Nền tảng để kinh tế phát triển

01/10/2015 08:46

(Baonghean) - Huyện Quỳ Châu có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Để khai thác lợi thế đó, thời gian tới, địa phương xác định chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giao đất, khoán rừng làm đòn bẩy vững chắc để phát triển kinh tế...

Hiện nay mạng lưới giao thông đến vùng sâu, vùng xa của Quỳ Châu chưa đảm bảo, các loại nông sản do người dân làm ra khó tiêu thụ, chênh lệch giá bán. Nhiều tuyến đường huyết mạch nối từ Thị trấn Tân Lạc đi các xã vùng trong chưa được đầu tư nâng cấp, về mùa mưa thường bị sạt lở đất, lầy lội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương. Để khắc phục tình trạng đó, thời gian tới, Quỳ Châu xác định ưu tiên đầu tư nâng cấp một số tuyến đường. Đó là đường từ Thị trấn vào Châu Phong, Châu Hoàn để vừa khai thác được tiềm năng đất đai rộng lớn, trồng rừng, cây dược liệu, cây rễ hương, cung cấp nguyên liệu cho làng nghề hương trầm Quỳ Châu, gắn với du lịch sinh thái từ hồ Thủy điện Tam Bông mang lại; tuyến đường nối với các trung tâm xã Châu Hội, Châu Hạnh, Châu Bình, Châu Thắng, trở thành tuyến đường nguyên liệu, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống trường học các cấp, trạm y tế xã… mặc dù đã được đầu tư xây dựng thông qua các chương trình đầu tư của Nhà nước, nhưng do nhiều công trình xây dựng từ lâu năm, nay đã xuống cấp. Để nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, Quỳ Châu sẽ dành nguồn vốn đầu tư đúng mức.

Làm hương trầm tại hộ anh Đoàn Doãn Thắng ở khối 1, Thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu).Ảnh: N. Sơn
Làm hương trầm tại hộ anh Đoàn Doãn Thắng ở khối 1, Thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu). Ảnh: N. Sơn

Ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Quỳ Châu còn quan tâm đến vấn đề cung cấp tư liệu sản xuất cho người dân. Quỳ Châu có hơn 80% dân số làm nông lâm nghiệp, thế nhưng thực tế chỉ có 70% số hộ mới được chia đất lâm nghiệp, số còn lại chưa có đất lâm nghiệp để phát triển kinh tế rừng, trong khi đó, toàn huyện chỉ có 1.800 ha đất sản xuất lúa nước. Bởi vậy, lâu nay bà con chỉ được nhận khoanh nuôi và bảo vệ rừng là chính, thu nhập không đáng kể. Để người dân xóa được đói nghèo bền vững, thu nhập chính từ trồng rừng, cần phải có tư liệu sản xuất. Do đó, tới đây địa phương phối hợp với các cấp, ngành liên quan, điều chỉnh đất lâm nghiệp từ các đơn vị lâm nghiệp trên địa bàn, quan tâm chia đất lâm nghiệp cho người dân. Trong quá trình giao đất lâm nghiệp cho người dân, ưu tiên giao những diện tích đất lâm nghiệp thuận lợi trong việc trồng rừng. Khi người dân làm chủ được đất, bà con có thể trồng rừng nguyên liệu, trồng cây dược liệu, cây ăn quả, trồng cỏ để chăn nuôi gia súc... Từ đó tạo thành những vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, gắn với phát triển kinh tế gia trại, trang trại. Những năm qua, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư xây dựng gia trại, trang trại, tuy nhiên quy mô chưa lớn. Hiện nay mỗi trang trại chỉ có 3 – 5 ha đất, thời gian tới, địa phương tạo chính sách cho những hộ làm trang trại mở rộng diện tích, có thể mở rộng tới hàng chục ha, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ trang trại sản xuất nông sản với số lượng hàng hóa lớn hơn.

Đồng thời dành nguồn vốn xây dựng các công trình thủy lợi mới và tu sửa, nâng cấp một số công trình thủy lợi, để chủ động cấp nước tưới cho cây trồng ở một số địa phương không chủ động nước tưới. Qua khảo sát, có thể xây dựng hồ đập Kẻ Nính ở Châu Bình, nằm trong cụm hồ vệ tinh của hồ chứa nước bản Mồng. Tu sửa một số công trình thủy lợi ở Châu Bính, Châu Hội, Châu Thắng.

Để đầu tư những công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu đó, hàng năm địa phương cần nguồn vốn rất lớn. Là địa phương chủ yếu phát triển nông, lâm nghiệp, lĩnh vực thương mại, dịch vụ chưa phát triển, nên hàng năm nguồn thu ngân sách tuy có tăng, nhưng chưa đáng kể, mỗi năm địa phương thu ngân sách mới đạt 20 tỷ đồng, do đó khó có thể xã hội hóa vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Do vậy, nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, Quỳ Châu xác định dựa vào nguồn đầu tư của Trung ương, tỉnh là chủ yếu, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thời gian tới Quỳ Châu xác định 2 vấn đề cấp thiết cần phải thực hiện, đó là tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề vững chắc cho các địa phương phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm giải quyết đất lâm nghiệp cho người dân làm chủ tư liệu sản xuất. Giải quyết tốt 2 yếu tố đó là điều kiện để Quỳ Châu khai thác tiềm năng về đất đai, con người, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân trong những năm tới.

Ngô Đức Thuận

(Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu)