Luật Báo chí cần quy định cụ thể trách nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí
Phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/9 cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến Luật Báo chí và Luật Báo chí sửa đổi. Nhiều đại biểu cho rằng Luật nên bổ sung một số quy định rõ ràng hơn với trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan báo chí.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, hoạt động báo chí thời gian qua bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại như: cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thông tin sai sự thật có chiều hướng ngày càng tăng; xu hướng “thương mại hoá” chậm được khắc phục; thông tin vi phạm thuần phong mỹ tục vẫn diễn ra. Nhiều thông tin trên báo chí thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; nhiều nội dung tin bài giật gân, câu khách; tính trung thực của báo chí bị giảm sút.
Thực tế cũng cho thấy, quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí, các hành vi bị cấm, cung cấp thông tin cho báo chí, vai trò quản lý nhà nước, vai trò của cơ quan chủ quản báo chí... chưa điều chỉnh kịp thời những nảy sinh trong thực tiễn hoạt động báo chí, chưa phát huy được hiệu lực và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về báo chí giai đoạn hiện nay; quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí nhưng cơ chế đảm bảo quyền này chưa cụ thể. Thực tiễn hoạt động báo chí, nhiều vấn đề đã vượt ra ngoài các quy định của pháp luật như: cơ quan báo chí thực hiện nhiều loại hình, vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí, vấn đề kinh tế báo chí, tên gọi và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí.... Hơn nữa, các quy phạm về báo chí được quy định trong nhiều văn bản, phân tán, chồng chéo cần được pháp điển hóa đưa vào luật để nâng cao tính pháp lý và thuận lợi cho việc triển khai thực hiện.
Đời sống báo chí đã có nhiều thay đổi (Ảnh minh họa) |
Chính vì những hạn chế trên, việc sửa đổi Luật Báo chí là cần thiết. Dự thảo Luật Báo chí mới bao gồm 60 điều, trong đó 31 điều mới và 29 điều sửa đổi.
Ý kiến về tớ trình Dự thảo Luật Báo chí của Bộ Thông tin Truyền thông, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đối với mô hình quản lý các cơ quan báo chí, phải làm rõ mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản với TBT các cơ quan báo chí.
Góp ý vào Báo cáo Luật báo chí sửa đổi, Bà Trương Thị Mai- Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho biết bà đánh giá cao về tờ trình. Đặc biệt, tại trang 3 đã đánh giá thẳng thắn về các vấn đề nổi lên của báo chí hiện nay. Nhưng theo ý kiến bà Mai, nếu chỉ nêu các mặt này không cũng không công bằng, trong tờ trình cần nêu các mặt tích cực đóng góp của báo chí trong sự phát triển của xã hội.
Bà Mai đưa ra ý kiến, nhà báo phải chịu trách nhiệm cao nhất trước tòa báo và cơ quan chủ quản.Cần phải quy định trách nhiệm cao nhất thuộc về Tổng biên tập, người đứng đầu cơ quan báo chí vì họ là người duyệt, quyết định đăng tải trên báo chí.
Các đại biểu tham dự đều nhất trí cao với việc cần phải sửa đổi Luật Báo chí. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo ị Luật cần quy định rõ ràng hơn về quyền hạn, nghĩa vụ…của các chức danh lãnh đạo cơ quan báo chí.
Bà Tòng Thị Phóng – Phó Chủ tịch Quốc hội – là người điều hành buổi họp đưa ra kết luận: Luật Báo chí là một Luật quan trọng được Quốc hội quyết định thông qua trong 2 kỳ họp. Bà Phóng đánh giá cao nỗ lực của ban soạn thảo đã rất thận trọng lắng nghe các đánh giá khi biên soạn dự thảo Luật Báo chí. Tại buổi họp hôm nay cho thấy các đại biểu đều thống nhất việc sửa đổi Luật báo chí là cần thiết để góp phần tạo ra một nền báo chí lành mạnh, phát huy vai trò của báo chí, của các nhà báo trong việc đóng góp vào việc tạo nên một xã hội an vui.
Tuy nhiên, Bà Phóng cho rằng còn một số điều trong dự thảo Luật còn chung chung, chưa cụ thể. Luật cần quy định rõ hơn nữa về các đối tượng được thành lập cơ quan báo chí, trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan báo chí./.
Theo Infonet