Đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy - Bài cuối: Phát huy sức mạnh tổng hợp

18/08/2015 07:48

(Baonghean) - Cuộc chiến phòng, chống tội phạm ma túy ở Nghệ An nói riêng được xác định ngày càng quyết liệt, phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của cả cộng đồng, xã hội. Thực tế thời gian qua, trên trận tuyến này, cả hệ thống cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân đã góp phần quan trọng đẩy lùi loại tội phạm nguy hiểm này...

Các đoàn thể xã Hưng Tân (Hưng Nguyên)  giao ban công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy.
Các đoàn thể xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) giao ban công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy.

Chúng tôi về xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) dịp này, cảm nhận rõ nhịp sống yên bình của một vùng quê. Ấy nhưng cách đây ba, bốn năm trước, người dân Hưng Tân đã luôn nơm nớp lo âu vì tình hình an ninh trật tự phức tạp, nạn trộm cắp, trấn lột xảy ra liên tục, mà tất cả đều bắt nguồn từ tệ nạn ma túy. Thời gian ấy, những đối tượng nghiện trên địa bàn Hưng Tân thường tụ tập và móc nối với các đối tượng từ nơi khác đến để trao đổi, mua bán “hàng trắng” khiến người dân luôn cảm thấy bất an.

Trước tình hình trên, được sự đồng ý của cấp trên, xã Hưng Tân triển khai Đề án xây dựng địa bàn sạch về ma túy. Mục tiêu của đề án là phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân thông qua các tổ chức, đoàn thể dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền để từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy. Theo đó, mỗi tổ chức, đoàn thể có trách nhiệm tuyên truyền, vận động hội viên ký cam kết không để các thành viên trong gia đình sa vào tệ nạn ma túy. Hội viên các đoàn thể còn có nhiệm vụ theo dõi, giám sát tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, khi thấy có những biểu hiện nghi vấn lập tức phải báo cáo với cấp hội. 11 ban, ngành, đoàn thể và 9/9 xóm cùng 978 hộ gia đình trên địa bàn toàn xã đều tham gia ký cam kết thực hiện mục tiêu xã không có tệ nạn ma túy. Đặc biệt, 9/9 xóm của Hưng Tân đều lập “Hòm thư tố giác tội phạm” đặt tại nhà văn hóa xóm. Bất cứ người dân nào nhận thấy trên địa bàn cư trú có đối tượng với những biểu hiện nghi vấn đều có thể viết lên giấy và gửi vào hòm thư. Định kỳ, lực lượng công an xã sẽ mở hòm thư, nếu có thư tố giác sẽ lập tức tiến hành sàng lọc và xác minh đối tượng. Với cách làm này, Công an xã Hưng Tân đã tiếp nhận được nhiều thông tin quan trọng, lên danh sách các đối tượng nghi vấn liên quan đến ma túy để tiến hành theo dõi và tìm giải pháp ngăn chặn.

Hộp thư tố giác tội phạm tại xóm 6, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên).
Hộp thư tố giác tội phạm tại xóm 6, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên).

Đề án xây dựng địa bàn sạch về ma túy của xã Hưng Tân tạo được sự nhất trí, đồng thuận cao nên sớm phát huy được tính hiệu quả. Sau hơn 1 năm thực hiện, tệ nạn ma túy đã bị đẩy lùi, hiện nay toàn xã chỉ còn 3 đối tượng nghiện, trong đó 1 đối tượng đang làm ăn ở xa. Qua trao đổi, đồng chí Nguyễn Văn Nho - Trưởng Công an xã Hưng Tân khẳng định: “Triển khai chủ trương của Đảng ủy và kế hoạch của UBND xã, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người thấy rõ tác hại của ma túy. Các tổ chức, đoàn thể và gia đình đều tham gia ký cam kết, ai cũng nhận rõ trách nhiệm của mình với cuộc sống cộng đồng nên đều quyết tâm, đồng thuận đẩy lùi tệ nạn này”.

Đến xã Tam Quang (Tương Dương), chúng tôi cũng nhận thấy tình hình an ninh trật tự tại đây đã có những chuyển biến tích cực. Khoảng 5 năm trở về trước, đi dọc các tuyến đường ở Tam Quang thường thấy từng nhóm thanh niên ngồi tụ tập. Ban đêm, lợi dụng thời điểm vắng vẻ, những đối tượng này có hành vi trấn lột khách qua đường. Xã Tam Quang nằm ở địa bàn trung tâm huyện, có Quốc lộ 7 đi qua, là nơi xuất phát của Quốc lộ 48C và một số tuyến đường liên bản, trong đó ngã ba Khe Bố chính là “tâm điểm”. Tội phạm ma túy coi đây là địa bàn thuận lợi trong vận chuyển, trao đổi “hàng trắng”. Vì lẽ đó, tỷ lệ người nghiện ở Tam Quang khá cao, có thời điểm khoảng 170 người, trong đó có những đối tượng vừa nghiện, vừa tổ chức vận chuyển, tàng trữ và bán lẻ ma túy.

Trước tình hình ấy, chính quyền địa phương quyết tâm đẩy lùi tệ nạn ma túy, trả lại bình yên cho các bản làng. Ngoài việc phối hợp với Công an huyện phá những vụ án lớn, Công an xã Tam Quang thường xuyên tổ chức phân loại, sàng lọc và tuần tra, theo dõi các đối tượng nghi vấn. Lãnh đạo xã xác định việc bài trừ ma túy không thể thành công nếu không vận dụng được sức mạnh của các đoàn thể và quần chúng nhân dân. Các đoàn thể địa phương đều tổ chức cho hội viên ký cam kết không để ma túy xâm nhập vào gia đình. Các bản đều thiết lập “đường dây nóng”, khi người trong bản có dấu hiệu sử dụng, tàng trữ ma túy hay người từ nơi khác đến có dấu hiệu nghi vấn lập tức báo lên công an viên, công an xã để xác minh, xử lý. Chính “đường dây nóng” ấy đã khiến bọn tội phạm ma túy phải dè chừng, không dám ngang nhiên hoạt động.

Thậm chí, các chi hội cựu chiến binh còn cho hội viên thay phiên nhau ngồi trước cổng nhà có đối tượng nghiện để theo dõi, không để ra ngoài tiêm chích và cấu kết với các đối tượng từ nơi khác đến. Với những người tham gia cai nghiện tại cộng đồng hoặc vào Trung tâm Giáo dục - Lao động và xã hội, Ban quản lý bản, các đoàn thể và bà con nhân dân thường xuyên đến động viên, thăm hỏi và quyên góp tiền để họ bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Bà con cũng không phân biệt đối xử với những người từng mắc phải lỗi lầm, mà ngược lại luôn khuyên bảo, động viên họ đoạn tuyệt với ma túy, chăm lo xây dựng cuộc sống gia đình và giữ gìn sự bình yên của bản làng.

Các học viên cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục- Lao động và Xã hội huyện Tương Dương  làm hàng thủ công mỹ nghệ.
Các học viên cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục- Lao động và Xã hội huyện Tương Dương làm hàng thủ công mỹ nghệ.

Thực chất, cách làm của xã Tam Quang là sự cụ thể hóa của Nghị quyết 03 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng xã, bản, cơ quan, trường học lành mạnh, không có ma túy” của BCH Đảng bộ huyện Tương Dương. Tinh thần của Nghị quyết 03 (năm 2011) là phát huy vai trò của cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Bởi lẽ, từ lâu, Tương Dương được biết đến là một “điểm nóng” về tệ nạn ma túy với những địa điểm nổi cộm như Pù Lôm (Lượng Minh), dốc Vẽ (Yên Na), Pù Huột (Xiêng My)... Tình hình hoạt động của bọn tội phạm ma túy ở Tương Dương diễn biến phức tạp, có lúc rất manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí “nóng” để chống trả lực lượng chức năng.

Những kẻ buôn bán ma túy đã gieo rắc “cái chết trắng” khắp các bản làng Tương Dương, đẩy nhiều gia đình vào cảnh bất hạnh, đời sống cộng đồng trở nên bất an, hiện tại toàn huyện vẫn còn 1.230 người nghiện có hồ sơ quản lý. Vì thế, việc đấu tranh phòng ngừa tội phạm ma túy, đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi cộng đồng làng bản không chỉ là nhiệm vụ của các lực lượng chức năng, mà là trách nhiệm của toàn xã hội ở đây. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lương Bá Vin, Chánh Văn phòng Huyện ủy Tương Dương cho biết: “Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 03 của BCH Đảng bộ huyện, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn đang giảm dần, điều đó khẳng định tính hiệu quả. Sắp tới, huyện sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm để từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy”.

Cách làm của các xã Hưng Tân, Tam Quang và việc ban hành Nghị quyết về phòng, chống ma túy của huyện Tương Dương đã khẳng định vai trò và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và sức mạnh của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Từ năm 2013, BTV Tỉnh ủy Nghệ An đã có Chỉ thị về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới”, và Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 09 về Chương trình quốc gia PCTP-PCMT, phòng chống tội phạm mua bán người. Điều đó khẳng định việc phòng chống tội phạm ma túy không chỉ là nhiệm vụ của các lực lượng chức năng mà cần sự chung tay, góp sức của toàn thể cộng đồng, xã hội.

Nhóm PV

TIN LIÊN QUAN