Báo chí giúp người dân nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ
Sáng ngày 28/10/2015, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT và vai trò của báo chí”.
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Hiện nay, Việt Nam đã là thành viên WTO, và đang trong quá trình kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với hiệp định này thì vai trò của SHTT rất quan trọng và cần thiết trong quá trình đàm phán.
Mục tiêu của chúng ta là làm thế nào để đảm bảo thực thi quyền SHTT giúp cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước có môi trường kinh doanh lành mạnh.
Trong các nỗ lực hoàn thiện chính sách pháp lý liên quan đến quyền SHTT, chúng ta đã nhận được sự hỗ trợ to lớn của Nhật Bản, đây là đất nước có nền kinh tế lớn trên thế giới. Nhật Bản cũng đã hỗ trợ cho Việt Nam nhiều dự án lớn, thiết thực trong đó có dự án “Tăng cường năng lực thực thi quyền SHTT tại Việt Nam”.
Dự án được triển khai từ tháng 6/2012 và kết thúc vào tháng 3/2017. Mục tiêu của dự án này là giúp tăng cường năng lực của Cục SHTT và các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc tăng cường bảo hộ và thực thi quyền SHTT; Hỗ trợ các cơ quan, chuyên viên cục SHTT tại Việt Nam có được kiến thức, trình độ qua đó có một lực lượng giảng viên để truyền đạt lại các kiến thức SHTT cho doanh nghiệp và công chúng.
Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: Q.M |
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Nguyên cứu và Đào tạo, Cục SHTT, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: “Hiện nay, Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật bảo vệ quyền SHTT. Tuy nhiên, việc triển khai quyền SHTT vẫn chưa phát huy được vai trò chủ đạo do nhiều lý do khác nhau như: Cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu trong quá trình xử lý vi phạm, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan chức năng…”.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng hiện nay tình trạng vi phạm quyền SHTT tại nước ta rất phổ biến, trong đó không loại trừ các hoạt động báo chí và truyền thông. Đặc biệt là môi trường Internet đã đặt ra những thách thức cho bảo hộ bản quyền SHTT của các cơ quan báo chí. Vì vậy, vai trò của các cơ quan báo chí rất quan trọng trong quá trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân cũng như doanh nghiệp trong hoạt động thực thi quyền SHTT.
“Các cơ quan truyền thông cần linh hoạt khi đưa ra các chính sách tuyên truyền, lồng ghép các gương điển hình thành công trong bảo vệ, quản lý quyền SHTT thành các câu chuyện thu hút độc giả, để việc tuyên truyền dễ đi vào lòng dân”, ông Bảy nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nishiyama Tomohiro, Cố vấn dự án “Tăng cường năng lực thực thi quyền SHTT tại Việt Nam” thuộc tổ chức JICA đánh giá cao vai trò của truyền thông trong quá trình thực thi quyền SHTT tại Việt Nam.
Theo ông Nishiyama Tomohiro, mục tiêu của dự án này nhằm phổ biến rộng rãi quyền SHTT tại Việt Nam. Tuy nhiên, để người dân hiểu và ý thực được thì cần rất nhiều thời gian. Do đó, báo chí sẽ là kênh thông tin quan trọng, là cầu nối để chuyển tải nội dung quyền SHTT đến với người dân.
“Nhật Bản không có nhiều tài nguyên nhưng nhờ sự bảo hộ quyền SHTT tốt vì vậy nền kinh tế Nhật Bản đã phát triển mạnh. Do đó, tôi hy vọng với việc triển khai hiệu quả thực thi quyền SHTT sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở Việt Nam phát triển hơn nữa”, ông Nishiyama Tomohiro cho biết thêm.
Theo Infonet
TIN LIÊN QUAN |
---|