Không kích IS tại Syria Nga đẩy Mỹ vào thế bí?
(Baonghean) - Từ 30/9, Nga bắt đầu không kích nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, bao gồm Mỹ và các đồng minh Trung Đông của Mỹ.
Một cuộc không kích của Nga được thực hiện ở Homs (Syria). Ảnh: Internet |
Hợp pháp và bất ngờ
Khi đánh giá hành động quân sự của một quốc gia, trước hết phải xem xét tính hợp pháp của nó. Nga cho rằng việc họ không kích IS tại Syria là hợp pháp bởi 3 lý do: Tổng thống Syria Bashar al-Assad yêu cầu Nga tham gia đánh IS; tháng 9/2014, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc ra nghị quyết kêu gọi các nước hợp tác tiêu diệt IS; và Quốc hội Nga cho phép tiến hành các hoạt động quân sự chống IS trên lãnh thổ Syria.
Việc Nga không kích IS ở Syria là một bất ngờ đối với Mỹ và cộng đồng quốc tế. Tất nhiên, đây là chiến lược mà Điện Kremlin đã tính toán kỹ lưỡng, ít nhất là khi Mỹ và đồng minh không kích IS ở Iraq và Syria từ tháng 8/2014. Từ kinh nghiệm lịch sử, Tổng thống Putin quyết định chỉ không kích IS, không đưa bộ binh vào Syria. Có 4 lý do mà ông Putin lựa chọn can thiệp quân sự vào Syria từ ngày 30/9:
Thứ nhất, P5+1 và Iran đạt thỏa thuận hạt nhân hôm 14/7, vừa có lợi, vừa nhiều thách thức đối với Nga, nhất là khi quan hệ giữa Iran với Mỹ và các đồng minh phương Tây từng bước cải thiện.
Thứ hai, 28 nước châu Âu - đồng minh chủ chốt của Mỹ - đang vật lộn với cuộc khủng hoảng người di cư. Hơn nữa, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine tạm lắng xuống. Do đó, EU có phần “sao nhãng” đối với Nga.
Thứ ba, sau hơn 1 năm không kích của Mỹ và các đồng minh, IS không những không bị tiêu diệt mà còn mạnh thêm cả ở Iraq và Syria. Cho đến tháng 9/2015, dù không công khai thừa nhận, cuộc chiến chống IS của Mỹ và liên quân ở Iraq và Syria đã không thành công, còn việc Mỹ huấn luyện và trang bị vũ khí cho cái gọi là “lực lượng đối lập ôn hòa” chống al-Assad cũng hoàn toàn thất bại.
Đây là thời cơ để Nga phô diễn sức mạnh, gửi đến Mỹ và cộng đồng quốc tế thông điệp: nếu không có sự tham gia của Nga sẽ không thể giải quyết xung đột Syria và đánh bại IS.
Thứ tư, từ giữa năm 2015, chính quyền al-Assad suy yếu, IS chiếm hơn một nửa lãnh thổ và dồn Damascus vào thế bị động. Nếu IS lật đổ ông al-Assad và thống trị Syria thì đó là thảm họa khôn lường với thế giới, trực tiếp đe dọa an ninh của Nga khi gần 1/3 số chỉ huy của IS là người Nga đến từ Chechnya. Do đó, Nga phải cứu ông al-Assad bằng cách không kích tiêu diệt một bộ phận quan trọng của IS, giúp Damascus giành lại thế chủ động trên chiến trường, đẩy lực lượng đối lập được Mỹ hậu thuẫn vào thế bị động.
Ý đồ của Điện Kremlin
Mục đích thực sự của Nga khi tiến hành không kích IS ở Syria có lẽ chỉ ông Putin nắm rõ. Giới bình luận phán đoán trước hết là nhằm cứu chính quyền al-Assad - đồng minh duy nhất của Nga ở khu vực Trung Đông. Nếu IS loại bỏ ông al-Assad và chi phối Syria thì sẽ đe dọa trực tiếp đến ổn định của Nga. Nếu lực lượng đối lập do Mỹ hậu thuẫn lật đổ Bashar al-Assad thì Nga không chỉ trắng tay ở Syria, mà ở toàn bộ Trung Đông. Nhiều năm nay, Syria có quan hệ thân thiết, dưới đồng minh trên bạn bè với Nga. Nếu chính quyền al-Assad sụp đổ, Nga sẽ mất chỗ đứng chân ở Trung Đông và toàn bộ sườn Tây Nam của Nga cũng bị đe dọa.
Các cuộc không kích của Nga (sao màu tím) và liên minh do Mỹ dẫn đầu (sao màu xanh) trong giai đoạn từ 30/9 đến 5/10. Đồ hoạ: BBC. (Nguồn VNE) |
Trên phương diện chiến lược dài hạn, với việc không kích IS và hỗ trợ chính quyền al-Assad, Nga muốn gián tiếp để Mỹ và các đồng minh của Mỹ hiểu rằng, như chương trình hạt nhân bị nghi ngờ của Iran, cuộc xung đột ở Syria, các điểm nóng khác ở Trung Đông, Nam Á, Bắc Phi, nếu không có sự tham gia của Nga sẽ không bao giờ được giải quyết. Nghĩa là, Mỹ và phương Tây có thể cấm vận Nga về kinh tế, nhưng muốn hay không, vẫn phải hợp tác với Nga giải quyết những vấn đề trọng đại của thế giới và các điểm nóng khu vực.
Mục tiêu khác của Nga là thông qua các hoạt động quân sự chứng minh cho cộng đồng quốc tế rằng Nga thực sự chống IS, chống IS hiệu quả hơn Mỹ cùng liên minh do Mỹ dẫn dắt và khi chưa tiêu diệt IS, gạt bỏ chính quyền al-Assad là sai lầm nghiêm trọng và sẽ dẫn đến vòng xoáy bạo lực mới cuốn theo cả Trung Đông. Nói cách khác, việc Nga ủng hộ chính quyền al-Assad và hợp tác với Damascus để tiêu diệt IS là phương án hợp lý nhất.
Mục tiêu cuối cùng là Điện Kremlin muốn ngầm nhắc nhở Kiev, Đông Âu và các nước Baltic rằng Mỹ có lợi ích lớn khi hợp tác với Nga để giải quyết những vấn đề trọng đại của thế giới, Washington không dễ dàng vì ai đó mà đối đầu với Điện Kremlin.
Phản ứng của Mỹ và đồng minh
Khi Nga bắt đầu không kích IS, Mỹ đã ở vào thế yếu. Sau hơn 14 tháng, Mỹ và liên minh đã tiến hành hơn 6.000 vụ không kích ở Iraq và Syria, nhưng IS ngày càng mạnh lên. Chiến dịch chống IS của Mỹ không có hiệu quả.
Tại Syria, Mỹ và các đồng minh có hai mục đích là tiêu diệt IS và ủng hộ “lực lượng đối lập ôn hòa” loại bỏ chính quyền al-Assad. Đến nay, thẳng thắn mà nói, cả 2 mục đích đều không đạt được và đang lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Tuy nhiên, danh dự siêu cường không cho phép Washington bỏ cuộc tại Syria.
Trong diễn văn đọc tại phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp quốc khóa 70 cuối tháng 9/2015, Tổng thống Putin đã đề nghị thành lập liên minh quốc tế chống IS gồm chính quyền al-Assad, Iran, Iraq, các nước Arập và các quốc gia khác, trong đó Nga giữ vai trò dẫn dắt. Đề nghị của Nga gián tiếp khẳng định liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu không hoạt động hiệu quả. Nhưng đề nghị của Tổng thống Putin phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, nên dù không hài lòng, Tổng thống Obama cũng không thể bác bỏ.
Washington đánh lạc hướng dư luận bằng cách cáo buộc Moskva không đánh IS mà đánh vào lực lượng đối lập chống al-Assad ở Syria. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Điều chúng tôi lo ngại là những tác động của hành động quân sự như vậy (Nga không kích IS) có thể xảy ra với Syria, khi hơn 90% các cuộc tấn công theo ghi nhận của chúng tôi là không nhằm vào IS hay các chân rết của al-Qaeda. Mục đích chủ yếu là các băng nhóm đối lập, những nhóm không muốn nhìn thấy chính quyền al-Assad tồn tại”.
Ngày 8/10, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels quyết định thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở Thổ Nhĩ Kỳ và tăng cường lực lượng phản ứng nhanh của NATO ở châu Âu từ 20.000 lên 40.000 quân. Đây là đòn gián tiếp cảnh cáo việc Nga không kích IS ở Syria.
Khả năng hợp tác Mỹ - Nga
Cho đến nay, trong cuộc chiến chống IS và giải quyết xung đột Syria, Nga có lợi thế hơn Mỹ. Tất nhiên, vẫn cần hợp tác với Mỹ, nên Tổng thống Putin đã chủ động đề nghị Tổng thống Obama thực hiện hợp tác trong những vấn đề này.
Mới đây, các đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Âu đã có dấu hiệu xuống thang với Nga cả trong vấn đề Ukraine lẫn Syria. Tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng Bashar al-Assad có thể có một vai trò nào đó trong các giải pháp chính trị quá độ ở Syria. Đâu đó ở Paris, Madrid, Rome, Athens... cũng chấp nhận ông al-Assad nắm vai trò trong thời kỳ chuyển tiếp ở Syria.
Tên lửa Nga phá hủy một cứ điểm được cho là kho đạn dược của IS. Ảnh cắt từ video. (Nguồn VNE) |
Từ chỗ kiên quyết loại bỏ đến thừa nhận Tổng thống Syria có vai trò trong giải pháp chính trị là một điều chỉnh lớn theo xu hướng thỏa hiệp với Nga trong vấn đề Syria và IS. Đến lượt, Mỹ cũng phải hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống IS và giải quyết xung đột ở Syria. Nhưng vì Mỹ là siêu cường nên Washington chỉ có thể xuống thang từ từ trong việc hợp tác với Nga để giữ thể diện.
Thực tế, từ khi Nga không kích IS, Mỹ - Nga đã tiến hành trao đổi ở mọi cấp độ. Bên lề Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 70, Tổng thống Obama có cuộc hội kiến 90 phút với Tổng thống Putin, trọng tâm là cuộc chiến chống IS và xung đột Syria. Ngoại trưởng Kerry đã nhiều lần trực tiếp gặp và điện đàm với Ngoại trưởng Lavrov. Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cũng nhiều lần trao đổi với Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga để phối hợp tác chiến và tránh va chạm không đáng có trong quá trình không kích.
Như vậy, cho dù còn mâu thuẫn về mục tiêu, lợi ích chiến lược và thiếu lòng tin đối với nhau, tình thế buộc Mỹ và Nga đã, đang và sẽ tiếp tục hợp tác trong cuộc chiến chống IS và giải quyết xung đột ở Syria.
Kịch bản cho Syria
Đến nay, dư luận quốc tế đưa ra nhiều dự báo khác nhau về số phận của IS và tương lai của Syria. Cần lưu ý rằng, cuộc chiến chống IS có liên quan chặt chẽ đến việc giải quyết xung đột ở Syria.
Khác với một số dự báo, ít có khả năng Nga sẽ bị sa lầy ở Syria. Cơ sở lý giải cho nhận định này nằm ở chỗ sức mạnh tổng hợp quốc gia, nhất là kinh tế, của Nga kém xa Mỹ. Nền kinh tế Nga đang suy thoái, không chịu đựng nổi việc kéo dài can thiệp quân sự vào Syria. Mặt khác, phong cách Putin khác hẳn phong cách Obama. Sau khi đã tính toán chiến lược theo chiều sâu, Tổng thống Putin khởi binh là đánh nhanh, đánh mạnh, không cho IS phòng tránh, bảo toàn lực lượng.
Như vậy, có thể dự báo rằng nhờ có thông tin tình báo tự thu thập và do tình báo Syria cung cấp, Nga sẽ không kích dồn dập đến cuối năm 2015, quyết đẩy IS vào thế bị động. Sau đó, Nga thỉnh thoảng sẽ không kích làm tiêu hao lực lượng IS và giúp chính quyền al-Assad mở rộng vùng giải phóng.
Trong điều kiện đó, Nga và Mỹ sẽ thỏa hiệp về một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Syria theo lộ trình: ngừng bắn và trao đổi tù binh dưới sự giám sát của lực lượng giữ gìn hòa bình quốc tế; thành lập chính phủ lâm thời trong khoảng 1 năm do ông al-Assad đứng đầu với sự tham gia của các phe phái đối lập; chính phủ lâm thời sửa đổi Hiến pháp và thông qua Luật Bầu cử; tiến hành tổng tuyển cử ở Syria vào cuối năm 2016, đầu năm 2017. Giới chức Syria phải dung hòa lợi ích của các phe phái chính trị, đại diện cho các cộng đồng sắc tộc, tôn giáo trong nước, đồng thời phải đảm bảo lợi ích của Nga, Mỹ, có tính đến lợi ích của Iran, Saudi Arabia, Iraq...
Đây là kịch bản khả thi nhất để giải quyết cuộc xung đột ở Syria, song thực tiễn bao giờ cũng phức tạp hơn. Cuộc chiến chống IS và giải quyết xung đột ở Syria còn bị chi phối bởi nhiều nhân tố khác, trong đó có những nhân tố đến nay chưa xuất hiện. Do đó, cộng đồng quốc tế cần theo dõi sát sao để nhận định và phán đoán sát thực tế.
PGS.TS. Thiếu tướng
Lê Văn Cương
(Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an)