Dấu ấn Nghệ nơi đất kinh kỳ

08/10/2015 17:22

(Baonghean) - Có lẽ ở Hà Nội ít có địa phương nào có sự hiện diện đậm đặc thế của hồn cốt người xứ Nghệ. Từ địa hạt văn chương đến những cơ quan công sở, người xứ Nghệ mà cụ thể hơn là người Nghệ An đều đóng góp công sức của mình với những dấu ấn nhất định.

Nhà thơ Hoàng Cát, người có hơn 50 năm sinh sống ở Hà Thành từng tếu táo mà đùa rằng: “Ngày xưa, Tạp chí Văn nghệ Quân đội vẫn được gọi là Tạp chí Văn đội quân Nghệ, bởi người Nghệ làm việc ở tạp chí này nhiều quá, gần như là tuyệt đối”. Người Nghệ ở tạp chí văn chương quân đội này không còn nhiều như xưa, nhưng trên những vuông vức chữ nghĩa đậm in mặt giấy, văn sĩ xứ Nghệ vẫn ký tên mình dưới nhiều tác phẩm.

CLB UNESCO dân ca ví giặm trình diễn ở Hồ Tây (Hà Nội). Ảnh: Lê thanh phong
CLB UNESCO dân ca ví giặm trình diễn ở Hồ Tây (Hà Nội). Ảnh: Lê thanh phong

Hà Nội mùa này đang vào thu, thu dịu nhẹ phả vào không gian những mơn man hương cốm, những nồng nàn hương hoa sữa. Hà Nội vào thu tựa như dáng hình một thiếu nữ, thướt tha áo dài nhẹ nâng gót hồng bước vào những chộn rộn phố phường.

Thu Hà Nội xứng đáng là mùa đẹp nhất, đẹp không chỉ bởi ở cảnh sắc đất trời mà còn đẹp bởi những mùa thu thay nhau tiếp nối. Mùa thu ấy, vị tướng quen những chiến chinh khói bụi cũng trở về, đã sống qua bao mùa thu lịch sử của đất Hà Thành. Trong một căn nhà nhỏ nằm cách lìa ồn ào phố xá, ở một căn ngõ sâu là nhà của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, một người con Nghi Lộc. Sau bao nhiêu năm cống hiến tuổi thanh xuân cho nền độc lập, thống nhất của nước nhà, vị tướng trở về với vai trò của một Đại biểu Quốc hội nhiều khóa. Cái chất thẳng thắn đậm đà của người Nghệ, cái khí phách của vị tướng cầm quân thấu hiểu được giá trị của ngày hôm nay đã đưa ông trở thành một trong những cái tên được nhắc đến nhiều trong nghị trường thời ấy. Thủa đó vẫn phổ biến câu thành ngữ: Nhất Thước - Nhì Trân - Tam Lân - Tứ Quốc (các đại biểu: Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng, và Dương Trung Quốc).

Xa rời nghị trường, nhưng bên ấm chè xanh xứ Nghệ được đem ra từ quê nhà ông vẫn không để trái tim nguôi ngoai thế sự. Trước mỗi vấn đề nóng của đất nước, ông vẫn sẵn sàng trải lòng mình với báo chí, với những bạn bè đồng chí...

Ở một tầng nấc khác, có biết bao nhiêu người dân lao khổ bình dân. Họ ra đây để học hoặc là những người mẹ, người cha theo con trọ học. Tôi gặp chị Phương (Yên Thành), người phụ nữ quê mùa chất phác chỉ quen với ruộng đồng đã chấp nhận rời xa làng quê để lên đây gia nhập đội quân đồng nát, lý do đơn giản là để lo cho đứa con gái đang ăn học ở đây. Chị ở trọ cùng với những người đồng hương khác, mỗi người một lý do để tha hương, nhưng trong không gian chật chội thiếu thốn ấy, tình đồng hương như một mạch ngầm nối họ lại với nhau, sẻ chia từng khó khăn, chăm lo cho từng mảnh đời.

Cũng ngay giữa Hà Thành, bạn sẽ không quá khó khăn để tìm thấy một quán ăn của người Nghệ. Quán lươn Nghệ nhiều vô kể, mà thật lạ, quán nào cũng nườm nượp người đến. Quán bà Liên trên đường Đội Cấn (Ba Đình) đã có hơn 10 năm trụ lại ở đất này. Vốn gốc Đô Lương, quán của bà đã tạo công ăn việc làm cho không ít con cháu ở quê ra. Không chỉ vì một món ăn vừa mồm ngon mắt, hơn thế nữa, những món ăn xứ Nghệ như một vị sứ giả ẩm thực kết nối những người xa quê với mảnh đất khô cằn khắc nghiệt. Đến với những quán kiểu Nghệ như thế, người ta còn dễ được nghe “đã tai” những thanh âm quê nhà. Không còn phải cố sức để nói giọng phổ thông hay cứ phải uốn lưỡi cho giống giọng “Hà Lội”, nói như một người bạn của tôi: “Đến đây cứ giọng Nghệ mà phang. Không lo ai đó ngỡ ngàng âu lo”.

Hà Nội cũng có một địa danh khác gắn với người xứ Nghệ, đó là nhà thờ “Hồ cửu tộc đồng đường”. Các bậc cao niên làng Hồ Khẩu nơi nhà thờ kể lại có hai anh em họ Hồ ở Nghệ An rời quê hương đi xa làm ăn, tới đây một người ở lại sinh sống ở làng Hồ Khẩu. Ông Vũ Hồ Luân - Trưởng Ban quản lý di tích đình, chùa làng Hồ Khẩu, phường Bưởi cũng là người họ Hồ nói thêm, theo các cụ truyền lại thì vua Quang Trung - Nguyễn Huệ (tức Hồ Thơm) khi kéo quân ra Bắc đánh quân Thanh đem theo rất nhiều người họ Hồ ra, rồi định cư rải rác ở Thăng Long.

Cách không xa làng Hồ Khẩu là Hồ Tây, nơi sông nước mênh mang này còn ẩn chứa nhiều tầng bí ẩn. Nơi đây, nữ sĩ Hồ Xuân Hương từng lập ra Cổ Nguyệt Đường làm nơi đàm đạo văn thơ. Dưới tầng tầng nước ấy, nhiều người vẫn tin rằng có mộ nữ sĩ người đất Quỳnh ở đó. Một trong những căn cứ đó là bài thơ “Long Biên trúc chi từ” của Tùng Thiện Vương (Miên Thẩm), khi năm 1842 nhà thơ hộ giá vua anh là Thiệu Trị (1840 - 1847) ra Bắc tiếp sứ thần Trung Hoa. Miên Thẩm sai cô hầu gái ra Hồ Tây hái sen về cúng đàn, còn dặn rằng: “Đầy hồ rực rỡ hoa sen/ Sai người xuống hái để lên cúng đàn/ Chớ trèo lên mộ Xuân Hương/ Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng/ Sen tàn phấn rữa mồ hoang/ Xuân Hương đã khuất bên đàng cỏ xanh/ U hồn say khướt làm thinh/ Gió xuân mấy độ thổi tình ai hay” (GS. Hoàng Xuân Hãn dịch).

Hà Nội ngày càng rộng lớn, đất kinh kỳ xưa đã nhiều lần đổi khác, nhưng giữa những ồn ào phố xá, đô thị chuyển động, người nhiều phương tứ xứ ấy, người xứ Nghệ, dấu ấn người Nghệ vẫn hiện hữu trong từng thớ đất...

Hồ Viết Thịnh

TIN LIÊN QUAN