Tiếng hát người miệt biển

24/10/2015 10:55

(Baonghean) - Tiếng hát người miệt biển đằm địa mà khỏe khoắn, giản dị mà lắng sâu, từng làn điệu được cất lên từ chính tình yêu mộc mạc họ dành cho câu hò, điệu ví quê nhà. Từ tình yêu ấy, 47 năm nay, họ đã chung tay gây dựng và gìn giữ một câu lạc bộ dân ca, nay, được Trung tâm Văn hóa tỉnh lựa chọn là mô hình CLB dân ca ví, giặm điểm của tỉnh.

Các thành viên CLB dân ca Hương Xuân trong buổi tập luyện.
Các thành viên CLB dân ca Hương Xuân trong buổi tập luyện.

Ấy là CLB dân ca Hương Xuân ở phường Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai. Khi chúng tôi đến, các thành viên CLB đang chăm chú luyện tập vở kịch hát dân ca, chuẩn bị tham dự Liên hoan kịch ngắn, kịch vui tỉnh Nghệ An năm 2015. Những ca sỹ không chuyên đã luống tuổi trung niên, giọng ngân vẫn tươi khỏe, đượm nét hài hước, tếu táo của vở tiểu phẩm.

Ông Nguyễn Đình Tựu - Chủ nhiệm CLB, năm nay đã bước vào tuổi 70, kể về “đứa con tinh thần” của mình với niềm tự hào không giấu nổi: “Dân Quỳnh Xuân bầy tui mê dân ca lắm. Thuở xưa bom đạn ác liệt, ngày chiến đấu, đêm sản xuất nhưng cứ ngơi nghỉ tí là lại hát. Cả làng hát, cả xã hát. Năm 1968, trước nhu cầu thực tế ở địa phương, người dân bàn bạc, xin ý kiến cấp ủy, chính quyền xã rồi thành lập một đội hát múa chuyên phục vụ cho các sự kiện lớn, nhỏ ở xã, lúc đó gọi là Đội văn nghệ Quỳnh Xuân.”

Vẫn còn đó ký ức những đêm sáng trăng, nhà nhà í ới ngồi lại bên ấm chè xanh, trò chuyện, hát cho nhau nghe những điệu dân ca. Dân ca miệt biển hào sảng lắm, những ngư dân đã quen “ăn sóng, nói gió”, một đời dập dềnh thuyền lộng, hát như tâm tình, như trải lòng mình. Ông Nguyễn Đình Tựu vân vi chuyện xưa, rồi cất điệu hò xa khơi:

Hò dô dô hò

Từ khơi vô lộng

Nhịp hò khoan sôi động trong lòng

Hò dô dô hò dô khoan dô khoan là khoan dô khoan

Vừng đông đã bừng sáng

Ta tung lưới tung chài

Bắt nhiều cá tôm tươi

Cho cuộc đời thêm đẹp

Cho quê mình thêm giàu đẹp…

Khác với dân ca ví, giặm ở đồng bằng, trung du, ví, giặm miền chân sóng mặn mòi có sức hấp dẫn riêng, vừa khỏe khoắn với những hò bơi thuyền, mô tả khung cảnh và kích thích tinh thần lao động, vừa là khúc hát nỗi niềm của những thân phận lênh đênh sóng nước.

Ông Tựu chia sẻ, non nửa thế kỷ tâm huyết với đội văn nghệ xã nhà, những bậc cao niên như ông đã trọn lòng động viên bà con bền bỉ giữ lấy mạch nguồn âm nhạc của người xứ biển. Dẫu gặp nhiều khó khăn của đời sống kinh tế - xã hội, thu nhập người dân phần đa chỉ nhìn vào đồng ruộng, vào những chuyến lộng lênh đênh, nhưng rồi như một điều không thể khác, mạch nguồn ấy vẫn chảy mãi trong đời sống tinh thần người Quỳnh Xuân. Đội văn nghệ không có kinh phí hoạt động, các thành viên tự nguyện đóng góp người ít, người nhiều để gây dựng quỹ. Đội văn nghệ còn phân công người đón đưa các “cây" hát chính là các bà, các mẹ, thậm chí, đội nhất trí trích tiền quỹ để mua điện thoại, tặng cho những thành viên khó khăn để tiện liên lạc, tập luyện …

Năm 2011, đội văn nghệ Quỳnh Xuân được đổi tên thành CLB dân ca Hương Xuân, với quy mô và hình thức hoạt động bài bản hơn. 35 thành viên nòng cốt của CLB được tuyển chọn kỹ lưỡng, và vui nhất với những hạt nhân truyền thống như ông Tựu, là càng ngày, càng có nhiều thanh, thiếu niên trẻ tìm đến với CLB.

Bà Nguyễn Thị Liễu (53 tuổi), “cây” ví chính của CLB chia sẻ: “Ban đầu, khi nghe đến CLB dân ca, các cháu thanh niên đều từ chối gia nhập vì không thích thể loại nhạc truyền thống. Thành viên CLB lại chủ yếu là người lớn tuổi, sự xa cách thế hệ làm các cháu ngần ngại. Nhưng “mưa dầm, thấm lâu”, từ chỗ thử đi vài lần cho biết, giờ thì nhiều cháu đã mê dân ca hơn cả các bác nữa rồi”.

Ông Nguyễn Đình Tựu tiếp lời: “Sinh hoạt trong CLB vừa là món ăn tinh thần bổ ích, vừa giúp các cháu lánh xa tệ nạn xã hội. Những năm gần đây, các ca khúc mà CLB biểu diễn đều do các thành viên tự biên hoặc cải biên trên làn điệu cũ, nội dung là tuyên truyền nếp sống văn hóa, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, giáo dục pháp luật … Khi biểu diễn, chính các cháu đã được thấm nhuần và lan tỏa những thông điệp tốt đẹp đó đến với mọi người.”

Với truyền thống hoạt động dày dặn, cùng đam mê âm nhạc dân gian, CLB dân ca Hương Xuân đã giành được nhiều giải thưởng tại các liên hoan, hội diễn các cấp. Năm 2015, CLB dân ca Hương Xuân được Trung tâm Văn hóa tỉnh chọn làm CLB điểm, hướng nhân rộng ra các địa phương khác. Phong trào văn nghệ dân gian này là một cách nhân lên những giá trị tốt đẹp trong văn hóa làng biển xưa - nay…

Phước Anh

TIN LIÊN QUAN