Mẹo bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh cực chuẩn
Việc mua thịt và thực phẩm tươi sống với số lượng lớn rồi trữ trong tủ lạnh có thể giúp bạn tiết kiệm tiền bạc, thời gian, cũng như đảm bảo rằng bất cứ lúc nào bạn cũng có thể nấu ăn chữa cháy.
Tuy nhiên, mặt trái của tủ lạnh là nếu như bạn bảo quản không đúng cách, bạn vẫn cứ vứt tiền qua cửa sổ như thường. Dưới đây là những tuyệt chiêu để bảo quản thực phẩm, thịt, rau củ quả, pho mát hiệu quả nhất:
1. Không bảo quản thịt trong ngăn đá quá 6 tháng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bạn cần ăn hết tất cả các loại thịt và pho mát trữ đông trong vòng 6 tháng kể từ ngày bỏ vào tủ lạnh. Ngoài ra, bí quyết để bảo quản thực phẩm được lâu là cần phải bỏ chúng vào ngăn đá ngay khi mua về.
Nếu thực phẩm không được trữ đông đúng cách, oxy và độ ẩm sẽ xâm nhập và khiến cho thực phẩm mất ngon. Dù ăn vào không nguy hiểm cho cơ thể nhưng thịt bị mất hương vị, màu sắc cũng nhạt nhẽo, không còn hồng hào đẹp mắt sau khi nấu. Để phòng tránh hiện tượng này, hãy đầu tư một dàn túi cấp đông hoặc hộp nhựa bảo quản tiêu chuẩn, chia các thực phẩm mua về thành những phần vừa ăn rồi cho chúng vào túi/hộp để tránh không cho độ ẩm, không khí tiếp xúc.
2. Không trữ đông cả tảng lớn
Nhiều người hay mắc bệnh lười, luôn tống tất cả những thực phẩm cần phải trữ đông vào trong một túi rồi bỏ vào ngăn đá. Tuy nhiên, thói quen này rất tai hại vì khi bạn muốn lấy một loại thức ăn cụ thể ra, bạn sẽ không có cách nào tách chúng ra khỏi đống thực phẩm đã đông cứng lại. Do đó, lời khuyên đưa ra là luôn phải chia tách các loại thực phẩm ngay từ khi mới mua về, trữ đông chúng một cách riêng rẽ.
3. Bỏ ngay tấm nhựa xốp lót dưới thực phẩm
Khay nhựa xốp mà các siêu thị thường dùng để đựng thực phẩm tươi sống thực ra không có công dụng gì mà trái lại, còn có thể khiến cho thực phẩm bị suy giảm chất lượng. Tệ hơn nữa, nhựa xốp có thể dính cả vào thịt nếu như bạn trữ đông sai cách. Do đó, thay vì cất nguyên khay thịt vừa mua từ siêu thị vào ngăn đá, bạn hãy lấy miếng thịt ra khỏi khay, sau đó bỏ nó vào túi/hộp trữ đông.
4. Tách rời các miếng thịt
Muốn bảo quản thịt đúng cách, hãy dùng giấy/nylon trữ đông bọc xung quanh từng miếng thịt mua về, sau đó cho tất cả vào túi ziplock. Điều tối quan trọng khi trữ đông bất cứ thứ gì là làm sao tống được nhiều không khí ra khỏi túi nhất có thể. Cách dễ nhất là dán kín túi xung quanh một ống hút nhựa, hút không khí ra khỏi túi thông qua ống hút này, sau đó nhanh chóng bịt kín túi lại. Bạn cũng có thể thêm nước sốt vào trong túi để thịt thẩm thấu hương vị ngay trong lúc trữ đông.
5. Cách bảo quản nông sản
Hầu hết các loại rau đều trữ đông được rất lâu. Những lựa chọn như đậu hà lan, đậu, ngô có thể đựng trực tiếp trong túi hoặc hộp trữ đông và lấy ra bất cứ khi nào bạn cần nấu. Tuy nhiên, một số nông sản lại không thể ăn sống được nữa sau khi bảo quản ngăn đá, thí dụ như cà chua chẳng hạn. Sau khi lấy cà chua khỏi ngăn đá, bạn chỉ nên dùng chúng để nấu súp, nướng hoặc hầm mà thôi.
6. Trữ đông khi tươi nhất
Bạn cần bảo quản hoa quả và rau củ khi chúng đang ở độ tươi nhất. Nếu như cần rửa, hãy rửa sạch rau củ quả trước khi cất chúng vào ngân đá. Cách hay nhất là rửa chúng, sau đó ngâm trong nước đá, để khô hoàn toàn rồi mới cho vào túi/hộp trữ đông. Gần như tất cả các loại rau đều cần phải rửa trước khi bảo quản, ngoại trừ ngô, cà chua, hành tây, khoai tây và quả bí.
7. Cách bảo quản cherry, dâu và một số loại quả
Khi mua cam, chanh, chanh dây tại siêu thị/cửa hàng, hãy bổ hoặc vắt nước chúng ngay và luôn. Bạn có thể bọc những múi cam/chanh đã cắt vào nylong hoặc đông đá nước vắt bằng khay đá. Bằng cách này, bạn sẽ không bao giờ bị thiếu nước cốt cam/chanh khi nấu ăn.
Tương tự, nếu như có quá nhiều chuối, hãy bóc vỏ chúng rồi bọc từng quả chuối bằng nylon kín, sau đó bỏ chúng vào túi trữ đông. Số chuối này sau đó bạn có thể dùng để nướng, làm sữa chua hoặc sinh tố.
Dâu/cherry là một trong những loại quả trữ đông tuyệt vời nhất vì chúng có thể bảo quản trọn vẹn hình dáng, hương vị theo thời gian. Bạn có thể mua dâu/cherry vào mùa hè rồi thưởng thức chúng quanh năm. Tất cả những gì cần làm chỉ là rửa sạch rồi cho chúng vào túi chân không. Thật đơn giản phải không? Nếu như bạn không muốn các quả dâu dính lại với nhau thì trước hết hãy đóng đá chúng trên một khay nướng bánh để chúng tách rời nhau đã. Lúc này hãy bỏ chúng vào túi ziplock để cất đi.
8. Bảo quản pho mát
Pho mát rất đắt, do đó việc bảo quản phải rất cẩn thận. Hãy cắt pho mát thành những phần nhỏ vừa ăn, sau đó bọc chặt chúng bằng nylon rồi cho vào túi chân không. Bạn cũng có thể thái lát, xắt sợi pho mát rồi cho chúng vào túi ziploc để sau này sử dụng. Trong trường hợp bạn xắt lát pho mát, hãy đảm bảo từng lát tách rời nhau bằng cách nhét một tờ giấy nến giữa các lát.
9. Bảo quản các loại rau thơm
Cách tốt nhất để bảo quản rau thơm và gia vị thảo mộc là khay đá. Bạn có thể cho lá rosemary, oregano vào mỗi ô riêng trong khay đá, sau đó đổ nước/dầu olive lên. Trong tương lai, khi cần dùng đến gia vị thảo mộc, bạn chỉ việc lấy từng viên ra và bỏ vào nấu theo đúng công thức.
10. Bảo quản đồ nướng
Khi bạn làm bánh pancake, muffin, bánh quy, sandwich ăn sáng hay các loại bánh nướng khác, bạn chỉ việc bọc chúng lại bằng nylon, sau đó cho vào túi chân không rồi để vào tủ lạnh. Vậy là bạn đã có bữa sáng/tối hoặc tráng miệng vào phút chót sau khi quay lò vi sóng rồi đấy. Bạn thậm chí còn có thể trữ đông cả mỳ ý đã nấu hoặc cơm để tiết kiệm thời gian nấu nướng trong tuần.
Theo VietNamnet