Quì Hợp tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng
(Baonghean) - Thời gian qua, huyện Quỳ Hợp đã tích cực chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu, xây dựng thành công nhiều mô hình góp phần nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.
Quỳ Hợp hiện có 5.133 ha lúa/2 vụ, lâu nay năng suất lúa khá ổn định, đạt từ 62 - 65 tạ/ha. Tuy nhiên những năm qua, doanh nghiệp trong quá trình khai thác quặng thiếc hầu hết không hoàn trả lại mặt bằng, phần chất thải rắn và nguồn nước độc hại đã ngấm vào đất, bao gồm cả những diện tích đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa, nên tính đến thời điểm này toàn huyện Quỳ Hợp có trên 40 ha lúa bị ảnh hưởng bồi lấp “bùn đỏ”, năng suất lúa diện tích này chỉ đạt từ 12 - 50 tạ/ha, thậm chí có diện tích bị mất trắng. Trước thực trạng đó, việc chuyển đổi đất lúa sang các cây trồng khác được huyện quan tâm quyết liệt.
Vùng đất chuyển đổi từ lúa sang mía ở bản Còn, xã Châu Quang đã sắp cho thu hoạch. |
Điểm nổi bật ở Quỳ Hợp là xây dựng được khá nhiều mô hình chuyển đổi từ đất lúa thiếu nước sang trồng màu hiệu quả. Về xã Châu Đình, thời điểm này, trên những cánh đồng cao cưỡng bà con đang làm đất trỉa ngô. Qua 2 năm chuyển sang trồng ngô cho hiệu quả kinh tế cao, năng suất bình quân 2,5 tạ/sào, tính cả 3 vụ/năm đạt 7,5 tạ, thu về 4,5 triệu đồng/năm, lợi nhuận gấp ba lần làm lúa”. Đã có khá nhiều hộ dân ở xóm Mỹ Tân chuyển từ đất lúa sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi khá hiệu quả. Chị Trần Thị Huệ ở xóm Mỹ Tân chia sẻ: Xóm có 101 hộ dân, trước đây có 17 ha lúa, tuy nhiên do thiếu nước nên đã vận động và con chuyển sang trồng màu và cỏ voi được 5 ha (khoảng trên 30 hộ dân chuyển đổi). Ngoài việc thu hoạch từ ngô để bán cho bò sữa, làm thức ăn chăn nuôi nông hộ, khá nhiều hộ trồng cỏ voi mang lại thu nhập cao, như hộ anh Hiếu Tuyên trồng xen canh màu và 2 sào cỏ voi nuôi 4 con bò, cho thu nhập trên 40 triệu đồng/năm.
Xã Châu Đình có trên 300 ha đất lúa, từ năm 2013 đến nay, xã đã rà soát các diện tích đất lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng trên 20 ha gồm ngô, cỏ voi và các loại cây màu khác. Theo ông Nguyễn Văn Sửu, Chủ tịch UBND xã Châu Đình, thì người dân không phải mất chi phí để bơm tưới lúa như trước đây, năng suất ngô đạt cao, từ 55 - 60 tạ/ha, chưa kể trồng diện tích cỏ voi phát triển chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn. Sắp tới, xã có kế hoạch tiếp tục rà soát một số diện tích đất xấu để vận động bà con chuyển sang trồng mía và cam để nâng cao giá trị kinh tế. UBND xã Đồng Hợp đã trích ngân sách 35 triệu đồng để hỗ trợ bà con thuê máy móc bình chỉnh mặt ruộng, làm đường giao thông nội đồng thuận lợi cho việc canh tác ngô. Xã đang tiếp tục rà soát một số diện tích lúa hiệu quả kém để chuyển sang trồng lạc, dưa hấu, bí xanh…
Đặc biệt, xã Châu Quang đã triển khai đề án “Chuyển đổi một số diện tích lúa sinh trưởng kém do hoạt động khai thác khoáng sản đầu nguồn sang trồng mía giống”, bước đầu được coi là khá thành công. Ông Võ Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Quang cho hay: Châu Quang là xã trọng điểm lúa của huyện với trên 430 ha, qua rà soát có hàng chục ha cho năng suất lúa rất thấp, chỉ từ 10 -12 tấn/ha/vụ, có 3 ha không cho thu hoạch. Nguyên nhân là do khai thác khoáng sản đầu nguồn… Ngày 21/8/2014, UBND xã Châu Quang đã có tờ trình xin UBND huyện cùng phối hợp với Công ty mía đường Na Su chuyển đổi diện tích 15 ha ở cánh đồng Hạm, thuộc bản Còn sang trồng mía giống. Đề án này đã được họp bàn một cách dân chủ và có hơn 70 hộ dân trong diện chuyển đổi hưởng ứng. Sau khi thống nhất, chuyển đổi từ cây lúa sang mía, UBND huyện đã trích ngân sách hỗ trợ trên 290 triệu đồng để xã Châu Quang tiến hành dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, đào đắp kênh mương tiêu úng, đảm bảo mỗi hộ 1 thửa thuận lợi cho việc canh tác mía.
Nông dân xã Châu Đình, Qùy Hợp trỉa ngô đông |
Từ năm 2012 trở lại nay, huyện Quỳ Hợp đã vận động các xã chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang đất trồng màu được gần 100 ha. Chủ yếu tập trung chuyển đổi từ lúa sang trồng ngô, lạc, đậu tương, mía và cam. Hiện có khá nhiều xã chuyển đổi từ đất lúa sang trồng màu khá hiệu quả, như các xã Châu Quang, Châu Đình, Châu Lộc, Yên Hợp… Về cơ chế chính sách, từ năm 2014 đến nay, UBND huyện Quỳ Hợp đã hỗ trợ các địa phương trên 450 triệu đồng, chủ yếu tiền để hỗ trợ cải tạo đất, xây dựng hạ tầng như mương tiêu thoát nước, đường giao thông nội đồng, giống cây, phân bón. Huyện chỉ đạo Trạm khuyến nông, phòng Nông nghiệp bám sát địa bàn để tổ chức tập huấn, hướng dẫn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt là liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho bà con, như Công ty mía đường Na Su bao tiêu sản phẩm cho 15 ha mía giống tại bản Còn, xã Châu Quang...
Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát, chuyển đổi các diện tích đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng cây màu hình thành những vùng chuyên canh dựa vào lợi thế của từng địa phương. Tuy nhiên, để hiệu quả bền vững thì vẫn cần theo dõi và có các giải pháp cải tạo đất lâu dài.
Văn Trường
TIN LIÊN QUAN