Khi lực bất tòng tâm

06/10/2015 09:13

(Baonghean) - Bất chấp những cam kết trước đó về việc tiếp nhận người nhập cư, dường như Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải nghĩ lại về chính sách được coi là hào phóng của mình. Làn sóng người nhập cư có thể lên tới 1,5 triệu người đổ về Đức trong năm nay đang là bài toán nhân đạo khó có lời giải với chính quyền của nữ Thủ tướng Angela Merkel. Cho dù có muốn, Đức xem ra sẽ sớm phải thu hẹp các cánh cửa với người nhập cư.

Áp lực vượt xa dự báo

Thông tin vừa được tờ Bild của Đức công bố cho biết trong 3 tháng cuối năm 2015, ước tính sẽ có tới 920.000 trường hợp tị nạn ở Đức, nâng tổng số người tị nạn tại nước này trong năm nay lên khoảng 1,5 triệu người. Con số này lớn gấp rưỡi con số dự báo chính thức của chính phủ Đức khi số người tị nạn ở nước này chỉ vào khoảng từ 800.000 đến 1 triệu người trong năm 2015.

Trích dẫn những thông tin từ một báo cáo mật của cơ quan chức năng Đức, tờ Bild còn cho biết sức ép về vấn đề di cư sẽ ngày càng gia tăng ở Đức khi dự kiến sẽ có từ 7.000 - 10.000 người/ngày tìm cách vượt biên giới vào Đức, kể cả những tháng mùa Đông, và đây sẽ thực sự là gánh nặng nghiêm trọng cho các bang và địa phương ở Đức. Bên cạnh đó, việc đoàn tụ gia đình của những người tị nạn vốn đã được thừa nhận ở Đức cũng là một vấn đề nan giải.

Bởi, cấu trúc gia đình tại các nước Trung Đông thường phải có trung bình từ 4 - 8 người/gia đình. Như vậy, nếu mỗi người hưởng quy chế tị nạn ở Đức có thể đề nghị đoàn tụ tới 8 thân nhân, thì đây sẽ là một áp lực về dân số khủng khiếp đối với nước Đức trong vài năm tới, vượt ra khỏi những nguồn lực mà nước Đức có thể dành cho an sinh xã hội. Báo cáo nêu trên cũng cho biết các phương tiện, cơ sở hỗ trợ khẩn cấp cho người tị nạn ở Đức, như các khu nhà ở tạm hiện cũng đã quá tải.

Thủ tướng Angela Merkel.
Thủ tướng Angela Merkel.

Như vậy là những nỗ lực ngăn chặn dòng người nhập cư tại các cửa ngõ ở Trung Âu thời gian qua dường như đã không mang lại kết quả khả quan nào, khi mà có tới hàng chục nghìn người nhập cư vẫn “lọt lưới”, vượt qua hàng nghìn cây số và rất nhiều trạm kiểm soát để đến được nước Đức - “điểm đến yêu thích” của đa phần người nhập cư vào châu Âu. Thực tế đáng lo ngại này khiến nhiều tiếng nói phản đối chính sách mở cửa với người nhập cư ngày càng xuất hiện nhiều tại Đức.

Hôm 4/10 vừa qua, phát biểu trên truyền hình Đức ZDF, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần nhanh chóng triển khai biện pháp hạn chế làn sóng tị nạn đổ vào khối này thay vì lập các trạm kiểm soát biên giới hay rào chắn trong nội bộ khối, điều không thực sự giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn cương quyết phản đối việc hạn chế tiếp nhận người tị nạn vào nước này, bất chấp sức ép ngày càng gia tăng từ chính đảng bảo thủ và liên minh cầm quyền của bà.

Quan điểm của nữ Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) là phản đối hạn chế tiếp nhận người tị nạn từ các nước Trung Đông (từ Hungary sang), cũng không ủng hộ việc sửa đổi, siết chặt luật tị nạn và đóng cửa biên giới với các nước Đông và Nam Âu nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn đổ vào nước này. Theo bà, điều cần thiết là một chiến lược dài hơi trong việc tiếp nhận và hội nhập người tị nạn, cũng như đẩy nhanh việc xử lý hồ sơ xin tị nạn, trong đó ưu tiên đối tượng cần được bảo vệ ở Đức. Bên cạnh đó, bà Merkel cho rằng cần tăng cường kiểm soát biên giới EU cũng như giải quyết các nguyên nhân dẫn tới làn sóng tị nạn hiện nay.

Nước Đức liệu có "rộng mở" với người nhập cư?

Những động thái vừa qua đang phản ánh những mâu thuẫn trong nội bộ nước Đức về chính sách đối với người nhập cư. Thứ nhất, nước Đức dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Angela Merkel luôn nhất quán với chính sách mở rộng vòng tay tiếp nhận người di cư. Đức đã cùng Pháp đề xuất ý tưởng phân bổ hạn ngạch cho 28 nước thành viên tiếp nhận 120.000 người tị nạn từ Trung Đông và Bắc Phi. Đức ủng hộ việc ban hành một bộ luật tị nạn thống nhất và một danh sách chung của của EU về các nước xuất phát điểm di cư an toàn. Đức cũng quyết tâm theo đuổi việc áp một tỷ lệ phân bổ người nhập cư công bằng hơn giữa các nước thành viên EU. Rõ ràng, nước Đức đang cho thấy vị trí tiên phong của họ trong việc đối phó với làn sóng người nhập cư.

Sở dĩ Đức theo đuổi chính sách này bởi kỳ vọng sẽ tạo nên luồng sinh khí mới với lực lượng lao động vốn đã rơi vào trạng thái già hóa tại đây. Thủ tướng Merkel từng tuyên bố dòng người di cư đổ vào sẽ làm thay đổi bộ mặt nước này trong những năm tới. Đức hiện có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ khi tái thống nhất - mức 6,4%. Tuy nhiên, theo tính toán, nền kinh tế lớn này hiện vẫn thiếu hụt 140.000 công nhân, lập trình viên và các kỹ thuật viên. Các ngành dịch vụ như chăm sóc y tế và giải trí cũng sẽ sớm rơi vào cảnh thiếu nhân viên lành nghề.

Như vậy, chỉ riêng trong năm nay, Đức cần lấp đầy khoảng trống 40.000 nhân công có tay nghề. Vì vậy, làn sóng người di cư có thể là lời giải cho bài toán này.

Tuy vậy, bất chấp những lợi ích mà đôi bên nhận được, nước Đức không hẳn đã là thiên đường với người nhập cư. Hội đồng châu Âu (EC) hôm 1/10 bày tỏ quan ngại trước tình trạng phân biệt chủng tộc đang có xu hướng gia tăng tại Đức. Theo báo cáo của Ủy ban về các sắc tộc thiểu số của EC, các cuộc biểu tình thể hiện thái độ phân biệt chủng tộc và bài ngoại, như chống người Hồi giáo, người Do Thái hay phản đối người nhập cư vẫn diễn ra thường xuyên ở Đức.

Số vụ tấn công nhằm vào những người di cư xin tị nạn cũng ngày một gia tăng. Đặc biệt, báo cáo còn đề cập tới các cuộc tuần hành do phong trào bài đạo Hồi PEGIDA tổ chức từ mùa Đông năm ngoái, có lúc lên tới 25.000 người tham gia tại thành phố Dresden, miền Đông nước Đức.

Điều này tương phản mạnh mẽ với những hình ảnh thường thấy nhiều tuần gần đây về các chuyến tàu chở người di cư và tị nạn, chủ yếu từ Syria, tới các ga tàu hỏa ở Đức trong sự chào đón nồng nhiệt của người dân địa phương. Kết luận này cũng trái ngược với kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới đây, cho thấy hơn 60% người dân Đức ủng hộ tiếp nhận người di cư tới đất nước của họ.

Nói cách khác, dòng người nhập cư đang bùng nổ cùng những gánh nặng kinh tế và hệ lụy xã hội của nó đang khiến nước Đức bị phân rã mạnh mẽ giữa sự ủng hộ và phản đối người nhập cư. Và nếu nước Đức không thể giải quyết được bất đồng này, e rằng châu Âu cũng khó có thể tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng di cư hiện tại.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN