Gấp rút đổi mới chính sách chăn nuôi trong thời kỳ hội nhập

09/10/2015 07:20

(Baonghean) - Không còn nghi ngờ gì nữa, với sự thống nhất đã đạt được sau 5 năm đàm phán, có nhiều thời điểm tưởng như bế tắc, 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) - hiệp định thương mại lớn nhất thế giới - cuối cùng đã đạt thỏa thuận tại vòng đàm phán vừa kết thúc ở thành phố Atlanta, bang Georgia, Hoa Kỳ. Theo các chuyên gia kinh tế, TPP chính là con đường để mở ra tương lai tăng trưởng mạnh mẽ cho các nước tham gia. Đối với Việt Nam, ngành chăn nuôi là một trong những ngành sản xuất chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất từ TPP.

Dễ mở rộng quy mô, tăng sản lượng

Trong nền kinh tế nông nghiệp, ngành chăn nuôi và trồng trọt đóng vai trò là 2 ngành sản xuất chính và luôn đồng hành với nhau. Tỷ trọng của ngành chăn nuôi chiếm khoảng 27% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp (SXNN) và có xu hướng ngày một tăng lên. Điều này thể hiện ở chỗ, chăn nuôi là nguồn thu nhập chính của người nông dân, là sinh kế của đa số những hộ nông dân ở vùng SXNN. Không những thế, trong vài năm trở lại đây, chăn nuôi là ngành hấp dẫn đối với các DN trong và ngoài nước, các trang trại. Cụ thể: với DN nước ngoài: về lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi có nhiều DN đầu tư vào Việt Nam như Công ty CP, Cargill, Prococo, Jappa Comfeed, Newhope, Dehues, ... và những năm gần đây đã đầu tư thêm hàng trăm triệu đô la, đưa sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp nước ta đạt gần 15 triệu tấn và đứng thứ 12 thế giới. Về lĩnh vực sản xuất sữa, có các hãng như Cô gái Hà Lan, Nestle, ...

Anh Hoa Xuân Liễu ở xóm 2B, xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) chăm sóc đàn lợn thịt.  Ảnh:  Trường sinh
Anh Hoa Xuân Liễu ở xóm 2B, xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên) chăm sóc đàn lợn thịt. Ảnh: Trường sinh

Đối với DN trong nước những năm trở lại cũng đã tăng cường đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, như Công ty Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long (Gia Lai), Minh Dư (Bình Định), Bình Minh, Phú Sơn (Đồng Nai), Dabaco, ... Về lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi có Công ty Dabaco, Vina, Greenfeed, Hoa kỳ, Việt Pháp, ... Với trang trại chăn nuôi, các trang trại, gia trại chăn nuôi đang có xu hướng tăng dần (từ 6.267 trang trại năm 2011 lên 9.377 trang trại năm 2014) và tập trung chăn nuôi theo quy mô công nghiệp và bán công nghiệp. Chất lượng sản phẩm ngày một tăng, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng được chú trọng.

Theo TS Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), lý do để ngành chăn nuôi phát triển là do dễ mở rộng quy mô, dễ tăng sản lượng, dễ tiếp thu ứng dụng công nghệ và dễ công nghiệp hóa. Tuy nhiên, với nền chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tổng số người chăn nuôi; công tác giống vật nuôi chưa được quản lý chặt chẽ và quan tâm đúng mức, chế biến còn hạn chế (có rất ít DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm chăn nuôi và chỉ dừng lại ở quy mô vừa và nhỏ, công nghệ còn đơn giản và đa số mới dừng lại ở dạng sơ chế); tổ chức sản xuất chưa tốt, hiện nay công tác tổ chức sản xuất trong chăn nuôi còn nhiều bất cập, chưa tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà (nhà nông, người sản xuất - nhà nghiên cứu - DN) nên hiệu quả của ngành chăn nuôi Việt Nam chưa cao - Cục trưởng Hoàng Thanh Vân nhận xét.

Buộc phải phát huy lợi thế

Trong thời điểm và giai đoạn gia nhập kinh tế quốc tế một cách mạnh mẽ, cùng với các ngành kinh tế khác, ngành chăn nuôi đã ở vào vị thế buộc phải phát huy lợi thế về khả năng sản xuất một số loại vật nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng; phát triển bền vững góp phần đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Theo đó, để thực hiện các mục tiêu trên, cần phải đồng thời thực hiện nhiều mục tiêu cụ thể. Đó là việc phải xây dựng, rà soát lại quy hoạch phát triển chăn nuôi; xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và nâng cao thể chế; nâng cao năng suất, chất lượng giống gia súc, gia cầm; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; triển khai công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn; đổi mới công tác thú y.

Theo Cục trưởng Hoàng Thanh Vân, trong các giải pháp thực hiện, cần thực hiện trước giải pháp về quy hoạch chăn nuôi. Phải rà soát, đánh giá lại quy hoạch chăn nuôi của các tỉnh trên cơ sở tái cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh. Đối với các tỉnh chưa có quy hoạch thì ban hành quy hoạch chăn nuôi theo đúng định hướng tái cơ cấu thời gian tới. Không những thế, phải quy hoạch phát triển chăn nuôi gắn với quy hoạch giết mổ và thị trường tiêu thụ; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và mô hình liên kết sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.

Bên cạnh đó, với các giải pháp về chính sách, đáng lưu ý là đề xuất ban hành Luật Chăn nuôi và các Văn bản hướng dẫn thi hành của Bộ NN&PTNT. Trong đó, cần sửa đổi và ban hành các văn bản quản lý nhà nước về giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi, môi trường chăn nuôi gắn với biến đổi khí hậu; ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn về giống vật nuôi, thức ăn, môi trường chăn nuôi; phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh thú y; ban hành các quy trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến theo hướng an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học. Về công tác quản lý nhà nước, trong tình hình mới, cục diện mới, rõ ràng, ngành chăn nuôi phải thực hiện chặt chẽ hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về quản lý giống, thức ăn chăn nuôi, môi trường; phòng chống dịch bệnh và giết mổ - Cục trưởng Hoàng Thanh Vân nói.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đối với giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng gia súc, gia cầm, ngành chăn nuôi cần cơ quan nhà nước thực hiện tốt hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa công tác giám định, bình tuyển, loại thải đực giống không đủ tiêu chuẩn. Rõ ràng, cần xây dựng hệ thống quản lý quốc gia về đực giống vật nuôi, kèm theo đó là nâng cấp các cơ sở sản xuất giống vật nuôi do Trung ương và địa phương quản lý. Việc nhập giống gia súc, gia cầm mới; tinh gia súc (bò, lợn) có chất lượng cao phục vụ công tác chọn lọc, lai tạo nâng cao năng suất đàn gia súc, gia cầm trong nước cũng cần được đẩy mạnh bên cạnh việc đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu khoa học về lĩnh vực chăn nuôi. Trong nghiên cứu công nghệ sinh học, di truyền, việc chọn lọc, nhân thuần các giống lợn, gia cầm có năng suất và chất lượng cao theo định hướng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cũng như nghiên cứu chọn lọc, lai tạo các tổ hợp lai (lợn, gà lông màu) phù hợp với vùng sinh thái nhằm tăng giá trị gia tăng và lợi thế vùng là rất quan trọng. Ngoài ra, còn có nhiều giải pháp quan trọng nữa cần được thực thi - Cục trưởng Hoàng Thanh Vân khẳng định.

Sông Hồng

Trong các giải pháp còn lại, đáng lưu ý là giải pháp về công tác thú y. Theo đó, cần tiêm phòng và vệ sinh thú y đầy đủ, hiệu quả để phòng, chống các loại dịch bệnh ở vật nuôi; kiểm dịch, kiểm soát xuất nhập khẩu, phòng chống buôn lậu đối với gia súc, gia cầm và sản phẩm chăn nuôi; thanh tra, kiểm tra chặt chẽ công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh thú y ở địa phương; quản lý công tác giết mổ, vận chuyển, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm.

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi theo hướng tăng tiếp cận thị trường xuất khẩu tiềm năng; nâng cao sức cạnh tranh ngay thị trường trong nước (qua xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu...). Muốn vậy, cần thúc đẩy chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đến nay đã có một số DN lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi như Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai, ... Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã đề xuất danh mục Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.

TIN LIÊN QUAN