Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp

02/11/2015 09:40

(Baonghean) - Nhằm tháo gỡ các nút thắt đối với sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp (NN), một trong những lĩnh vực quan trọng, nền tảng của nền kinh tế hiện nay, cần phải tái cơ cấu ngành NN theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Báo Nghệ An trân trọng giới thiệu tóm lược phát biểu của GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vấn đề này.

Trong quãng thời gian 20 năm qua, sản xuất NN Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, nhiều sản phẩm như gạo, tiêu, điều, cà phê, cao su, chè, cá, tôm tăng nhanh, trong đó có 8 loại nông phẩm xuất khẩu đứng vào tốp 5 nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì nhiều yếu kém, bất cập, tồn tại kéo dài. Một là, hiện tượng được mùa rớt giá năm nào cũng xảy ra.

Dây chuyền sản xuất ở Xí nghiệp chế biến chè Hùng Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Công Sáng
Dây chuyền sản xuất ở Xí nghiệp chế biến chè Hùng Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Công Sáng.

Hai là, thiếu vốn là hiện tượng thường xuyên với hầu hết các hộ nông dân, mặc dù đã có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ba là, thu nhập của nông dân thấp hơn đáng kể so với lao động trong công nghiệp và dịch vụ. NN chiếm khoảng 47% lao động, đóng góp 19% vào tổng sản phẩm nội địa tức là năng suất lao động hay thu nhập bình quân của một nông dân chưa bằng 1/3 của người lao động trong công nghiệp và dịch vụ. Bốn là, xuất khẩu nông sản không ổn định về giá cả và lượng, bị động trong tiêu thụ.

Để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu NN, cần làm rõ nguyên nhân của 4 bất cập kéo dài nói trên.

6 mâu thuẫn trong nền NN

Có nhiều nguyên nhân của 4 bất cập kéo dài nói trên. Song, có một lý do cơ bản nhất là sự không tương thích của quan hệ sản xuất và tổ chức sản xuất của nông nghiệp với điều kiện kinh tế thị trường hiện nay và hội nhập quốc tế. Đa số hộ nông dân của nước ta, những đơn vị sản xuất cơ bản trong NN, rất nhỏ về tiềm lực kinh tế, sản xuất đơn lẻ và không tương thích với kinh tế thị trường và hội nhập. Hiện nay, ở Việt Nam đang tồn tại 6 mâu thuẫn trong vấn đề này. Một là, sản xuất trong cơ chế thị trường song lại không biết nhu cầu thị trường.

Chúng ta đòi hỏi nông dân phải sản xuất theo nhu cầu thị trường, nhưng thực tế gần 10 triệu hộ nông dân này không thể biết nhu cầu thị trường là gì, là bao nhiêu, ở đâu. Chỉ có HTX và các DN có bộ phận chuyên trách được đào tạo về phân tích thị trường và sử dụng thông tin thị trường do các cơ quan nhà nước cung cấp thì mới biết nhu cầu thị trường là thế nào. Hai là, hộ nông dân cần vay vốn song không đủ điều kiện vay vốn. Một hộ nông dân với 2 lao động, đất canh tác không quá 1 ha, không có tài sản thế chấp, không có tư cách pháp nhân, không thể là đối tác thực sự của các ngân hàng để được vay theo chính sách ưu đãi của Nhà nước.

Ngân hàng không thể cho 10 triệu hộ nông dân riêng lẻ như vậy vay mà tin rằng có thể thu hồi vốn ở hầu hết các trường hợp. Chỉ khi các hộ liên kết lại thành HTX thì HTX hướng dẫn cho xã viên sản xuất theo kế hoạch, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng HTX đã ký kết, giám sát, giúp nhau áp dụng giống và kỹ thuật mới, thì các ngân hàng mới có thể cho họ vay thông qua sự đảm bảo bằng các kế hoạch SX - KD của HTX. Hiện nay, việc cho hộ ngư dân vay để đóng tàu mới đã yêu cầu hộ ngư dân phải là thành viên của HTX hoặc tổ sản xuất ngư dân trên biển.

Ba là, năng suất tăng liên tục song thu nhập tăng rất chậm. Mặc dù năng suất cây, con có thể không ngừng tăng, song thu nhập của các hộ nông dân không tăng bao nhiêu. Chỉ có HTX với sức mua gấp hàng chục, hàng trăm lần một hộ mới có sức mạnh kinh tế để lựa chọn DN bán đầu vào và mua đầu ra, đàm phán về giá cả. Bốn là, người nông dân phải liên kết với DN, song các DN không thể liên kết trực tiếp với hàng vạn hộ nông dân riêng lẻ. Năm là, thị trường đòi hỏi sản phẩm NN phải có chứng nhận chất lượng sản phẩm và xuất xứ hàng hóa. Chỉ có HTX với tư cách pháp nhân mới là đối tác của các tổ chức kiểm tra và chứng nhận về chất lượng sản phẩm, chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Và cuối cùng, người nông dân cần ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, và chỉ có HTX với các hộ cùng trồng 1 loại cây, nuôi 1 loại con, với một số cán bộ kỹ thuật của chính mình, mới là các đối tác của các nhà khoa học để có thể chuyển giao giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới có hiệu quả.

Tóm lại, chừng nào mà nền sản xuất NN nước ta còn chủ yếu vẫn là các hộ riêng lẻ, không liên kết với nhau, thì 10 triệu hộ nông dân vẫn mãi là 10 triệu hộ yếu thế và các yêu cầu rất hợp lý về sản xuất NN, các chính sách về tín dụng, đào tạo, liên kết với các nhà khoa học sẽ rất khó thực thi, sáu mâu thuẫn nói trên tiếp tục tồn tại. Giải pháp cơ bản cho các mâu thuẫn này chính là thành lập các HTX kiểu mới, theo Luật HTX năm 2012 và các HTX kiểu mới do nông dân sáng tạo đã ra đời trước năm 2012.

Xây dựng các HTX kiểu mới là khâu đột phá

Với Luật HTX năm 2012 và các HTX kiểu mới - kết quả sáng tạo của một bộ phận nông dân, chúng ta đang có cơ hội chuyển giai đoạn phát triển của NN nước nhà ngay khi bước vào hình thành Cộng đồng ASEAN và hội nhập quốc tế về kinh tế với quy mô chưa từng có khi chúng ta tham gia các Hiệp định thương mại tự do với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với Cộng đồng châu Âu, Liên minh Á - Âu và với các nước khác. Với Luật HTX năm 2012, nhận thức của chúng ta về HTX nói chung và HTX NN nói riêng đã thay đổi căn bản, không còn trái mà đã phù hợp với quy luật phát triển HTX của thế giới 150 năm qua.

Trồng nấm ở Yên Thành
Trồng nấm ở huyện Yên Thành.

Các HTX NN, thông qua việc mua các yếu tố đầu vào với số lượng lớn, khả năng đàm phán cao hơn các hộ cá thể, có thể cung cấp giống, phân bón, hóa chất, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, máy móc rẻ hơn cho các hộ xã viên. HTX cũng có thể hình thành bộ phận sửa chữa máy móc NN, xây dựng nhà kho, bảo quản nông sản đáp ứng nhu cầu của các hộ xã viên. Nguyên tắc chung là cái gì HTX làm có lợi hơn là xã viên tự làm, hoặc cái gì xã viên không thể làm được thì HTX làm, qua đó làm cho sản xuất của các hộ xã viên hiệu quả cao hơn.

Luật HTX năm 2012 cho thấy, các HTX theo luật này là các HTX kiểu mới, hoàn toàn khác các HTX cũ. Thực tế thành lập và vận hành các HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 ở nhiều địa phương đã chứng minh các HTX này tuy chỉ có vài chục xã viên, song đã thực sự giúp các hộ xã viên SX - KD hiệu quả hơn hẳn, đặc biệt là quy hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Quá trình tái cơ cấu NN hướng tới sản xuất quy mô lớn đòi hỏi chủ thể quan trọng nhất phải là các HTX. Chuyển từ sản xuất hộ cá thể, đơn lẻ là chủ yếu sang sản xuất liên kết qua HTX, liên kết với DN qua HTX. Chủ thể để tiếp nhận của các chính sách của Nhà nước về quản lý sử dụng đất, về vốn, về đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, chủ thể để thực hiện liên kết nông dân với DN và các nhà khoa học phải là HTX. Chủ thể để cơ khí hóa sản xuất, thủy lợi hóa, hiện đại hóa sản xuất DN một cách hiệu quả cao phải là HTX và các DN, chứ không phải là các hộ nông dân với chỉ 2 lao động và đất canh tác dưới 1 ha.

Cần cấp đủ vốn cho sản xuất

Chính vì vậy, một số việc cần triển khai sớm trong thời gian tới bao gồm: cần đưa nội dung chuyển đổi, thành lập và phát huy các HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới. Đồng thời, các địa phương cần có kế hoạch và phân công trách nhiệm thực hiện của cấp tỉnh, huyện và xã, tổ chức tập huấn Luật HTX 2012 và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật HTX của Chính phủ, các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020... Bên cạnh đó, các bộ, ngành và Liên minh HTX Việt Nam cần làm rõ: cơ quan nào ở cấp quốc gia có nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu thị trường để cung cấp các thông tin thị trường phù hợp cho các địa phương, các HTX và các DN nông nghiệp.

Về phía ngân hàng, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại cần triển khai quyết liệt việc cho các HTX kiểu mới vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ để tạo điều kiện cho các HTX kiểu mới tăng tốc phát triển trong 2 - 3 năm tới. Ngoài ra, cần có sự vận động, hỗ trợ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên như Liên minh HTX Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và chính quyền các cấp. Cần có chương trình hiệp thương và phối hợp giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và chính quyền các cấp trong xây dựng chỉ tiêu vận động thành lập các HTX ở mỗi xã, huyện để việc vận động đạt tiến độ nhanh và kết quả cao nhất.

Với Luật HTX năm 2012 và các kết quả, tấm gương HTX kiểu mới ở nhiều địa phương, nếu chúng ta đẩy mạnh việc hình thành và triển khai các HTX kiểu mới thì đây là yếu tố nền tảng quan trọng nhất, là khâu đột phá để tái cơ cấu NN, nâng cao sức cạnh tranh của NN Việt Nam và nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2030.

Sông Hồng

(*) Đầu đề do Báo Nghệ An đặt.

TIN LIÊN QUAN