Đắm say "địa đàng xanh"

19/07/2015 11:41

(Baonghean) - Nếu ví Vườn Quốc gia Pù Mát là “địa đàng xanh” ở miền Tây xứ Nghệ thì huyện Con Cuông được xem là “trái tim” của địa đàng ấy. Cảnh sắc hoang sơ, hùng vĩ; con người thân thiện, mến khách; nền văn hóa đa dạng, đặc sắc cùng nhiều dấu tích lịch sử hào hùng đã tạo nên nét duyên thầm, níu chân du khách một khi đã chạm vào “trái tim địa đàng”.

Lần giở nhiều tài liệu nhưng thật khó để biết ý nghĩa của danh xưng Con Cuông. Anh bạn người địa phương, làm công tác nghiên cứu văn hóa xứ Nghệ chỉ kể cho tôi một thuyết trong dân gian ngắn gọn thế này: Sông Lam đoạn chảy qua Con Cuông xưa có một khu đất, đàn công thường tụ tập về vào mỗi cuối chiều. Người dân gọi vùng đất ấy là Con Công, sau đọc chệch đi thành Con Cuông. Cách giải thích đó cũng chẳng thể xác định thực hư thế nào, nhưng nó cũng đủ tạo nên chất xúc tác cho hành trình hơn 100 km từ TP. Vinh lên với Con Cuông trở nên thú vị hơn.

Thác Khe Kèm. Ảnh: Sỹ Minh
Thác Khe Kèm. Ảnh: Sỹ Minh

Lọt thỏm giữa bao la núi rừng xanh thẳm và những dãy núi đá vôi sững sừng, Thị trấn Con Cuông như là một nét chấm phá sôi động hiếm hoi giữa những bản làng thanh bình được dệt nên từ những nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Xen lẫn giữa nét hoang sơ, kỳ thú đó, Con Cuông vẫn còn lưu giữ được những dấu tích lịch sử hào hùng, gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc. Cách Quốc lộ 7 không xa, trên núi Thành Nam, xã Chi Khê vẫn còn giữ tấm bia Ma Nhai kỷ công bi văn do Nguyễn Trung Ngạn soạn khắc vào vách núi ghi lại công lao nhà Trần dẹp giặc Ai Lao giữ yên bờ cõi nước nhà vào thế kỷ XIV. Theo anh Trần Mạnh Cường, cán bộ Thư viện tỉnh Nghệ An, người chuyên nghiên cứu về Hán Nôm cho biết: “Nội dung văn bia ngắn gọn, súc tích nhưng thể hiện được uy quyền, quyết tâm giữ gìn bờ cõi của ông cha ta. Đây là tấm bia Ma Nhai cổ nhất cho đến nay vẫn còn lưu giữ được ở nước ta”. Con Cuông còn là “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay” trong tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi ghi lại chiến thắng vang dội và có tính bước ngoặt của nghĩa quân Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh vào thế kỷ XV.

Nhưng Con Cuông đâu chỉ có những mốc son lịch sử lẫy lừng, đó còn là mảnh đất của những danh thắng kỳ vĩ giữa đại ngàn và những nét văn hóa bản địa đặc sắc. Theo hướng dẫn của anh Lê Thành Đô, Phó phòng Giáo dục môi trường và Du lịch sinh thái của Vườn Quốc gia Pù Mát, chúng tôi đến thăm thác Khe Kèm, cách Thị trấn Con Cuông khoảng 20 km. Ngày hè oi ả, giữa bốn bề núi rừng hoang vu, đắm mình dưới dòng nước mát lạnh từ dòng thác trắng xóa dội xuống từ độ cao hàng trăm mét mang lại cảm giác thư thái lạ kỳ. Anh Đô cho biết: “Từ lâu, thác khe Kèm trở thành điểm đến ưu thích cho nhiều người dân Con Cuông. Những năm gần đây, du khách gần xa cũng nghe tiếng và tìm về tận hưởng không khí mát lành, chiêm ngưỡng khung cảnh ngoạn mục của thác, nhất là vào những dịp hè”. Cách thác khe Kèm không xa là khu ẩm thực giản dị được dựng lên từ những vật liệu thiên nhiên nên rất ăn nhập với khung cảnh xung quanh. Điều ấn tượng mạnh với chúng tôi chính là cách làm du lịch hết sức bền vững nơi đây khi thực đơn không hề có các sản phẩm thú rừng mà là các món ăn dân dã của người dân địa phương như gà nướng, cá mát, cơm lam.

Hành trình của chúng tôi tiếp tục vào xã Môn Sơn khám phá đập Phà Lài và ngược dòng sông Giăng đến với tộc người ngủ ngồi Đan Lai. Chiếc xuồng máy nhỏ bé lao vun vút, hắt những ánh nước trắng xóa lên nền trời xanh biếc đưa chúng tôi lạc vào thế giới của những cánh rừng xanh tít tắp đến tận đường chân trời và dàn giao hưởng của các loài động vật. Có lẽ cũng chính tính chất hoang sơ, đa dạng đó nên tổ tiên của tộc người Đan Lai đã chọn nơi đây thành nơi cư ngụ trong hành trình trốn chạy sự truy đuổi của kẻ thù như câu chuyện về sự hình thành tộc người này con lưu lại. Những năm qua với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vượt qua những khác biệt và trở ngại, tộc người Đan Lai đã thực sự hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Con Cuông.

Hành trình khám phá Con Cuông của chúng tôi kết thúc tại bản Nưa, xã Yên Khê. Trong không gian của bản Thái thanh bình với những hàng chè tàu và những nếp nhà sàn cổ kính, chúng tôi được hòa mình vào nhịp sống của đồng bào Thái hiền lành, hiếu khách. Ngôi nhà sàn của gia đình chị Lô Thị Hoa nhiều năm nay trở thành điểm đón du khách về lưu trú theo hình thức du lịch cộng đồng. Chỉ với một số tiền rất phải chăng, chúng tôi được thưởng thức những món ăn truyền thống do chính bàn tay của chị chủ nhà nấu cực kỳ hấp dẫn. Sau đó, tiếp tục được hòa mình trong những lời ca, điệu nhạc truyền thống của đồng bào Thái. Chủ nhân của những tiết mục đặc sắc ấy là những thành viên của CLB Dân ca Thái bản Nưa. Bên chóe rượu cần, ánh lửa bập bùng, lời ca mộc mạc của những cô gái Thái xinh đẹp trong bộ váy áo truyền thống cuốn hút đến mê đắm. Cuộc sống ở đây trôi qua bình yên, cứ tưởng khổng thể lúc nào bình yên và ềm đềm hơn được nữa.

“Từ khi triển khai mô hình du lịch cộng đồng, bình quân mỗi năm, gia đình tôi đón tiếp khoảng 30 đoàn khách lưu trú, trong đó có cả khách nước ngoài và khách từ tận TP. Hồ Chí Minh, Bạc Liêu... Thu nhập tăng thêm từ làm du lịch giúp cuộc sống của gia đình ổn định hơn”, chị Lô Thị Hoa tay thoăn thoắt bên khung dệt thổ cẩm vui vẻ chia sẻ. “Sắp tới, tại bản Nưa, chúng tôi dự định mở các gian hàng trưng bày các sản phẩm thổ cẩm do chính tay chị em trong bản dệt nên, tạo thêm sản phẩm du lịch cho du khách”.

Tiếp câu chuyện với nhiều dự định của chị Hoa, anh Lê Thành Đô, Phó phòng Giáo dục môi trường và Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết: “Chương trình du lịch cộng đồng được Vườn Quốc gia Pù Mát kết hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch Nghệ An, UBND huyện Con Cuông và các xã liên quan thực hiện dưới sự bảo trợ của UNESCO. Thông qua chương trình, bản sắc văn hóa của đồng bào Thái tại Khu Dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An được giữ gìn và phát huy; đồng thời tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân trong thời gian nông nhàn, giảm áp lực của người dân vào tài nguyên rừng. Hướng đi này góp phần nâng cao mức sống của nhân dân sống trong vùng đệm, vừa phát huy, bảo vệ được giá trị của Vườn Quốc gia Pù Mát”.

Hành trình chạm vào “trái tim của địa đàng xanh Pù Mát” dẫu ngắn ngủ nhưng để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng, lưu luyến. Chắc chắn rồi một ngày gần nhất, chúng tôi sẽ còn trở lại để được đắm say với mảnh đất mà Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã phải thốt lên khi một lần đặt chân đến: "Núi chẳng cao, nước cũng chẳng sâu/ Tranh sơn thủy một màu ai khéo vẽ". Thật vậy, một khi đã đến Con Cuông, dù cho đôi chân có dẫn bạn lạc lối tới đâu, tin rằng vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của mảnh đất này sẽ dần hé mở cho bạn đi vào thế giới của một “địa đàng xanh” có thực.

Nhật Lệ