Phải lòng ví giặm

13/10/2015 15:57

(Baonghean) - Chỉ bằng một câu ví mà trái tim của những kẻ xa quê bỗng thổn thức lạ thường. Cả một ký ức tuổi thơ, một miền nhớ, miền thương hiện lên mồn một. Không có gì mạnh mẽ như âm nhạc, không có gì tha thiết và nặng sâu như những điệu hò ví, giặm...

1. Hơn 10 năm về trước, trong chuyến về Kim Liên để tìm hiểu ví phường vải Nam Đàn, tôi đã ghé nhà ông giáo Nguyễn Hữu Cự. Có khá nhiều người lấy làm khó hiểu khi ông không dưng lại cứ muốn ôm vào mình cái khát khao lưu giữ, bảo tồn những làn điệu xưa cũ, đứng lên thành lập câu lạc bộ hát ví phường vải và mong mỏi phục dựng lại không gian xưa của ví phường vải.

Tôi đã từng nghĩ rằng, ông - người con quê Đức Thọ (Hà Tĩnh), nhưng cái duyên, cái phận lại đưa đẩy ông về đất Kim Liên - có một tình yêu “cực đoan” với ví phường vải. Yêu đến mức mọi vần xoay của cuộc đời mình, ông đều nghĩ là bởi do ví phường vải. Yêu đến mức, ông sẵn sàng bỏ tiền túi để làm bất cứ điều gì liên quan đến việc phổ biến, lưu truyền nó. Yêu đến mức, giữa trưa nắng gắt, ông quên cả bữa ăn dẫn tôi tới nhà một số nghệ nhân già của làng Hoàng Trù để mong tôi có thể “cảm” về câu ví của những ngày xưa… Và “cực đoan” khi ví phường vải lên sân khấu, nếu không phải là áo nâu và hát theo nhịp xa quay, thì ông cho rằng đó là thứ “giả cầy”, không còn là phường vải nữa...

Hát ví bên sông Lam của CLB dân ca Nam Đàn.Ảnh: Trần Hải
Hát ví bên sông Lam của CLB dân ca Nam Đàn. Ảnh: Trần Hải.

Buổi trưa đầy nắng hơn 10 năm trước ấy, trong căn nhà đơn sơ ở làng Hoàng Trù, tôi đã nghe từ trong lồng ngực già nua câu ví phường vải da diết cất lên. Câu hát đi qua tháng, qua năm, qua bao thăng trầm của đời sống, của quê hương, của phận người, nhưng nó vẫn là đây, vẫn ở sâu thẳm trái tim: “Hỏi chường quê quán nơi đâu/ Mà chường lại biết vườn dâu có tằm…?”.

Từ phút đó, tôi biết mình đã phải lòng câu ví. Một người con xứ Bắc đã phải lòng câu ví đất cát trắng, gió Lào…

Mới hiểu vì sao, ông giáo Cự, đã cả đời bôn ba, những ngày cuối cùng vẫn trở về câu ví. Câu hát quê hương ấy đã là máu thịt. Cứ như nhà thơ Nguyễn Duy “ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” ấy: Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn. Những câu hát đã nuôi lớn phần hồn những người con xứ Nghệ còn có thể là câu hát nào khác ư, ngoài ví, giặm?

Sau này, nhiều lần nữa, tôi đi qua miền quê Nam Đàn, tôi đã luôn mường tượng về những đêm trăng xanh trên những ruộng dâu, những bờ rào mạn hảo. Ở nơi nào đó, đã từng đông đúc lắm bước chân tìm về phường vải bà An (bà Hoàng Thị An, dì ruột Bác Hồ), một bờ cây, một hạt cát nào còn lưu giữ lời hát ru của mẹ Hoàng Thị Loan những đêm canh cửi. Góc nào đó, trong bao la không gian hiện tại bây giờ, còn lưu lại bóng một người “đi nghe hát, quần xắn gối đứng đầu sân”, để thêm xa xót nỗi “dân mất nước với lầm than”.

Người dân Nam Đàn còn kể cho tôi nhiều lắm những giai thoại về một ông Giải San (tức Phan Bội Châu), một ông Tú San đều mê phường vải, đều là những “thầy bày” của nhiều đêm hát ví. Những đêm hát ví phường vải tràn ngập ánh trăng và hạnh phúc đã trở thành miền ký ức đẹp mơ màng trong tâm hồn Phan Bội Châu. Dẫu ánh trăng mông lung mơ hồ đến nhường kia, dẫu tiếng quay xa đùng đục trầm trầm như ru vào quên lãng, dẫu tiếng hát ví ngân lên cao vút nhưng có gì đó buồn sâu lắng, những đêm ví phường vải là có thực. Và chàng trai Giải San ngập ngừng đứng bên bờ hoa râm bụt, cất lên tiếng hát dí dỏm đối đáp lại các cô gái đang kéo sợi. Chàng cười thầm trong ánh trăng. Chàng đã có những ngày tháng đẹp mơ màng trên mảnh đất quê hương, để rồi sau đó là cả một cuộc đời dài gian lao, hùng tráng.

2. Cô cháu gái của tôi, một cô cháu lứa tuổi 9X học đại học tại Hà Nội, đã từng rất ngạc nhiên khi biết tôi yêu ví, giặm đến vậy. Và chính cô cháu ấy cũng khiến tôi ngạc nhiên khi biết, thay bằng thần tượng những ca sỹ trẻ hay ca sỹ nước ngoài nổi tiếng, cháu tôi đã thần tượng những nghệ nhân cất tiếng hát trên ruộng đồng quê hương. Chính là ví giặm đã kéo chúng tôi lại gần nhau, 2 mự cháu, 2 quê hương, 2 thế hệ.

Cô cháu tâm sự với tôi như một người bạn: Mự ơi, bọn cháu mới kéo nhau đi nghe ví, giặm khi được biết đoàn Dân ca Nghệ An ra Hà Nội tổ chức biểu diễn. Lúc Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu cất lên câu hát: “Ai biết nước sông Lam răng là trong răng là đục, thì biết sống cuộc đời rằng là nhục là vinh”, cháu và các bạn đều thổn thức mự ạ. Có đứa còn rơi nước mắt đấy. Giữa nơi đất khách quê người, bấy lâu quăng mình trong những mải mê và bận bịu, nhưng chỉ với một làn điệu mộc mạc và dịu êm được cất lên, nhớ thương lại giăng mắc ngập lòng…

Trung tâm bảo tồn và phát triển dân ca xứ Nghệ biểu diễn ví giặm ở thủ đô
Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ biểu diễn ví giặm ở thủ đô. Ảnh: P.V.

Thế rồi, sau đêm cháu đi xem diễn, tôi thấy trên facebook đã có những dòng thế này: “Nhớ những ngày còn là một đứa trẻ, vào mùa tôi thường đi theo khi bà ra đồng gieo mạ. Buổi chiều chạy dài trên triền đê, tôi cứ nghe tiếng cười khúc khích của các chị, các o lẫn trong những giai điệu ngọt ngào vang lên trong gió: Đã thương thì thương cho chắc/ Đã trục trặc thì trục trặc cho xong/ Đừng như con thỏ đứng đầu truông/ Khi vui giỡn bóng khi buồn thì bỏ đi". Những câu hát cất lên trong cực nhọc vẫn thơ mộng và đáng yêu vô cùng.

Rồi khi lớn dần lên, buổi tối tôi thường ngồi lẫn trong một hội những người lớn của xóm, say sưa nghe các chú, các dì cùng ngân nga bên dàn karaoke cũ kỹ nhà mình. Họ đã hát như thể ngày hôm nay họ chưa phải quăng mình ra giữa cái nắng chang chang. Họ đã hát như thể chiều nay họ không phải oằn lưng vác những bao lúa nặng hơn trọng lượng cơ thể mình.

Thế là cái tâm hồn non nớt của tôi lúc đó đã phải lòng ví, giặm, đã say sưa và mê mải với nó dù có thể lúc đó tôi chẳng thể hiểu hết mọi lời ca.

Lớn lên rồi, đôi bàn chân đã in dấu trên mọi nẻo đường của Tổ quốc. Chúng tôi có lúc đã bỏ cả vài triệu đồng để thưởng thức một đêm nhạc. Những người nghệ sỹ đứng trên sân khấu, họ lộng lẫy và đầy thăng hoa nhưng tất cả đã không thể đi vào trái tim tôi như hình ảnh của những dì, những o, khuôn mặt đượm vết nắng mưa với tiếng hát rạng rỡ ấy. Những người lao động trong giây phút trở thành người nghệ sỹ, không chỉ truyền cho tôi câu hát mà còn truyền cho tôi sự lạc quan trong những vất vả và gian truân, cho tôi hiểu và tự hào về người dân quê mình - những người đã sống rất thảnh thơi giữa cánh đồng mênh mông, đã tin yêu cuộc đời giữa những mặn mòi và gian nan của xứ sở nghèo nàn. Chỉ bằng một câu ví mà trái tim của những kẻ xa quê bỗng thổn thức lạ thường. Cả một ký ức tuổi thơ, một miền nhớ, miền thương hiện lên mồn một. Không có gì mạnh mẽ như âm nhạc, không có gì tha thiết và nặng sâu như những điệu hò ví, giặm”.

Và tôi, rất muốn nói một lời với ông giáo Cự, người đã về thiên cổ cách đây ít năm do bệnh tình, về nỗi lo của ông, rằng lỡ mà những câu ví một mai không còn nữa: Ông giáo ơi, ông hãy yên lòng nhé, ngày hôm nay và mãi mãi sau này, ở bất cứ đâu, còn có người Nghệ là câu ví, giặm vẫn sẽ cất lên, vẫn sẽ rưng rưng. Bởi ví, giặm là tâm hồn xứ Nghệ trong hồn Việt Nam ta, từ đời xưa và đời sau vẫn thế!

Thùy Vinh

TIN LIÊN QUAN