"Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi"
(Baonghean) - Sáu mươi tuổi nhưng cô giáo Choe Yeongja vẫn tình nguyện đến Việt Nam dạy học. Công việc đem đến cho cô những trải nghiệm, niềm vui và ở đây cô đã thực sự làm được nhiều điều ý nghĩa.
Cô giáo Choe Yeongja trong một tiết dạy tiếng Hàn cho sinh viên Việt Nam. |
Ở đất nước Hàn Quốc, phụ nữ lứa tuổi này đều chọn công việc nội trợ chăm sóc chồng con ở nhà.
Cô giáo Choe Yeongja hẳn cũng vậy bởi trước khi nghỉ hưu sang Việt Nam cô đã có hơn 30 năm gắn bó với công việc của một giáo viên dạy Văn cấp II ở Trường Trung học Seokjeon, Thành phố Ogewan, tỉnh Gyeong sangbuk-do. Nhưng bởi cái duyên Việt Nam đã chọn và cô cũng muốn mình có một trải nghiệm mới trên cương vị của một tình nguyện viên của tổ chức Koica - cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc.
Nói ra điều này cũng bởi Việt Nam chính là nơi mà từ năm 2008, chồng cô - Giáo sư Lee đã đăng ký tình nguyện đến công tác tại Đại học Thái Nguyên. Những chuyến nghỉ hè ngắn ngủi được theo chồng đến Việt Nam đã thực sự để lại cho cô nhiều ấn tượng đẹp về một đất nước gần gũi, thân thiện.
Trong thời gian chồng công tác ở nước ngoài, cô đã tình nguyện đăng ký dạy tiếng Hàn cho cô dâu Việt để lấy kinh nghiệm. Bên cạnh đó, cô còn thi lấy chứng chỉ giáo viên dạy tiếng Hàn, nộp hồ sơ và cạnh tranh với hàng trăm ứng cử viên khác để trúng tuyển vào chương trình tuyển dụng giáo viên tiếng Hàn của tổ chức Koica. Điều bất ngờ là cô lại được tổ chức phân công đến Việt Nam - mảnh đất mà cô thực sự thấy gắn bó...
Một buổi lên lớp của cô Choe. |
Kể về mối “duyên” này, cô giáo Choe tâm sự: “Tổ chức Koica có rất nhiều dự án ở khu vực châu Á và bản thân chúng tôi trước khi đăng ký chưa biết được mình sẽ được phân công về nước nào. Sau này, biết mình được cử đến Việt Nam tôi rất mừng và nghĩ rằng, có lẽ vì mình yêu quý Việt Nam nên chính đất nước các bạn đã chọn mình!”.
Về nhận nhiệm vụ tại Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, điều mà cô giáo Choe thấy may mắn nhất đó là môi trường làm việc ở Việt Nam và Hàn Quốc không khác nhau nhiều. Điều thú vị và khiến cô xúc động nhất chính là tình cảm của học trò đối với thầy, cô giáo.
Cô giáo Đào Thị Ánh Tuyết, người phiên dịch và cũng là người gần gũi với cô giáo Choe nhiều nhất trong thời gian qua cũng chia sẻ: “Dù tôi và cô giáo Choe đến từ hai đất nước khác nhau nhưng tôi cảm nhận cô không khác nào người mẹ, người chị của mình và chúng tôi có thể chia sẻ được tất cả, từ công việc, cuộc sống. Hơn thế, cô giáo Choe rất nghiêm khắc, chúng tôi học được ở cô thái độ làm việc cẩn trọng, trách nhiệm, đúng giờ và hết lòng với học sinh”.
Cô Choe trong trang phục áo dài truyền thống của Việt Nam. |
Cô giáo Choe cho biết: Bên cạnh công việc của một giáo viên thì điều mà cô cảm thấy hài lòng nhất đó là cùng với các bạn đồng nghiệp hoàn thành công trình Trung tâm Văn hóa giáo dục Việt Nam - Hàn Quốc.
Hai năm ở Việt Nam, giờ thì cô giáo Choe đã biết nói nhiều câu tiếng Việt...Những việc cô Choe đã, đang làm, những cố gắng và tình cảm của cô với văn hóa, với con người, với phong tục Việt Nam… cho thấy một tình yêu vô bờ bến. Tình yêu đó cho cô nghị lực, niềm tin để tiếp tục công việc tình nguyện hết sức ý nghĩa của mình.
Mỹ Hà
TIN LIÊN QUAN