Chợ Vinh và mùi vị của cuộc sống

17/10/2015 10:43

(Baonghean) - O ruột tôi bán hàng quần áo ở chợ Vinh nên từ bé tôi đã hay lui tới khu chợ lớn nhất thành phố này. Nhắc đến chợ, nhiều người vẫn tặc lưỡi nghĩ ngay đến một loại mùi hỗn hợp trộn lẫn giữa mùi hải sản, mùi hành tỏi khô, mùi da thuộc, mùi kim loại,…Nhưng tôi lại thấy từ trong đó một thứ mùi gần gũi, thân quen và ấm áp đến kỳ lạ. Mùi của cuộc sống.

Hàng quần áo không phải dọn hàng sớm như hàng đồ tươi, hàng ăn hay chợ đầu mối rau quả nên khi tôi theo o lên chợ thì hầu như các gian hàng đã sắm sửa nhộn nhịp lắm rồi. Nói là lên chợ vì chợ Vinh có đình chợ và chợ ngoài, trong đình lại có đình trên, đình dưới, đình Đông - Tây - Nam - Bắc. Gian hàng của o nằm cách biệt với các gian hàng bán thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau, củ quả, lương thực, đồ khô nên mang một mùi rất khác lạ.

Chợ Vinh.
Phía trước Chợ Vinh.

Đó là thứ mùi vải vóc mới tinh tươm người ta không thường thấy ở các khu chợ khác trong thành phố. Đó là thứ mùi cho người ta cảm giác sạch sẽ, tươi sáng như thể tâm hồn vừa được giặt sạch, phơi đượm nắng sau những ngày mưa dài ẩm ướt. Những ngày cuối hè, vào thu, chuẩn bị khai giảng năm học mới là lúc mà gian hàng quần áo tấp nập nhất, lúc nào cũng ngập trong không khí ấm áp bởi cái nhìn dịu dàng của những bà mẹ đưa con đi sắm sửa quần áo mới đón ngày khai giảng.

Nhưng chợ Vinh không chỉ có từng đó để làm tôi vui thích. Chợ Vinh còn có những hàng bán đồ ăn sáng - trưa - chiều, không thức gì trên đời là không có. Đó không phải là những quầy hàng kiên cố, bóng bẩy như những nhà hàng, quán xá chúng ta thường thấy trên phố. Đôi khi gánh hàng ăn sáng chỉ là một đôi quang gánh với hai cái thúng con, bên xôi, bên trứng giò. Bà bán xôi quẩy gánh đi khắp nơi, lê la đến từng gian hàng trên đình dưới chợ, bán cho các bà, các cô dọn hàng sớm hãy còn hơi ngái ngủ, chưa có khách nên buồn tay buồn miệng.

Hàng giải khát, chè thập cẩm - điểm ghé chân ưa thích của các cô, các chị mỗi lần mua sắm ở chợ Vinh.
Hàng giải khát, chè thập cẩm - điểm ghé chân ưa thích của các cô, các chị mỗi lần mua sắm ở chợ Vinh.

Khi gánh xôi vơi đi kha khá cũng là lúc bà bán xôi “thu lượm”, “đổi chác” được đủ thứ chuyện phiếm từ mọi ngóc ngách của khu chợ, cũng chính là những ngóc ngách của cuộc sống vốn dĩ muôn màu, muôn mặt này. Đến tầm giữa buổi về trưa lại có những gánh hàng bún bò, bún chả, cơm hến. Người bán hàng dọn mâm nhỏ đưa đến từng gian hàng, nơi các bà, các cô đang tụm năm, tụm ba. Thức ăn trong chợ có một điểm là giá cả cực kỳ phải chăng, đôi khi lại ngon hơn nhiều lần cũng những thức đồ ấy bán trong các quán ăn, nhà hàng lớn.

Người bán đưa đồ ăn đến rồi lại tiếp tục giao đồ ăn cho các hàng khác trong chợ, thi thoảng ghé lại góp vui dăm câu ba lời vào những câu chuyện không đầu không cuối của cánh chị em. Bát đũa ăn xong xếp gọn vào một góc, người bán hàng ăn đi hết một vòng chợ rồi quay lại nhận bát đũa một thể, vòng quay cuộc sống cứ như vậy lặp đi, lặp lại mỗi ngày. Nhưng chẳng hiểu sao không một ai tham gia vào đó thấy nhàm chán, có lẽ là nhờ vào những câu chuyện - đã trở thành một thứ hương vị gia giảm vào cho bữa ăn bình dân ở chợ thêm phần đậm đà.

Trong các thức đồ ăn ở chợ Vinh, tôi thích nhất hai thứ: cà phê và chè thập cẩm. Chè thập cẩm thì có lẽ là điều quá hiển nhiên rồi. Chẳng có ai bước chân vào chợ Vinh mà chưa một lần ăn chè thập cẩm. Nói như vậy không có nghĩa là chè thập cẩm ở chợ Vinh ngon một cách ghê gớm, mà chỉ là thức đồ ăn dân dã ấy hợp với không gian, không khí trong chợ và với tâm lý người đi chợ đến lạ lùng.

Còn với những ai đòi hỏi nhiều tính chiêm nghiệm hơn, đã có quán cà phê “bọt” của chú Long và dì Lý. Nói là quán, nhưng thực ra chỉ là một gian hàng nhỏ chưa đến 10m2, nằm giữa khu chợ đồ cũ với các gian hàng xén, hàng sắt ngổn ngang. Theo lời cô chú và những người trong khu chợ này thì quán cà phê “bọt” của hai vợ chồng cô chú mở ra từ cách nay ngót nghét 20 năm. Điều kỳ lạ là khách ghé qua quán này đa phần là phụ nữ. Thường thì chỉ có đàn ông mới thích uống cà phê, còn các chị em phụ nữ thích những đồ uống ngọt. Ấy vậy mà món cà phê “bọt” này còn được các bà và các em nhỏ yêu thích. Tại sao lại như vậy?

Câu hỏi này của tôi được giải đáp ngay từ khi tôi còn là đứa trẻ theo o ra chợ trông hàng. O tôi cũng là một trong những khách hàng nữ “nghiện” cà phê “bọt” của chú Long, dì Lý. Ngồi đung đưa chân trên chiếc ghế dài bằng gỗ, tôi chăm chú dõi theo từng thao tác của người đàn ông tuổi trạc tứ tuần. “Bọt” là một hỗn hợp được pha chế từ lòng trắng trứng, sánh đến mức có thể dốc ngược chiếc cốc vẫn không mảy may suy chuyển.

Thành phần một cốc cà phê “bọt” đúng điệu cũng không quá phức tạp: một lớp sữa đặc ở dưới cùng, đến một lớp cà phê đen nguyên chất, rồi một lớp đá đập nhỏ - chứ không phải là đá bào, đá xay, sau cùng là lớp “bọt” làm nên thương hiệu của quán. Bình thường tôi vẫn thấy người ta uống cà phê nhẩn nha, chờ từng giọt cà phê từ trong phin rơi xuống, thưởng thức từng ngụm nhỏ. Còn với cà phê “bọt”, cách thưởng thức cũng rất khác, người ta dùng thìa múc như múc chè.

Được thưởng thức một cốc cà phê “bọt” đầy đủ các thành phần, thấy đủ vị đắng, ngọt, béo, thơm phức dậy lên trong cổ họng, mới thực sự hiểu hết được lý do vì sao quán cà phê đặc biệt này lại được ưa chuộng đến như vậy. Không cầu kỳ, kiểu cách, nhưng đó là thứ cà phê rất thật, rất đậm, thêm vào đó sự hào phóng trong chất béo của bọt trứng gà như chính sự phóng khoáng của người pha chế, tạo cho người thưởng thức cảm giác dễ chịu, lấp đầy vào những khoảng lặng suy tư của cuộc sống thường nhật.

Chợ Vinh của bây giờ và chợ Vinh trong tiềm thức của tôi thuở nhỏ khác nhiều lắm rồi. Đình chợ bây giờ được xây lại khang trang thành 3 tầng, trong đó tầng 1 và tầng 2 đã được các hộ kinh doanh lấp đầy. Không còn cảnh ngột ngạt, oi bức những trưa mùa hè như trước, chợ thoáng hơn, sáng sủa và có bài trí, có tổ chức hơn.

Phía ngoài đình chợ cũng dần được xây mới, đàng hoàng hơn, có lớp có lang, có trật tự hẳn hoi. Mới đây nhất, khu chợ trước đây thường tập trung các thương lái về bán gia súc, gia cầm đã được quy hoạch, xây dựng lại thành chợ đầu mối. Nhìn qua thấy cảnh quan sạch đẹp, đường lối thẳng thớm, khang trang hơn hẳn.

Tất nhiên vẫn sẽ có những tiếc nuối khi nhớ về những gian hàng cũ. Đó là sự nhớ nhung với những ký ức đầy màu sắc, âm thanh và mùi vị của đứa trẻ nhỏ háo hức được khám phá cuộc sống. Đó cũng là sự trăn trở của những người tiểu thương mà cuộc sống gắn liền với hơi thở của khu chợ. Khi xây và mở cửa một khu chợ mới, người ta thường nói “cưới chợ”, ý muốn nói rằng buôn bán ở chợ còn phải có cái duyên, cái vận.

Đôi khi những thứ giản dị và có phần thô mộc lại mang đến cho người ta cảm giác gì đó rất duyên, rất đáng yêu, mà khi thay đổi để đón nhận những điều mới mẻ, hiện đại, vẫn không khỏi nhớ tiếc. Nói ra thì có chút mâu thuẫn, nhưng với tôi, hình ảnh mặc định về chợ là phải sực lên thứ mùi xăng xẳng của cá, tôm, mùi ngai ngái của những hàng thuốc nam, thuốc bắc, mùi khen khét ở những hàng bán đồ khô,…

Sẽ khó có nhà văn, nhà thơ nào rung cảm trước những âm thanh và mùi vị gồ ghề, thô ráp của chợ.

Nhưng với tôi, đó là thứ vẻ đẹp kỳ lạ khiến trái tim thổn thức trong một chiều mùa Đông tạt vội vào siêu thị vắng vẻ, chỉ có những gian hàng trắng tinh, sạch sẽ nhưng lạnh lẽo. Những lúc ấy, ở phương trời xa, tôi nghĩ về o tôi, về những gian hàng không lúc nào ngớt tiếng trò chuyện và cái gật đầu đồng cảm của những mảnh đời, mảnh người bé nhỏ. Và tôi thèm được về đây đứng giữa cái chợ yêu quý của thành phố mình để mà hít hà cho thoả nỗi nhớ mong.

Thục Anh

TIN LIÊN QUAN