Múa lân, "món ăn" đêm trăng rằm
(Baonghean) - Phá cỗ, chơi đèn, múa lân là món ăn tinh thần không thể thiếu vào những dịp trăng rằm. Đây cũng là hoạt động giàu ý nghĩa, mang đậm bẳn sắc văn hóa dân tộc.
Những ngày này, tối nào khoảng sân phía sau UBND phường Trường Thi, Thành phố Vinh cũng đỏ đèn đến hơn 22h đêm với tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng. Không còn ở độ tuổi nhi đồng, cũng không phải là năm đầu tiên tham gia nhưng sự háo hức của các thành viên trong đội múa lân của phường dường như chưa lúc nào “hạ nhiệt”. Thủ lĩnh của đội, anh Nguyễn Huy Bình là Bí thư đoàn phường, người thành lập và là người tham gia đội múa lân lâu nhất. Vốn có kinh nghiệm nhiều năm múa chính nên bao giờ anh cũng đến rất sớm, vừa hướng dẫn các em các động tác, lại vừa trực tiếp tham gia đội trống… Niềm hăng say khiến anh quên đi độ tuổi của mình. Anh chia sẻ: Tính đến nay đội lân của phường Trường Thi đã có tuổi đời 5 năm. Trong quãng thời gian đó, dù thành viên của đội có nhiều biến động nhưng tinh thần, sự nhiệt tình và niềm đam mê với một môn nghệ thuật cổ truyền thì chưa bao giờ thay đổi.
Đội múa lân của phường Trường Thi (TP.Vinh) tập luyện chuẩn bị cho Tết Trung thu năm 2015. |
Sau Bí thư đoàn phường, người gắn bó với đội múa lân hơn cả là em Hồ Viết Việt. Ba năm được trực tiếp múa chính, Việt có rất nhiều kỷ niệm với công việc thú vị này. Nhớ nhất là đợt cùng với một tổ chức từ thiện lên Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn để tổ chức Tết trung thu cho các em vùng cao. Chuyến đi vào giữa tháng 8 Âm lịch năm 2012, diễn ra đúng vào ngày mưa. Lên đến nơi, mới thấy thương các em vùng cao, bởi ở đây chưa bao giờ các em được hưởng đêm trung thu đúng nghĩa. Còn múa sư tử, múa lân thật sự là một điều lạ lẫm. Ban đầu, nhiều cậu bé, cô bé thấy chiếc đầu to, có ánh vàng, ánh đỏ lấp lánh còn sợ hãi... cứ đứng núp sau bóng mẹ. Thế mà, khi tiếng trống vừa cất lên, khi con sư tử từ sau khán đài bất ngờ lao ra oai hùng mạnh mẽ, khi chú tễu với gương mặt cười xuất hiện thì niềm vui như vỡ òa…
Các đội múa lân khác ở Thành phố Vinh được thành lập từ sau năm du lịch Nghệ An 2005. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn hoạt động, các đội đều tự giải tán. Phải đến 5 năm sau, đội múa lân phường Trường Thi, phường Cửa Nam, phường Hồng Sơn, phường Lê Mao, phường Hưng Bình mới từng bước khôi phục lại. Múa lân, trong quan điểm của dân gian là tượng trưng cho điềm lành và thường được tổ chức vào những dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán và những sự kiện quan trọng. Trước đây, đám múa lân thường có một người đội chiếc đầu lân bằng giấy và múa những điệu bộ của con vật này theo nhịp trống. Ðầu lân có một đuôi dài bằng vải màu do một người cầm phất phất theo nhịp múa của lân. Ngoài ra còn có thanh la, não bạt, đèn màu, cờ ngũ sắc, có người cầm côn đi hộ vệ đầu lân… Ðám múa lân đi trước, người lớn trẻ con theo sau…
Hoạt động của các đội múa lân trên địa bàn Thành phố Vinh cũng được tổ chức theo phong tục cũ, tuy nhiên được dàn dựng lại sinh động, trẻ trung hơn theo âm hưởng của của nhịp sống mới. Hoạt động chính của các đội múa lân lâu nay vẫn là biểu diễn vào các dịp Trung thu. Hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, các đội múa lân còn được các chương trình tổ chức sự kiện mời đi biểu diễn ở các chương trình khai trương, khởi công, đi biểu diễn trong đêm trung thu ở các cơ quan, đơn vị vừa có thêm thu nhập, vừa gây quỹ đoàn. Ngoài ra, nhiều đội còn tham gia múa lân để ủng hộ các chương trình từ thiện, phục vụ các chương trình vui tết trung thu ở cơ sở. Cũng từ những hoạt động này, phong trào múa lân trên địa bàn Thành phố Vinh ngày càng sôi động và nhiều màu sắc hơn. Hơn thế, còn góp phần gìn giữ một nét văn hóa cổ truyền tốt đẹp của dân tộc.
Bài, ảnh: Mỹ Hà