Ngư dân đầu tiên nhận số tiền lớn bồi thường bảo hiểm tàu cá

27/07/2015 16:23

(Baonghean.vn)-Ngày 27/7/2015, tại UBND xã Nghĩa An, Thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Tài chính phối hợp với Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Liên đoàn Lao động Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ trao 2,7 tỷ đồng tiền bồi thường bảo hiểm tàu cá cho ngư dân Phạm Thị Bê, chủ tàu QNG-97206TS của Quảng Ngãi. Đây là hợp đồng bảo hiểm tàu cá đầu tiên theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản trong đó có chính sách bảo hiểm cho ngư dân được cơ quan bảo hiểm bồi thường với số tiền lớn.

Tham dự lễ trao tiền bồi thường có ông Phan Văn Anh Trưởng Ban Tài chính Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục QLGS Bảo hiểm, Ông Phạm Trường Thọ Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi - Trưởng Ban thực hiện Nghị định 67 của tỉnh Quảng Ngãi, bà Ngô Thị Kim Ngọc - Chủ tịch Liên đoàn lao động Tỉnh Quảng Ngãi, đại diện nghiệp đoàn nghề cá, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Ngãi và ngư dân xã Nghĩa An. Cả bốn DNBH tham gia đồng bảo hiểm là Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex, Tổng công ty Bảo hiểm PVI cùng có mặt trong lễ trao tiền bồi thường bảo hiểm đầu tiên này.

 Đại diện cơ quan bảo hiểm trao số tiền bảo hiểm cho bà Nguyễn thị Bê
Đại diện cơ quan bảo hiểm trao số tiền bảo hiểm cho bà Nguyễn thị Bê

Phát biểu tại lễ trao tiền bồi thường, đại diện cho bốn DN đồng bảo hiểm, ông Lê Văn Thành, Tổng giám đốc Bảo Minh cho biết, ngay từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/ND-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, Bảo Minh và các DN đồng bảo hiểm đã nhận thức đây là chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ cho ngư dân cả về con người lẫn tài sản để yên tâm vươn khơi bám biển. Vì thế, các doanh nghiệp đều tích cực tham gia khảo sát thực tiễn tại các địa phương và đóng góp ý kiến với Bộ Tài chính để xây dựng các Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định, đặc biệt là việc dự thảo Qui tắc và Biểu phí bảo hiểm nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi cho ngư dân thuộc đối tượng được bảo hiểm theo chương trình hỗ trợ của Chính phủ.

Về phần mình, với vai trò được giao đứng đầu các DNBH trên địa bàn để tham gia triển khai Nghị định, Bảo Minh đã rà soát, đánh giá lại và lập kế hoạch kiện toàn tất cả các vấn đề liên quan đến nghiệp vụ bảo hiểm tàu cá, bao gồm ngân sách tài chính, nguồn nhân lực cùng chương trình đào tạo, hệ thống quản trị kinh doanh lẫn quản lý nghiệp vụ, chương trình truyền thông. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đã làm việc với thị trường tái bảo hiểm để nâng cấp chương trình tái bảo hiểm để có thể đáp ứng được bất kỳ yêu cầu nào của thị trường bảo hiểm tàu cá. Tại Quảng Ngãi, nặng nhất là vụ chìm tàu của bà Phạm Thị Bê với số tiền bồi thường tổn thất toàn bộ thực tế là 2,7 tỷ đồng. Số tiền bồi thường ngày hôm nay được trao tận tay chủ tàu, tại địa bàn cư trú đã khẳng định được cam kết và trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm đối với khách hàng tham gia bảo hiểm. Đây là nguồn kinh phí cần thiết hỗ trợ chủ tàu khắc phục một phần khó khăn, có cơ hội khôi phục, tiếp tục hoạt động khai thác hải sản xa bờ.

Phát biểu cảm tưởng khi nhận tiền bồi thường, bà Phạm Thị Bê, chủ tàu cá bị tai nạn chìm tàu cho biết, để có được con tàu cá nói trên, gia đình bà phải vay ngân hàng mới có được. Số tiền tổn thất 2,7 tỷ đồng là số tiền rất lớn với gia đình chúng tôi, sau tổn thất xẩy ra gia đình bà rơi vào tuyệt vọng không còn lối thoát. Chính vì vậy, với sự quan tâm kịp thời của cấp trên ngư dân chúng tôi càng tin tưởng vào các chủ trương đường lối quả Đảng và nhà nước, yên tâm ra khơi - bà Phạm Thị Bê nói.

Đại diện cho cơ quan quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm Nguyễn Quang Huyền cho biết, theo báo cáo của doanh nghiệp bảo hiểm, tính đến ngày 30/6/2015 đã có 4.346 tàu cá tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ; 42.110 thuyền viên tham gia bảo hiểm tai nạn thuyền viên với tổng số tiền bảo hiểm là 10.279,9 tỷ đồng, trong đó: giá trị bảo hiểm thân tàu là 6.892,7 tỷ đồng, ngư lưới cụ là 439,4 tỷ đồng; tổng số tiền bảo hiểm tai nạn thuyền viên: 2.947,7 tỷ đồng.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, với sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của Lãnh đạo tỉnh, các sở ban, ngành đã có 644 tàu và 9.042 thuyền viên tham gia bảo hiểm với tổng số tiền bảo hiểm là 1.825 tỷ đồng. Bộ Tài chính đánh giá cao sự tích cực, khẩn trương và trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong công tác giải quyết bồi thường và đề nghị các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục giải quyết bồi thường cho các chủ tàu nhanh chóng và kịp thời khi có phát sinh tổn thất. Đồng thời, chúng tôi cũng xin cảm ơn UBND tỉnh, các sở, ban ngành của tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực phối hợp trong chỉ đạo, trong công tác triển khai thực hiện Nghị định 67 và hỗ trợ DNBH trong công tác bồi thường bảo hiểm. Hy vọng trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp này - ông Nguyễn Quang Huyền cho biết.

Thay mặt lãnh đạo địa phương, ông Phạm Trường Thọ - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đánh giá cao sự nỗ lực, quyết liệt của các DNBH, các cấp, các ngành trong triển khai nghị định 67. Phó chủ tịch yêu cầu Bảo Minh Quảng Ngãi, đơn vị đứng đầu cùng các DNBH đồng bảo hiểm quyết liệt hơn nữa để giúp ngư dân hiểu rõ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người dân và tài sản của ngư dân trong khi bám biển sản xuất. Đồng thời, Phó chủ tịch Phạm Trường Thọ cũng nhận trách nhiệm quyết định của chính quyền địa phương trong công tác vận động, quản lý và giám sát các cơ quan chức năng và nhân dân thực hiện Nghị định 67 trên địa bàn.

Cũng tại lễ trao tiền bồi thường bảo hiểm, đại diện các Bộ, ban, ngành và địa phương cũng đã phát biểu ý kiến, bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương lớn của Chính phủ, nhằm giúp ngư dân Việt Nam yên tâm bám biển, bám tàu, sản xuất làm giàu trên vùng biển quê hương.

Sông Hồng