Tại sao Việt Nam đóng hàng loạt tàu hộ vệ tên lửa Molniya?

05/08/2015 17:23

Theo kế hoạch, Hải quân Việt Nam sẽ sở hữu tới 12 tàu hộ vệ tên lửa Molniya, vươn lên đứng thứ 2 chỉ sau Hải quân Nga. Tại sao Molniya lại quan trọng với Hải quân Việt Nam đến thế?

TIN LIÊN QUAN

Độc đáo, lợi hại

Tính năng kỹ, chiến thuật của tàu tên lửa Molniya thì ai cũng biết, nhưng ở từng quốc gia hay thậm chí từng đơn vị và ngay cả trong chiến dịch, chiến đấu thì vai trò, nhiệm vụ của nó cũng có thể khác nhau.

Với Hải quân Việt Nam thì tàu hộ vệ tên lửa Molniya là một lực lượng nhanh, mạnh, dùng để tập kích, chia cắt và thọc sâu... mang tính chất của một loại vũ khí chiến thuật, nhưng lại có nhiệm vụ phản công, tấn công mang tính chất của loại vũ khí chiến lược…

Bởi lẽ, khi mang tên lửa diệt hạm Kh-35, Molniya là vũ khí chiến thuật, nhưng khi trang bị tên lửa Klub-S thì nó trở thành vũ khí chiến lược. Đương nhiên, khi đã là một vũ khí chiến lược thì mục tiêu, nhiệm vụ của nó cũng sẽ mang tầm chiến lược.

Không những thế, Molniya còn là lực lượng chủ lực, bao quát tuyến hàng hải quan trọng trên Biển Đông khi cần thiết.

Đây là một phương tiện cực kỳ lợi hại, độc đáo, hiện đại, một loại vũ khí chuẩn cho tác chiến phi đối xứng trên biển mà Việt Nam - một quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng chưa phát triển, có thể tự chủ được số lượng phục vụ cho yêu cầu tác chiến.

Tàu Molniya số hiệu 378 thực hành bắn đạn thật
Tàu Molniya số hiệu 378 thực hành bắn đạn thật

Khả năng sống sót cao

Trong chiến tranh hiện đại, vũ khí công nghệ cao thì khả năng sống sót trước các đòn tấn công phủ đầu của một kẻ địch hùng mạnh với vũ khí trang bị hiện đại lại rất hệ trọng.

Do tư tưởng quân sự của Việt Nam là tự vệ, không tấn công xâm lược, cho nên khi có chiến tranh xảy ra thì thường sẽ bị đối phương gây chiến, tấn công phủ đầu trước. Đòn tấn công này luôn bất ngờ, dồn dập, tập trung và thường gây nhiều thiệt hại cho đối phương.

Trong những cuộc chiến tranh hiện đại gần đây, hầu như các quốc gia thua trận đều do phải hứng chịu đòn tấn công phủ đầu, khiến cho đa phần lực lượng bị tiêu diệt, tan rã hoặc mất sức chiến đấu.

Bởi vậy, trước đòn tấn công phủ đầu, nếu bảo toàn được 80% lực lượng thì coi như đã giành thắng lợi trong giai đoạn đầu. Lúc này, tấn công, phản công sẽ có rất nhiều lợi thế bởi địch đã bị tiêu hao phần lớn nhiên liệu, vũ khí đạn dược... tạo ra nhiều lỗ hổng chiến thuật.

Bảo toàn lực lượng là hành động tác chiến đầu tiên quyết định thành bại cuộc chiến. Một trong các hành động đó là việc bảo toàn lực lượng tàu hộ vệ tên lửa Molniya của Hải quân Việt Nam rất khả thi.

Khả năng cơ động nhanh của Molnya cho phép phân tán đến các vị trí an toàn, các vị trí đợi cơ, vị trí xuất phát tấn công, phản công đã loại bỏ ưu thế tấn công của tên lửa hành trình, đạn đạo của địch, tránh được đòn của chúng trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.

Tàu Molniya số hiệu 375, một trong 2 tàu được đóng tại Nga và chuyển giao nguyên chiếc cho Việt Nam
Tàu Molniya số hiệu 375, một trong 2 tàu được đóng tại Nga và chuyển giao nguyên chiếc cho Việt Nam

Phù hợp với chiến thuật

Đương nhiên, khi chế tạo hoặc mua sắm một loại vũ khí nào cũng phải dựa vào 3 yếu tố chính. Đó là lợi thế về địa lý; tư tưởng nghệ thuật quân sự, lối đánh sở trường để chiếm ưu thế trong bất kỳ điều kiện nào và dự kiến, đoán trước được phương án tác chiến của đối phương.

Các nhà quân sự Trung quốc so sánh “ong độc” Molniya tương đương với "quái vật" 2 thân lớp 022 Hồ Bắc của họ về tính năng kỹ chiến thuật. Cứ cho là như vậy, nhưng có một sự khác biệt rất lớn là khu vực tác chiến.

Tàu tên lửa lớp 022 không thể tác chiến dài ngày, xa bờ, trong khi đó, tàu tên lửa Molniya hầu như được tác chiến trên “sân nhà” bởi mục tiêu chiến lược cần bảo vệ là chủ quyền biển đảo.

Nghệ thuật quân sự của Việt Nam thường là “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn”, nhưng tùy lúc, vẫn có thể lấy nhỏ, nhưng nhiều, để đánh lớn theo nguyên tắc “lực lượng phân tán nhưng hỏa lực tập trung” hoặc tấn công từ nhiều hướng vào một mục tiêu…

Có thể nói tàu hộ vệ tên lửa Molniya hoàn toàn đáp ứng, phù hợp với nghệ thuật tác chiến của Hải quân Việt Nam, là mắt xích rất quan trọng để cơ động, chuyển hóa thế trận.

Molniya là một lực lượng chủ lực trên mặt biển trong đòn đánh sở trường: tập kích vào đội hình địch từ nhiều hướng, dồn dập, tập trung (tất nhiên, từ cơ sở lợi dụng thế địa lý và hợp đồng tác chiến với không quân, tên lửa bờ…) để xé nát đội hình địch.

Hai trận tập kích điển hình là trận đánh tàu Maddox Mỹ ngày 2/8/1964 của 3 tàu phóng lôi và trận đánh của 2 MiG-17 ngày 16/4/1972 đã làm xé nát đội hình của Hạm đội 7 Mỹ.

Mỗi trận ta sử dụng một “miếng võ” riêng biệt (không có sự hiệp đồng giữa không quân và hải quân), dù còn rất sơ khai, thiếu nội lực, nhưng lại ẩn chứa sự lợi hại, nguy hiểm, là thách thức đáng sợ với bất kỳ lực lượng nào, nhất là khi người chỉ huy sáng tạo, phát huy hết nội lực.

Đó chính là các sân bay gần bờ cho Su-30 hiện đại xuất phát, hiệp đồng tác chiến với “tia chớp” Molniya thực hiện các đòn tập kích…

Với lối đánh mưu trí, sáng tạo, quả cảm, thì lực lượng tàu hộ vệ tên lửa Molniya sẽ trở thành cơn ác mộng với bất kỳ lực lượng “hải quân nước xanh” nào. Đúng như các nhà quân sự Trung Quốc đã gọi, chúng là một “bầy ong độc” trên Biển Đông.

Theo Đại Lộ