Giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng

20/10/2015 14:57

(Baonghean) - Cảm hóa, giáo dục đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng dân cư là một việc làm đậm tính nhân văn, thời gian qua đã được các cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng cụ thể hóa bằng những chương trình, mô hình mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, quá trình giúp đỡ người lầm lỗi hướng thiện, hòa nhập cộng đồng là một hành trình rất gian nan....

Những mô hình thiết thực

Là địa bàn khá phức tạp với 96 người chấp hành xong hình phạt tù về địa phương sinh sống, phường Quang Tiến (Thị xã Thái Hòa) được chọn làm điểm để xây dựng mô hình “xóa bỏ mặc cảm, làm nở nụ cười, giúp người lầm lỗi” tại cộng đồng dân cư. Đảng ủy phường Quang Tiến đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về mô hình này và triển khai, giao nhiệm vụ tới tận các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị. Ngoài phối hợp với gia đình tiếp cận, động viên, giúp đỡ người lầm lỗi xóa bỏ mặc cảm, các tổ chức đoàn thể còn chủ động tư vấn, định hướng, tạo việc làm, hướng dẫn tiếp cận các nguồn vốn vay từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng khi họ có nhu cầu.

Nhiều người đã sử dụng nguồn vốn vay ban đầu đó để phát triển kinh tế vươn lên khấm khá, như anh Nguyễn Văn Thủy ở khối Trung Nghĩa vay 50 triệu đồng làm mô hình “Bưởi hồng Quang Tiến”, mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng; chị Lê Thị Yến, khối Tây Hồ vay 65 triệu đồng mở đại lý kinh doanh gas hóa lỏng thu nhập 120 triệu đồng/năm...

Cán bộ Đoàn xã Yên Tĩnh (Tương Dương) trò chuyện với người lầm lỗi.
Cán bộ Đoàn xã Yên Tĩnh (Tương Dương) trò chuyện với người lầm lỗi.

Ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Tiến cho hay: Người lầm lỡ, nhất là những người chấp hành xong án phạt tù, thường có tâm lý co cụm, mặc cảm. Có những người vào tù khi còn là thanh niên đến khi chấp hành xong án phạt thì tóc đã hoa râm, bỡ ngỡ, xa lạ với môi trường sống... Vì vậy, điều quan trọng nhất trong cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng là tiếp cho họ niềm tin và nghị lực sống. Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, trong 96 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương, phường Quang Tiến đã có 57 người tiến bộ, chỉ có 3 người tái phạm, 36 người đang được giáo dục, giúp đỡ.

Từ hiệu quả ở phường Quang Tiến, mô hình “xóa bỏ mặc cảm, làm nở nụ cười, giúp người lầm lỗi” được nhân rộng trên các địa bàn của Thị xã Thái Hòa. Dựa vào kết quả rà soát, lập danh sách người chấp hành xong án phạt tù từ năm 2008 đến nay, Công an thị xã đã tham mưu cho Ban chỉ đạo mô hình ban hành quyết định phân công trách nhiệm phối hợp với chính quyền các phường, xã trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi. Nhờ vậy, nhiều người sau khi chấp hành xong án phạt tù đã được tạo điều kiện nhận vào làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp nên đã có cuộc sống, thu nhập ổn định.

Điển hình như anh Cáp Xuân Quang ở xã Tây Hiếu phạm tội đánh bạc, sau khi chấp hành xong án phạt đã được BGH Trường THPT Tây Hiếu nhận vào làm bảo vệ trường; anh Hồ Ngọc Điền, Hoàng Quang Vinh là những người có quá khứ lầm lỗi, sau khi về địa phương đã được Nông trường Tây Hiếu 1 nhận vào làm công nhân, giao 2 ha đất trồng cao su... Đến nay, trên địa bàn thị xã có 342/427 người chấp hành xong án phạt tù về địa phương có việc làm, 60 trường hợp được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách. Anh Lê Xuân Hoài ở xóm 4, xã Nghĩa Tiến (Thị xã Thái Hòa) một trong những đối tượng được giúp đỡ chia sẻ: “Những ngày đầu mới thực hiện án phạt về tôi cảm thấy lạc lõng, bạn bè cùng trang lứa ai cũng có gia đình và hạnh phúc riêng... May mắn trong thời gian đó tôi đã nhận được nhiều sự giúp đỡ, động viên từ gia đình và cộng đồng, giờ tôi thực sự cảm thấy thoải mái trong giao tiếp và luôn nghĩ chỉ có làm nhiều việc tốt thì mới hòa nhập được với cộng đồng”.

Một trong những mô hình thiết thực khác là chương trình “phối hợp giáo dục phạm nhân, trại viên trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng” giữa Hội LHTN tỉnh và các Trại giam số 3, số 6 (Tổng cục VIII - Bộ Công an). Thông qua việc tổ chức các hoạt động giao lưu “Thắp sáng ước mơ vì ngày mai tươi sáng”, Ban Thư ký Hội LHTN tỉnh phối hợp với Ban giám thị các trại giam lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các phạm nhân; chỉ đạo CLB thầy thuốc trẻ tham gia tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc, xây dựng tủ sách thanh niên với hơn 100 đầu sách tham khảo... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phạm nhân, khơi dậy niềm tin cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình, cộng đồng.

Anh Phan Trọng Lộc - Phó Chủ tịch Hội LHTN kiêm Trưởng Ban đoàn kết tập hợp thanh niên (Tỉnh đoàn) cho biết: Hội LHTN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các đơn vị duy trì hoạt động của các mô hình “Bạn giúp bạn”, Đội thanh niên tình nguyện (TNTN) “Thắp sáng niềm tin”... động viên các thanh niên từng có quá khứ lầm lỡ tham gia sinh hoạt các hoạt động của tổ chức hội. Đến nay, các cấp bộ hội trong toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 200 đội TNTN “Thắp sáng niềm tin” với sự tham gia của hơn 100 thanh niên hoàn lương, thanh niên mãn hạn tù ở các địa phương vào các mô hình, đội tình nguyện... đóng góp tích cực vào công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tệ nạn xã hội tại địa phương.

Nhiều thanh niên sau khi chấp hành xong án phạt tù đã được các tổ chức đoàn, hội trên địa bàn quan tâm, giúp đỡ kịp thời. Như trường hợp gia đình anh Lương Văn Năm (SN 1982), tại bản Cành Toong, xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương. Trước đây, anh Năm làm công an viên ở xã nhưng bị bạn bè xấu rủ rê sa chân vào ma túy. Ra tù mới đầu anh cũng mặc cảm nhưng được sự động viên, chia sẻ của BCH đoàn xã, anh Năm đã hòa nhập cộng đồng, ổn định làm ăn. “Không chỉ đưa vào tham gia sinh hoạt các phong trào, hoạt động đoàn hội, tôi còn được tạo điều kiện vay vốn 30 triệu đồng để phát triển kinh tế. Giờ gia tài của tôi có 500 gốc xoan, 1 con trâu, 2 con bò... Tôi vui lắm, không nói hết lời cảm ơn” - anh Năm chia sẻ.

Nhờ sự giúp đỡ của Đoàn Thanh niên xã Yên Tĩnh, anh Lương Văn Năm  ở bản Cành Toong được vay vốn mua trâu phát triển kinh tế.
Nhờ sự giúp đỡ của Đoàn Thanh niên xã Yên Tĩnh, anh Lương Văn Năm ở bản Cành Toong được vay vốn mua trâu phát triển kinh tế.

Tính đến tháng 3/2015, trong hệ thống MTTQ và các đoàn thể tỉnh có 346 mô hình phòng ngừa, ngăn chặn TNXH và vận động người dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc được củng cố xây dựng, trong đó có 250 mô hình phát huy hiệu quả. Ở cấp cơ sở có 4.993 mô hình tiêu biểu như mô hình “xã sạch ma túy” ở Hưng Thông (Hưng Nguyên), mô hình “CLB lá chắn” ở Tân Sơn (Đô Lương)...

Ở các địa bàn vùng biên giới, ngoài việc phối hợp với già làng, trưởng bản, người có uy tín trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đưa những người vi phạm pháp luật ra kiểm điểm trước cộng đồng dân cư... “Để cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, ngay sau khi họ trở về địa phương, lực lượng biên phòng đã cử cán bộ là người đồng bào dân tộc, thông thạo ngôn ngữ địa phương, hiểu tâm lý, phong tục, tập quán để tiếp cận, chia sẻ, động viên đối tượng” - Trung uý Xeo Văn Thắng, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Keng Đu (BĐBP Nghệ An) chia sẻ.

Nỗ lực tìm về nẻo thiện

Trong số những người lầm lỡ, có khá nhiều người khi trở về đã tham gia tốt các hoạt động xã hội ở cộng đồng dân cư, tạo dựng được niềm tin với cấp ủy, chính quyền và được nhân dân tín nhiệm bầu làm khối trưởng, khối phó, chi hội trưởng hội CCB, dân quân tự vệ... Chính những người đó đã giúp đỡ những người lầm lỡ như mình trước đó tìm về nẻo thiện. Ông Nguyễn Đình Khang (hiện là Ủy viên Ủy ban MTTQ Thị xã Cửa Lò, Ủy viên BCH Hội Nông dân phường Nghi Thủy) là một trong những ví dụ điển hình.

Sau hơn 3 năm thụ án tại Trại giam số 6 (Bộ Công an) do vi phạm pháp luật. Với ý chí và quyết tâm làm lại cuộc đời, ông đã gây dựng nên doanh nghiệp Long Vân chuyên sản xuất vôi sơn chất lượng cao, bình quân trên 1.000 tấn/năm cung cấp cho hơn 100 đại lý từ Quảng Bình ra Ninh Bình. Hiện cơ sở sản xuất của vợ chồng ông tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên, trong đó có 3 người từng bị án phạt tù hoặc từng có quá khứ lầm lỗi với mức lương bình quân đạt trên 4 triệu đồng. Điều đáng khâm phục là ông còn vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Hay trường hợp anh Lô Văn Chung ở bản Hữa Văn, xã Châu Kim (Quế Phong) từ một người nghiện nặng đã cai nghiện thành công, trở thành bí thư chi bộ được đảng viên và người dân trong bản, trong xã tín nhiệm.

1
Ông Nguyễn Đình Khang, phường Nghi Thủy (Cửa Lò) đã vươn lên thành điển hình kinh tế giỏi tạo việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít trường hợp không đủ nghị lực làm lại cuộc đời, nhất là các đối tượng nghiện ma túy. Chủ tịch MTTQ xã Diễn Kỷ, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Trong khoảng chục đối tượng nghiện thì chỉ có 2 đối tượng cai thành công, còn lại cứ sau đợt cai mới thì lại tái nghiện ngay sau đó vài tháng, thậm chí vài tuần. Hay như Huyện đoàn Con Cuông từng được Tỉnh đoàn biểu dương vì có thành tích xuất sắc trong việc triển khai mô hình “Nhóm bạn giúp bạn” với việc hỗ trợ Nguyễn Văn Hiếu - một đối tượng nghiện hút nặng cai nghiện. Thế nhưng sau 2 năm, không hiểu sao Hiếu lại bỏ đi khỏi địa bàn, gia đình cũng không biết anh đi đâu chỉ biết là Hiếu đã bị cơn ma men trắng dụ dỗ.

Hàng năm, theo chương trình ký kết, Trại giam số 3, số 6 (Tổng cục VIII - Bộ Công an) đều gửi danh sách các phạm nhân ở độ tuổi thanh niên mãn hạn tù ở các địa phương trên địa bàn tỉnh về cho Tỉnh đoàn, Hội LHTN tỉnh giao trách nhiệm cho các cấp bộ Đoàn - Hội phối hợp giúp đỡ. Thế nhưng, theo anh Phan Trọng Lộc, Phó Chủ tịch Hội LHTN tỉnh, con số thành công chỉ “đếm được trên đầu ngón tay” vì việc tiếp cận các đối tượng này là rất khó, không ít người còn chửi mắng, đòi đánh cả những người đang muốn giúp đỡ họ....

Bên cạnh đó, ở một số địa bàn vẫn còn xảy ra tình trạng kỳ thị, xa lánh của cộng đồng đối với người lầm lỗi, cấp ủy, chính quyền các tổ chức đoàn thể thiếu quan tâm đến công tác giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi; nhiều doanh nghiêp từ chối, né tránh việc tạo điều kiện về việc làm cho người lầm lỗi khiến hành trình “ tìm về nẻo thiện” của họ trở nên khó khăn hơn rất nhiều...

Bởi vậy, theo ông Hồ Hồng Tuyến, Trưởng ban phong trào (MTTQ tỉnh) thì ngoài “điểm tựa” là sự quan tâm, dang tay giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và cộng đồng, mấu chốt vẫn nằm ở chính nghị lực và quyết tâm của bản thân người lầm lỗi. Họ phải tự vượt qua cám dỗ, vượt qua cả những mặc cảm và vượt lên chính mình để đứng lên làm lại cuộc đời, gây dựng niềm tin với cộng đồng...

Khánh Ly- Thanh Nga

TIN LIÊN QUAN