Chính sách bảo hiểm tạo yên tâm cho ngư dân bám biển

18/08/2015 08:01

(Baonghean) - Một trong những vấn đề giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, mở rộng ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác chính là hoạt động bảo hiểm cho tàu thuyền và thuyền viên. Đặc biệt, với những chính sách ưu đãi khi thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về “một số chính sách phát triển thủy sản”, ngư dân Quỳnh Lưu tích cực tham gia bảo hiểm tàu thuyền và thuyền viên.

Với nghề đánh bắt xa bờ, suốt gần cả tháng lênh đênh trên biển, nếu không may gặp sóng to, gió lớn bất thường làm hư hỏng thiết bị và đe dọa đến tính mạng của các thuyền viên. Từ trước đến nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu cũng từng xảy ra một số vụ tàu thuyền gặp nạn trên biển, gây thiệt hại về tính mạng và tài sản cho ngư dân. Tuy nhiên, do ngư dân không tham gia mua bảo hiểm tàu thuyền và thuyên viên nên đành chấp nhận thiệt thòi.

Mấy năm gần đây, nhận thức được tầm quan trọng việc mua bảo hiểm nên nhiều ngư dân tích cực tham gia. Sau chuyến khơi xa, tàu cá NA 91581 của ông Hồ Văn Đông, xóm Hòa Bình, xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) cùng với các thuyền viên tất bật công việc neo đậu tàu và chuyển hải sản lên bờ. Tất cả thuyền viên phấn khởi, bởi chuyến đánh bắt thu được gần chục tấn cá. “Mỗi chuyến ra khơi, bám biển dài ngày để nâng cao hiệu quả đánh bắt, chúng tôi cảm thấy yên tâm hơn một phần là nhờ có tham gia bảo hiểm thân tàu và tai nạn thuyền viên. Từ ngày hạ thủy chiếc tàu công suất lớn, mỗi chuyến vươn khơi kéo dài hơn trước, trung bình từ 15 ngày đến 20 ngày. Hầu như chuyến đánh bắt nào cũng có lãi từ 50 triệu đồng trở lên”, ông Đông vui vẻ tâm sự.

l Sử dụng ánh sáng để đánh bắt cá.
Sử dụng ánh sáng để đánh bắt cá.

Còn anh Ngô Đức Cư ở xã Quỳnh Long cũng tham gia bảo hiểm tàu thuyền chia sẻ: “Xu thế đánh bắt thủy sản ngày càng hiện đại, xa bờ, dài ngày như hiện nay mà không tham gia bảo hiểm tàu thuyền, tai nạn thuyền viên là quá lạc hậu. Mỗi suất bảo hiểm cho tàu xa bờ và cả thuyền viên chừng 3 triệu đến 5 triệu đồng mỗi năm, tùy thuộc vào công suất, nhưng so với giá trị chiếc tàu đến 5-7 tỷ đồng thì chẳng thấm vào đâu. Hoặc như giá trị mỗi bảo hiểm tai nạn thuyền viên đánh bắt gần bờ chưa đến 100 ngàn đồng/năm thì chẳng đáng là bao. Điều quan trọng là tính mạng của ngư dân có được sự “bảo vệ”, chia sẻ của cộng đồng...”. Tại xã Quỳnh Tiến, địa phương có thế mạnh về khai thác biển. Ngay từ năm đầu tiên triển khai bảo hiểm nghề biển đã thu hút nhiều ngư dân quan tâm. Đến nay, số chủ tàu tham gia bảo hiểm lên đến 139 chiếc trong tổng số 329 tàu thuyền đánh bắt xa bờ của xã. Giá trị mỗi bảo hiểm tàu công suất lớn từ 3 triệu đến 5 triệu đồng, bao gồm cả bảo hiểm tai nạn thuyền viên, bình quân mỗi tàu khoảng 10 - 15 người. Kết quả đó, bên cạnh ý thức tham gia bảo hiểm phương tiện, thuyền viên của ngư dân được nâng cao, một phần là nhờ sự tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động của các cấp hội, đoàn thể địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Kế, Chủ tịch Hội Nghề cá xã Quỳnh Tiến, hiện nay Nhà nước có hai loại chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho tàu thuyền và tai nạn thuyền viên. Đối với tàu đánh bắt xa bờ đến các vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa sẽ được hỗ trợ 50% giá trị bảo hiểm thân tàu và hỗ trợ 100% bảo hiểm cho thuyền viên. Theo Nghị định 67 của Chính phủ, giá trị mỗi bảo hiểm tai nạn thuyền viên được hỗ trợ 100% và 70% giá trị bảo hiểm thân tàu dưới 400 CV. Còn 400 CV trở lên là 90% giá trị bảo hiểm thân tàu và 100% tai nạn thuyền viên. Tuy nhiên, ngư dân chỉ được chọn 1 trong 2 loại hỗ trợ bảo hiểm trên... Chính sách này đã hỗ trợ tích cực cho ngư dân tích cực tham gia bảo hiểm nghề biển.

Đến nay, hầu hết ngư dân ở các xã ven biển của huyện Quỳnh Lưu tham gia bảo hiểm nghề biển, vững vàng vươn khơi, bám biển. Cùng với các chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ được triển khai, việc tham gia bảo hiểm cho ngư dân là một hoạt động thiết thực góp phần phát triển nghề khai thác hải sản, vì vậy, rất nhiều ngư dân mạnh dạn vay vốn, nâng cấp tàu thuyền vươn khơi xa, làm giàu cho gia đình, cùng ngư dân cả nước bảo vệ ngư trường, biển, đảo quê hương.

Hoàng Thúy

(Đài Quỳnh Lưu)