Mải miết nghề "chạy chợ"

24/10/2015 14:35

(Baonghean) - Thi thoảng lại thấy nhà có cân lạc, cân gạo mới, rồi mớ rau vườn xanh sạch…, mùa nào thức ấy. Vợ tôi bảo: của Sen biếu đấy!

Nhà Sen ở huyện ven đô Hưng Nguyên. Ngoài làm gần 2 mẫu đất ruộng, Sen còn thêm nghề “chạy chợ". Bốn mùa, bất kể mưa nắng, sáng sáng khi trời còn tối Sen lại ra chợ Mý chờ người làng đưa cua, ốc, rau xanh, trứng gà… nói chung là thực phẩm “sạch"; vừa rạng ngày là tất tả chạy xe máy xuống TP. Vinh, thứ nhập quán hàng lớn nhỏ, thứ đứng chợ Vinh bán. Đã 15 năm nay Sen chạy chợ như thế rồi.

Chị Sen trong một chuyến “chạy chợ”.
Chị Sen trong một chuyến “chạy chợ”.

Thỉ thoảng, vợ tôi lại đóng gói mấy thứ đồ quần áo và lỉnh kỉnh gì đấy nữa, bảo: Chờ Sen xuống để nó lấy về dùng. Sen xuống nhà, xe máy rồ ga phóng vụt từ cổng vào, rổn rảng chào hỏi rồi chị em tíu tít bao chuyện, cứ như là ruột thịt. Vợ tôi là một khách hàng chuyên tiêu thụ cua đồng của Sen. Cô ấy bảo, Sen chân thật “đặc biệt", tình cảm vô cùng.

Mấy bận Sen nằng nặc mời vợ chồng tôi lên nhà chơi. Tôi bảo em chạy chợ suốt, bọn anh lên chơi vào buổi nào? Sen bần thần, ừ em sáng chạy chợ, chiều đi chăm đồng, những 16 sào ruộng đất một mình cáng đáng vì chồng làm thợ xây, 2 con còn đi học, chẳng rảnh chút nào. - Ruộng đất nhiều thế sao còn chạy chợ? “Nông dân thuần như nhà em anh lạ gì, ngô, lúa, lạc làm ra đảm bảo lương thực, phục vụ chăn nuôi vừa hết. Hôm nào không chạy chợ coi như hôm đó bữa cơm thiếu thức thịt, thức cá...” - Sen phân trần thế. Cứ tưởng Sen nói quá lên, nhưng nhẩn nha câu chuyện, mới thấy nông dân mình nhiều nhà cũng chỉ mới ăn no thôi, ăn ngon chưa đến...

Ở làng của Sen, có hơn chục chị làm nghề chạy chợ, ngày nhiều kiếm lãi trăm nghìn đồng, còn lại trung bình ngày dăm, bảy chục nghìn đồng. Ít, nhưng ví như Sen, hàng chục năm nay cần mẫn mua bán như thế, đã góp phần quan trọng để vực cả một tổ ấm có thể nói từng là “tận khổ”, vươn lên khấm khá được như bây giờ.

Mười mấy năm trước vợ chồng Sen cưới, ra riêng vay ngân hàng khoản nho nhỏ, trích ra mua cái cốt nhà bé tí lợp tranh, phên nứa đan thưa để ở. Hai bên nội ngoại cũng rất nghèo, chẳng hỗ trợ được gì, vợ chồng cắm cúi làm ruộng, nghèo rớt, có thể nói là nghèo nhất làng. Có bầu đứa thứ nhất, cơm chẳng đủ ăn, người cứ héo quắt, nợ ngân hàng treo đó, bóp miệng để trả. Không ít lần nghĩ dại, muốn trốn cái nợ cuộc đời, nhưng nghĩ lại đứa con trong bụng, ngó ông chồng cũng chăm chỉ làm ăn, thương vợ hết mực, nên Sen lại gắng sống. Một bữa nấu nồi canh lên, tất tả chạy đi xin chút bột ngọt về nêm, người ta bảo hết, đang tủi phận rớt nước mắt quay về, gặp người làng hỏi biết chuyện, cho Sen vay mấy chục nghìn đồng làm vốn chạy chợ…

Câu chuyện 15 năm trước ấy vẫn còn như in trong trí nhớ của Sen. Lọc cọc xe đạp chạy chợ bữa đầu, lãi mấy nghìn đồng chia ra mấy khoản mua dầu muối, bột ngọt, đã mừng rơn. Ngày thứ hai, lãi ít hơn, quyết định mua nhúm cá ươn nát loại gần như bỏ đi, về kho mặn lên, trộn cơm vào cả nồi cá ăn bằng sạch, coi như bữa ngon đầu tiên của vợ chồng kể từ ngày ra riêng; bõ những bữa thương chồng sức vóc đàn ông, Sen nói dối đã ăn cơm nhà mẹ đẻ, nhường cơm cho chồng, nhịn đói ra đến ruộng người cứ lả đi... Lần hồi thế, sau này chồng có nghề thợ xây, góp nhóp dần, trả được nợ ngân hàng, lợp được cái mái phi-brô xi măng dỡ mưa dột, mua được cái chăn bông ao ước bấy lâu... Vợ chồng ôm con mừng vì đã nhìn ra cái hướng vượt qua khốn khó.

Nghèo nên đẻ ít thôi. Chỉ 2 đứa có nếp có tẻ, chí thú làm ăn, bây giờ vợ chồng đã xây nhà ở khang trang, lo đầy đủ cho con cái học hành đứa đã cấp ba, đứa cấp hai.

Năm ngoái nhà còn nuôi tới 6 con bò, rồi ngặt thời gian chăn thả, bán 3 con được hơn bảy chục triệu đồng, mua thêm cái xe máy nữa, còn dư khoản tiết kiệm; ấy cũng là vững dạ rồi. Nhưng cũng không bỏ được nghề chạy chợ, nó có đồng ra đồng vào để chi tiêu hàng ngày là một lẽ, còn là cái quen của nghề. Xởi lởi, tình cảm như Sen cũng là hiếm, khách quen bán mua bền chặt nhiều năm, tin tưởng nhau, nên theo nghề cũng luôn suôn sẻ, chỉ mong là đừng ốm đau gì. “Em chẳng biết ốm bao giờ, mà cũng cần thế thôi, bản thân chẳng mong gì hơn; là phụ nữ nhưng ngay áo quần các chị mua hàng cũng thương đem cho, nên đến mấy năm em chẳng mua sắm gì cho mình, chỉ mua cho mấy bố con thôi. Chạy chợ mua bán mong cái lời lãi, nhưng em nghĩ đói khổ đến mấy cũng phải lấy cái thật thà, tình người làm trọng, nên đời em gặp nhiều người giúp, mới vượt khó sống được như bây giờ” - Sen bộc bạch thế...

Vân vi chuyện nghề chạy chợ, Sen cho hay là những thức cua, ốc người ta nhập cho mình giá lên, thì mình đưa đi bán lên giá theo, nên khá ổn định. Chỉ hàng rau, có khi bữa sáng bán lãi vài nghìn bạc một bó, nhưng đến trưa, đang còn là phải bán lỗ, lấy lãi bó trước bù bó sau, nên mải miết từ tửng mửng đến trưa trật, cũng chỉ kiếm được ngày mấy chục nghìn là vì vậy!

Đang xởi lởi chuyện, Sen thốt bật dậy rằng em phải về trưa họp Mặt trận xóm. Đùa bảo cái cô này phấn đấu làm cán bộ chắc? Sen ớ ra rồi cười: Thì em cũng có tham gia làm Chi hội trưởng phụ nữ xóm, được chồng ủng hộ, chị em giúp đỡ, nên cũng gọi là hoàn thành nhiệm vụ. Chị em trong chi hội tích cực sinh hoạt, phong trào văn nghệ, thể thao đủ cả. Mới rồi vận động được bà con trong xóm góp 6 triệu đồng ủng hộ nhà gặp chuyện khó khăn… Mà cái nghề chạy chợ cũng giúp tụi em dư chút đỉnh, để khi cần thì góp chi cho các sinh hoạt phong trào đấy!

Đoạn, Sen vội vã lỉnh kỉnh chậu, sọt, rồ xe máy chạy vút đi, rổn rảng nói vọng lại là anh chị cố gắng lên thăm nhà em đấy!

Anh Vũ