Phát triển trồng mây, khôi phục nghề truyền thống

13/08/2015 18:35

(Baonghean) - Mây tre đan (MTĐ) là nghề truyền thống của đồng bào nhiều vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên nguồn nguyên liệu mây ngày càng khan hiếm, do vậy nhiều nơi nghề MTĐ đang bị mai một. Để khôi phục và phát triển nghề MTĐ tại cộng đồng, Viện Nghiên cứu và phát triển nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) đang thực hiện Dự án “Mở rộng phát triển chuỗi giá trị mây cho phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tỉnh Nghệ An” tại một số huyện miền núi, trong đó có huyện Tương Dương. Thời điểm này, bà con đang tích cực lên rừng trồng mây.

Ở Nghệ An, dự án trồng mây này được thực hiện tại 4 huyện: Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu và Quế Phong, với diện tích gần 100 ha. Huyện Tương Dương là địa phương được dự án triển khai trồng nhiều nhất, với gần 70 ha, tại các xã Yên Na, Yên Hòa, Yên Thắng, Tam Thái, Tam Quang, Nga My, Xiêng My. Dự án được thực hiện từ năm 2011, kết thúc vào tháng 3/2016, đến hết năm 2014 huyện Tương Dương đã trồng được 41 ha.. Sau những ngày mưa kéo dài vừa qua, đồng bào các dân tộc huyện Tương Dương kéo nhau gùi mây giống lên rừng trồng với diện tích 28 ha, mục tiêu là tạo thu nhập từ kinh tế rừng và khôi phục, phát triển nghề truyền thống MTĐ.

Chăm sóc mây giống tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Na Tổng, xã Tam Thái (Tương Dương).
Chăm sóc mây giống tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Na Tổng, xã Tam Thái (Tương Dương).

Đến xã Tam Thái, huyện Tương Dương một ngày đầu tháng 8, trời vẫn mưa rải rác, bà con nơi đây đang hăng hái gùi mây, vác mai lên rừng đào hố trồng mây. Tại gia đình ông Quang Văn Sơn, Trưởng bản Quang Phúc, chúng tôi thấy có rất nhiều bầu mây chất dưới tán cây. Ông cho biết: Đợt này 19 gia đình trong bản nhận trồng khoảng 7 ha mây từ Dự án VIRI. Tranh thủ trời có mưa, cây giống nhận về đến đâu, thông báo cho các gia đình đến nhận đến đó. Số mây giống đang để ở đây là phần còn lại của gia đình. Mây là cây trồng mới, dễ trồng, ít công chăm sóc, khi cây phát triển, chỉ cần bắt sợi mây lên thân cây rừng leo là được. Sau 4 – 5 năm chăm sóc, cây mây cho thu hoạch sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân bằng kinh tế rừng.

Nói rồi, ông Sơn hồ hởi dẫn chúng tôi ngược núi chừng nửa cây số, nơi vợ và con dâu đang trồng mây. Dưới khu rừng tự nhiên, cây cối dày đặc, mẹ con bà Lương Thị Nguyệt đang miệt mài đào hố, trồng mây. Bà Nguyệt cẩn thận bóc từng bầu mây, bộc bạch: “Nhà có 0,5 ha rừng tự nhiên, được khoanh nuôi bảo vệ từ nhiều năm nay. Ngoài nhận tiền hỗ trợ của nhà nước, gia đình không thu hoạch được gì. Do vậy, khi Nhà nước có dự án trồng mây, gia đình thực hiện ngay, mong rằng sau này cây mây cho gia đình nguồn thu nhập”.

Vào xã Yên Na, không khí lên rừng trồng mây của bà con nơi đây khá nhộn nhịp. Anh Chu Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Na, cho biết: Đợt này địa phương đã nhận về gần 68 nghìn cây mây giống (mây nếp và mây nước), dự kiến trồng trên diện tích 13 ha rừng tự nhiên của các bản: Xiềng Nứa, Huồi Cụt, Huồi Xén và Xốp Pu. Hiện nay, bà con đang gùi mây lên rừng để trồng cho kịp thời vụ. Theo anh Hùng, mây có thể là cây cho thu nhập, góp phần xóa nghèo cho hàng trăm hộ trong tương lai. Như hiện nay, giá bán mây tươi 10.000 đồng/kg là chấp nhận được.

Đến vườn ươm giống mây của HTX Dịch vụ nông nghiệp Na Tổng, xã Tam Thái, trước mắt chúng tôi là 28 luống mây giống được chăm sóc theo kỹ thuật trong bầu, dưới mái che cẩn thận. Chị Cao Thị Thân, tổ trưởng tổ ươm cây giống, cho biết: Vừa qua, HTX xuất trên 3 vạn cây mây giống cho huyện trồng, hiện còn hơn 10 vạn bầu, khi nào dự án cần là có thể xuất ngay cho bà con trồng. Trên địa bàn hiện có 2 vườn ươm mây giống, cung ứng giống mây cho 4 huyện mà dự án đang thực hiện.

Mục đích của Dự án trồng mây VIRI là tạo nguồn nguyên liệu, khôi phục nghề MTĐ trên địa bàn huyện. Bởi từ trước đến nay, đồng bào các dân tộc làm nghề truyền thống MTĐ, chủ yếu dựa vào nguồn mây tự nhiên trên rừng, khi mây khan hiếm, nghề MTĐ cũng có nguy cơ mai một. Từ năm 2011 đến hết năm 2014, dự án trồng mây tại huyện Tương Dương đã thành lập được 30 nhóm trồng mây và đan lát, mỗi nhóm trên dưới 10 gia đình, ở các xã: Tam Thái, Tam Đình, Tam Quang Yên Hòa, yên Na, Nga My, Yên Thắng, Xiêng My. Các nhóm trồng mây, mỗi tháng nhóm họp 1 lần, nhằm nhắc nhở các gia đình bảo vệ, chăm sóc mây, từ đó trở thành phong trào phát triển nghề MTĐ trên địa bàn.

Trong số các nhóm đó, phát triển mạnh nhất là cơ sở MTĐ Duy Thành, do ông Trần Duy Thành làm chủ, ở bản Quang Phúc, xã Tam Đình (Tương Dương). Đến cơ sở MTĐ Duy Thành, chúng tôi thấy có nhiều sản phẩm MTĐ đang được trưng bày trên gian hàng: mâm mây, ghế mây, ủ ấm... đã được hoàn thiện bắt mắt. Ông Thành cho biết: Những sản phẩm này chủ yếu đan bằng sợi mây nếp mềm, dẻo, có độ bền cao. Để cơ sở hoạt động tốt, những năm qua cơ sở của ông Thành nhận trồng một số diện tích mây dưới tán rừng, ngoài ra còn đầu tư mua sắm 1 máy chẻ mây, 1 máy vót sợi mây. Mỗi ngày 2 chiếc máy này chẻ được 2 tạ mây. Tuy nhiên, do lượng mây mua vào khan hiếm, nên mỗi ngày cơ sở chỉ có 50 kg mây, không đáp ứng nhu cầu cho 10 người chuyên làm nghề MTĐ tại cơ sở. Đã hơn 30 năm gắn bó với nghề MTĐ, ông Thành cho biết, sản phẩm làm ra bán ngay tại thị trường trong huyện, ngoài ra còn tham gia trưng bày ở các gian hàng tại hội chợ hàng địa phương. 1 chiếc mâm mây nhỏ nhất, đơn giản nhất có giá 700 nghìn đồng, nhưng nếu đan cầu kỳ theo hoa văn thổ cẩm, mặt mâm đường kính 80 cm, bán với giá 1,2 triệu đồng; 1 chiếc ghế mây 140 nghìn đồng. Giá bán như thế là tạm ổn, tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu khan hiếm, nên sản phẩm làm ra không được nhiều.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Công thương huyện Tương Dương, cho biết: Gắn với việc trồng mây là từng bước đào tạo, khôi phục và phát triển làng có nghề MTĐ trên địa bàn huyện. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có một số bản có nghề MTĐ, như: bản Quang Phúc (Tam Đình), Hợp Thành (Xá Lượng), Xiềng Líp (Yên Hòa), bản Can, bản Lũng (Tam Thái). Thời gian tới, gắn với việc trồng mây, Phòng Công thương huyện sẽ phối hợp với Sở Công thương đào tạo nghề MTĐ cho nông dân một số bản: bản Hạt, Pà Tý (Yên Tĩnh), Tùng Hương, Sơn Hà (Tam Quang), bản Trung Thắng, Pủng (Yên Thắng), bản Văng Môn (Yên Hòa). Như vậy, những diện tích mây đã được trồng theo dự án này một phần cung cấp cấp nguyên liệu cho các bản làm nghề MTĐ tiếp tục phát triển, phần còn lại bà con có thể khai thác nhập cho các địa phương khác. Đây cũng là giải pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào các dân tộc theo chương trình mục tiêu xây dựng NTM.

Bài, ảnh: X.Hoàng – V.Chôồng