Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Thái

24/07/2015 07:37

Ngày 23/7 tại Bangkok, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Prayut Chan-o-cha hội đàm, đồng chủ trì cuộc họp Nội các chung Việt Nam - Thái Lan lần thứ 3. Hai bên nhất trí về các biện pháp tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan trước thềm thập niên thứ 5 của quan hệ song phương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân cùng Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Phu nhân chụp ảnh chung. Ảnh: TTXVN

Ký kết 5 văn kiện

Bộ Ngoại giao thông báo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Prayut Chan-o-cha hôm qua chứng kiến Lễ ký kết 5 văn kiện, gồm: Tuyên bố chung về cuộc họp Nội các chung Việt Nam - Thái Lan lần thứ 3; Bản ghi nhớ về hợp tác lao động Việt Nam - Thái Lan; Thỏa thuận về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam - Thái Lan; Bản ghi nhớ về thiết lập quan hệ hữu nghị giữa tỉnh Kon Tum và tỉnh Ubon Ratchathani; và Bản ghi nhớ về thiết lập quan hệ hữu nghị giữa tỉnh Long An và tỉnh Trat.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh tầm quan trọng của các chuyến thăm cấp cao gần đây giữa hai nước, nhất trí thúc đẩy trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc song phương qua các kênh, trên tất cả các cấp độ, với mong muốn đặt nền tảng cho quan hệ hợp tác sâu rộng trong mọi lĩnh vực. Hai bên nhất trí tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương đã được ghi nhận trong Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2014-2018; ghi nhận tầm quan trọng của các cơ chế hợp tác song phương hiện có.

Hai Thủ tướng nhất trí đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương từ 15 tỷ USD lên 20 tỷ USD vào năm 2020; thiết lập một cơ chế tham vấn không chính thức cho các doanh nghiệp tại mỗi nước; thúc đẩy việc hình thành các mạng lưới kết nối giao thông vận tải đa phương thức, bao gồm trên bộ, trên biển và trên không; thành lập Nhóm Công tác chung để hợp tác trong việc chống đánh bắt cá bất hợp pháp; và khởi động các cuộc đàm phán về hiệp định dẫn độ.

Tại cuộc họp Nội các chung, hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác, đầu tư vào các ngành thế mạnh như du lịch biển, vận tải hành khách; công nghiệp dệt may, da giày; nông nghiệp, thủy sản, chế biến nông sản thực phẩm; trồng và chế biến cao su; cơ khí chế tạo, hóa chất, nguyên vật liệu.

Phát biểu tại Đối thoại doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và đang quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Thái Lan. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam rất coi trọng và đánh giá cao các dự án đầu tư của Thái Lan tại Việt Nam, sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Thái Lan và nước ngoài nói chung đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam.

Thái Lan hiện đứng thứ 10/103 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với 392 dự án đầu tư trực tiếp với tổng vốn gần 7 tỷ USD. Thái Lan cũng là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam; kim ngạch đạt khoảng 4,4 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2015.

Chia sẻ quan ngại về biển Đông

Hai bên tái khẳng định cam kết không cho phép bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào sử dụng lãnh thổ của nước này để thực hiện các hoạt động chống phá nước kia.

Về các vấn đề khu vực, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao sự hợp tác và điều phối giữa hai nước tại các diễn đàn trong khu vực, và nhất trí sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác tại các diễn đàn này, đặc biệt là tại ASEAN. Hai bên tái khẳng định quan điểm đã được nêu trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26. Hai bên chia sẻ quan ngại tình hình trên biển Đông đã ảnh hưởng lòng tin và có thể phương hại hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình, ổn định cũng như an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực biển Đông.

Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết đối với tất cả các bên trong việc bảo đảm thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả toàn văn Tuyên bố về nguyên tắc ứng xử của các bên tại biển Đông; xây dựng, duy trì, tăng cường lòng tin lẫn nhau và sự tin cậy; kiềm chế không tiến hành các hoạt động; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; và giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, và kêu gọi tăng cường các cuộc đối thoại, tham vấn để có thể sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử của các bên tại biển Đông.

(Theo TPO)

TIN LIÊN QUAN