Mở cửa thị trường với EU: Doanh nghiệp Việt Nam phải làm gì?

05/08/2015 21:14

Doanh nghiệp cần chủ động nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và mở rộng xuất khẩu khi Việt Nam mở cửa thị trường với EU.

Từ những lợi thế của Hiệp định EVFTA, trong đó cơ bản lớn nhất là việc mở cửa hầu hết thị trường, xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% dòng thuế… cũng chính là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Khi đó, để cạnh tranh được với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU, Bộ Công Thương xác định tiếp tục triển khai giới thiệu, làm rõ những mặt thuận lợi cũng như những khó khăn để doanh nghiệp trong nước tập trung ứng phó.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương - Vũ Huy Hoàng, để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương làm cơ quan đầu mối. Bộ Công Thương sẽ chủ trì hợp tác giữa các Bộ, ngành, cơ quan Việt Nam và nước ngoài (trong đó có Liên minh châu Âu) tuyên truyền, giới thiệu, triển khai biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia vào hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư để cùng tìm ra dự án, chương trình hợp tác có hiệu quả giữa các bên liên quan.

1
Doanh nghiệp trong nước sẽ phải nỗ lực rất nhiều khi Việt Nam
mở cửa thị trường với EU

Theo đó, từng doanh nghiệp qua việc xem xét, nghiên cứu sẽ nhận thức được những yếu tố thuận lợi, từ đó khai thác tối đa lợi thế. Hơn nữa, doanh nghiệp cần có chiến lược, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng giảm giá thành sản phẩm và mở rộng xuất khẩu sản phẩm. “Nền kinh tế của EU và Việt Nam về cơ bản hỗ trợ bổ sung lẫn nhau, không có cạnh tranh gì lớn”, Bộ trưởng trấn an.

Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, Hiệp định EVFTA chủ yếu tập trung thực hiện lộ trình nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp như rau quả, thuỷ sản và gạo. Riêng mặt hàng gạo sẽ được EU dành cho những ưu đãi thuế suất, nhưng doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngược lại, một số sản phẩm EU có thế mạnh nhưng Việt Nam ít có như lúa mỳ, tới đây các doanh nghiệp châu Âu có thể xuất khẩu lúa mỳ vào Việt Nam hoặc các sản phẩm hoa quả ôn đới. Ngoài ra, EU còn có thể xuất khẩu vào Việt Nam một số các sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao mà Việt Nam đang thiếu, điều này thể hiện tính hỗ trợ và bổ sung của hai thị trường là cực kì quan trọng.

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Hiệp định EVFTA sẽ là cơ hội thuận lợi để hai bên tăng cường quy mô hợp tác trong lĩnh vực đầu tư, thu hút các dự án có quy mô lớn, có hàm lượng giá trị gia tăng cao cùng những chương trình nâng cao chất lượng dịch vụ.

“Đây là cơ hội rất lớn đối với các doanh nghiệp. Hiệp định góp phần quan trọng trong quá trình hội nhập, tái cơ cấu nền kinh tế và đưa Việt Nam có vị trí quan trọng trong sân chơi thương mại rộng lớn, qua đó giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm. Tuy nhiên, với còn nhiều thách thức không nhỏ nên bên cạnh vai trò dẫn dắt của Nhà nước, các doanh nghiệp nên chủ động với chiến lược đầu tư, kinh doanh của mình, cũng như học tập kinh nghiệm của các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ rõ./.

Theo VOV