạc công việc liền cử người tháp tùng trở về.

Sau cách mạng Tháng Tám (1945), chiếc mõ được HTX Đại Cường dùng để báo hiệu tập hợp xã viên và thông báo giờ giấc ra đồng làm việc. Những năm giặc Mỹ ồ ạt ném bom xuống miền Bắc, chiếc mõ của dòng họ Sầm ở Hạ Đông lại dùng làm tín hiệu báo động phòng không. Nghĩa là khi những hồi mõ vang lên, bà con dân bản lập tức đưa nhau xuống hầm trú ẩn, phòng tránh và hạn chế thương vong do bom đạn của kẻ thù gây ra.

Nét yên bình bản Hạ Đông (xã Châu Cường - Quỳ Hợp).
Nét yên bình bản Hạ Đông (xã Châu Cường - Quỳ Hợp).

Chiến tranh kết thúc, bình yên trở lại trên quê hương, chiếc mõ của dòng họ Sầm được hạ xuống và đặt dưới sàn nhà, nằm lăn lóc suốt mấy chục năm như bao khúc gỗ vô tri khác. Khi tình hình an ninh trật tự làng bản có những diễn biến phức tạp, nạn trộm cắp và gây gổ đánh đập nhau bắt đầu nổi lên, tiếng mõ ngày xưa lại vọng về trong ký ức. Những người già trong bản đề xuất ý kiến nên đưa ra quy định về giờ giới nghiêm và lấy chiếc mõ lớn của dòng họ Sầm để phát hiệu lệnh. Cuộc họp bản được tổ chức, ý kiến này lập tức được mọi người đồng tình và hoan nghênh. Từ đó, hàng ngày, vào lúc 22 giờ, hồi mõ được vang lên, người ở gần, ở xa biết rằng bản Hạ Đông đã đi vào giấc ngủ, không ai được phép phá vỡ sự bình yên.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Sơn- Trưởng bản Hạ Đông cho biết: “Từ khi phát động phong trào “Tiếng mõ bình yên”, tình hình an ninh trật tự đã trở lại ổn định, nạn trộm cắp và tình hình thanh niên gây gổ, đánh đập nhau cơ bản đã chấm dứt”.

ĐẾN PHONG TRÀO “TIẾNG KẺNG BÌNH YÊN”

Người các bản khác thấy cách làm của Hạ Đông thật sự mang lại hiệu quả, giữ được trật tự an ninh bản làng liền đề xuất với Ban quản lý bản mình đến để học hỏi. Chị Lý Thị Hương - Trưởng bản Nhọi cho hay: “Bản chúng tôi có hơn 180 hộ bám theo Tỉnh lộ 532, an ninh trật tự có lúc khá phức tạp, nhất là tình trạng thanh niên tụ tập vào ban đêm để gây gổ với người đi đường. Phong trào “Tiếng mõ bình yên” ở Hạ Đông là một cách làm hay nên quyết định áp dụng theo mô hình này”. Không có chiếc mõ cổ như Hạ Đông, người bản Nhọi góp tiền mua chiếc kẻng sắt khá lớn, tiếng kẻng cũng rất vang. Lúc chúng tôi có mặt, chiếc kẻng ấy vừa mới được chuyển về, hôm sau bản Nhọi sẽ tổ chức họp dân để thảo luận thống nhất quy chế và kế hoạch triển khai.

Không chỉ dừng lại ở bản Nhọi, đến nay đã có thêm bản Đồng Tiến và Mường Ham cũng đã áp dụng mô hình của Hạ Đông và đổi thành “Tiếng kẻng bình yên”. Và dự kiến trong năm nay, toàn bộ 11 bản của xã Châu Cường sẽ áp dụng và triển khai mô hình này. Theo lời anh Vi Văn Hiếu, Trưởng Công an xã Châu Cường hơn 1.000 hộ với hơn 5000 nhân khẩu, giáp ranh với 5 xã (Châu Quang, Châu Thái, Châu Thành, Châu Hồng và Liên Hợp), có Tỉnh lộ 532 đi qua, nguồn thu nhập chính chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Thời gian trước đây, tình hình an ninh trật tự của xã khá phức tạp, nạn trộm cắp trâu bò xảy ra liên tục, riêng năm 2014 bắt được 3 vụ/11 đối tượng. Thanh niên trong xã thường tụ tập học theo tỉnh lộ để gây gổ, chặn đánh người đi đường. Có lúc, bà con trong xã không dám đi lại vào ban đêm, tình hình trở nên ngày một bức xúc. Theo đề xuất của bà con nhân dân, Ban quản lý các bản đề xuất áp dụng và triển khai mô hình “Tiếng kẻng bình yên” để ổn định tình hình an ninh trật tự. Lúc đầu, mô hình này định giao cho các bản tự triển khai nhưng lãnh đạo Công an huyện đề nghị lực lượng Công an xã đứng ra tổ chức để tạo nên sự thống nhất cao trong chỉ đạo và giám sát thực hiện.

Trên cơ sở đó, ngày 17/7/2015, xã Châu Cường đã tổ chức ra mắt mô hình “Tiếng kẻng bình yên”. Cùng với việc triển khai kế hoạch, việc soạn thảo quy chế hoạt động cũng được cán bộ và nhân dân xã Châu Cường quan tâm. Đến nay, bản Quy chế cơ bản đã hoàn thành, bao gồm 15 điều quy định về đảm bảo an ninh trật tự, khen thưởng- xử lý và tổ chức thực hiện. Trong đó, có những điều quy định khá cụ thể về trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự của mỗi thành viên trong cộng đồng: “Khi phát hiện kẻ gian, người có hành vi vi phạm pháp luật phải báo ngay cho công an viên, tổ an ninh xóm. Đồng thời, mọi người phải đoàn kết, khi nghe tiếng kẻng báo động lập tức phối hợp với tổ an ninh truy bắt kẻ gian...” (Điều 2). Hoặc: “Mỗi gia đình phải có trách nhiệm giáo dục con cháu và người thân chấp hành nghiêm chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Đồng thời, không sa vào các tệ nạn xã hội, chấp hành nghiêm “Tiếng kẻng bình yên”, giúp các cháu học sinh có ý thức học tập, giúp tổ an ninh giám sát địa bàn” (Điều 3). Và: “Mọi người cùng phối hợp bảo vệ mùa màng, phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi trộm cắp sản phẩm nông nghiệp, hoặc do mâu thuẫn cá nhân mà cố tình phá hoại hoa màu, vật nuôi và tài sản của người khác” (Điều 5).

Triển khai kế hoạch, lực lượng Công an xã Châu Cường chia các bản trên địa bàn thành 2 cụm do các đồng chí Phó công an xã phụ trách để tiến hành việc tuần tra, kiểm soát. Lực lượng này luôn ở tư thế sẵn sàng “phản ứng nhanh” mỗi khi có hiệu lệnh hoặc phát hiện kẻ gian và nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân. Chiến công đầu tiên trong phong trào “Tiếng kẻng bình yên” là vào rạng sáng ngày 1/8/2015, khi nhân dân bản Nhang phát hiện có 2 đối tượng đi xe máy vào thời điểm đã quá giờ quy định. Thấy các đối tượng này có nhiều biểu hiện nghi vấn nên bà con để ý theo dõi, khi chúng lẻn vào cổng nhà anh Sầm Văn Chi, lập tức hô hoán và báo cho lực lượng an ninh. Hai đối tượng bỏ chạy, lực lượng an ninh và người dân bản Nhang tổ chức truy đuổi và bắt được 1 đối tượng trú tại bản Mường Ham. Đối tượng này khai nhận vào nhà anh Chi để trộm cắp tài sản, người đi cùng trú tại xã Châu Quang.

Như vậy, công tác phòng ngừa và đấu tranh được tiến hành ngay từ đầu nên cho thấy hiệu quả rõ rệt. Và điều đáng nói hơn, từ ngày triển khai phong trào “Tiếng kẻng bình yên”, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã Châu Cường đã từng bước đi vào ổn định. Tình trạng trộm cắp tài sản, gây mất trật tự nơi công cộng đã giảm xuống, người dân địa phương không còn lo ngại mỗi khi có việc phải ra đường vào ban đêm./.

CÔNG KIÊN